Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Hé lộ những ngân hàng báo lãi ngàn tỷ trong nửa đầu năm 2019
T.D - 25/07/2019 18:37
 
Một số tổ chức tín dụng đầu tiên trên thị trường đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019, với lợi nhuận khủng hàng ngàn tỷ đồng.
HDBank đã ghi danh trong top ngân hàng lãi khủng trên 2.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019.
HDBank đã ghi danh trong top ngân hàng lãi khủng trên 2.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019.

Kết quả kinh doanh tích cực

Vượt chỉ tiêu đề ra theo kế hoạch và lộ trình, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 của Vietcombank ấn tượng ngoạn mục, với 11.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng tới 41% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, năm 2018 cũng là năm kỷ lục với chính ngân hàng này và vị trí số 1 được duy trì trong khoảng cách xa về lợi nhuận với các tổ chức còn lại. Do đó, kết quả nửa đầu năm 2019 đang làm nức lòng cổ đông và khả năng Vietcombank đạt 20.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế theo kế hoạch năm nay đã nằm trong tầm tay.

Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, ACB có thông tin sớm về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019, với lợi nhuận trước thuế 3.620 tỷ đồng, đạt gần 50% kế hoạch năm. Đây cũng là tổ chức đầu tiên trong nhóm ngân hàng triển khai sớm Basel II đã chia sẻ thông tin được Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng từ 13% lên 17% cho cả năm 2019.

HDBank vừa hé lộ lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm dự kiến vượt 2.200 tỷ đồng, các chỉ số ROA và ROE đạt lần lượt 1,7% và 20%, thuộc nhóm cao so với toàn ngành. Tổng dư nợ của Ngân hàng đạt hơn 144.000 tỷ đồng, đồng thời tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ tiếp tục được kiểm soát ở mức 1%. Đáng chú ý, NIM hợp nhất của HDBank tăng lên 4,4%, cao nhất trong số các ngân hàng vừa công bố kết quả kinh doanh.

Thấp hơn ACB và HDBank về độ “khủng” của lợi nhuận, một số ngân hàng top sau như VIB, TPBank hay Sacombank cũng chia sẻ kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm nay. VIB cho biết, lợi nhuận đạt mức kỷ lục so với chính Ngân hàng là 1.820 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2018. Một điểm nổi trội của VIB là ngân hàng có doanh số phân phối bảo hiểm nhân thọ và doanh số thẻ đạt cao, tăng trưởng bán lẻ tiếp tục duy trì top đầu.

Còn TPBank cho biết, lãi trước thuế 6 tháng năm 2019 ước đạt 1.620 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay của Sacombank cũng tăng mạnh lên 1.456 tỷ đồng. Khiêm tốn nhất trong số các ngân hàng đã báo lãi, Kienlongbank ghi nhận lãi trước thuế 148,5 tỷ đồng, thực hiện 48% kế hoạch cả năm…

Như vậy, với những thông tin công bố bước đầu, một số ngân hàng như Vietcombank, ACB hay HDBank đã ghi danh trong top lãi khủng trên 2.000 tỷ đồng. Các kết quả lợi nhuận của những tổ chức khác đều thuận lợi hoặc vượt mục tiêu nửa năm theo kế hoạch.

Tiếp tục “ăn nên làm ra”

Giới phân tích tài chính đưa ra nhận định, đà tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm và nhu cầu vốn tăng cao trong 2 quý cuối năm sẽ là điều kiện tích cực để các ngân hàng hoàn tất chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra năm nay.

Đà tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm và nhu cầu vốn tăng cao trong 2 quý cuối năm sẽ là điều kiện tích cực để các ngân hàng hoàn tất chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra năm nay.

TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, bên cạnh tín dụng, mảng dịch vụ đang được các ngân hàng khai thác hiệu quả, đóng góp 15-30% vào tổng lợi nhuận. Trong bối cảnh room tín dụng khó được nới rộng hiện nay, các ngân hàng đang đẩy mạnh dịch vụ.

Theo số liệu được đưa ra từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đã đạt 7,33%, mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2019 ở mức khoảng 14% là hoàn toàn khả thi.

Không ít ngân hàng đã cạn room sau 2 quý đầu năm và đang xin Ngân hàng Nhà nước nới room. Một số ngân hàng đã được nới thêm room tín dụng như ACB, MB... Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đến thời điểm này, có một số ngân hàng xin nới room tín dụng, nhưng Ngân hàng Nhà nước chưa chấp thuận cho ngân hàng nào, bởi thực tế là các ngân hàng xin nới room vẫn chưa sử dụng hết room.

Theo ông Hùng, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước đối với tăng trưởng tín dụng là thận trọng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh và tiếp tục theo đuổi mục tiêu định hướng từ đầu năm 2019. Vì vậy, việc nới room được tiến hành rất thận trọng, đảm bảo các cân đối chung không bị ảnh hưởng.

Giới phân tích tài chính nhận định, hoạt động của ngành ngân hàng có triển vọng ổn định trong bối cảnh duy trì thắt chặt tiền tệ. Trong 6 tháng cuối năm 2019, NIM chỉ tăng nhẹ ở một số ngân hàng; lợi suất tài sản được cải thiện nhờ cho vay bán lẻ tăng nhanh, đồng thời thu nhập phí duy trì tăng trưởng mạnh. Dự kiến, thu nhập phí tăng trưởng cao trong năm 2019 nhờ bancassurance và các dịch vụ thanh toán. Theo các chuyên gia tài chính, các ngân hàng tiếp tục “ăn nên, làm ra” nhờ mảng dịch vụ.

HDBank nhận giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ nội địa tốt nhất năm 2019”
Ngày 18/7, tại Shangri-la (Singapore), Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) đã đạt giải “Ngân hàng bán lẻ nội địa tốt nhất năm 2019" do tổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư