Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hệ thống phân phối bóp nghẹt xăng sinh học E5
Phan Long - 21/07/2013 06:30
 
Ra mắt người tiêu dùng từ tháng 8/2010, nhưng đến nay, xăng sinh học E5 gần như vắng bóng trên thị trường do hệ thống phân phối quá ít, kèm theo thiếu chính sách ưu đãi, hỗ trợ.
TIN LIÊN QUAN

Gần 3 năm nay (kể từ tháng 8/2010), người tiêu dùng Việt Nam đã có thêm một chọn lựa mới trong việc sử dụng nguồn nhiên liệu, khi xăng sinh học E5 được phân phối tại Hà Nội và TP.HCM.

Xăng sinh học E5 không chỉ thân thiện hơn với môi trường do giảm lượng khí thải ô nhiễm mà việc phát triển xăng E5 sẽ hạn chế nhập khẩu xăng dầu và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Cả Hà Nội hiện chỉ có 3 cây xăng phân phối E5 khiến người tiêu dùng khó tiếp cận sản phẩm

PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Cơ khí động lực (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, xăng E5 được sản xuất từ hỗn hợp 95% xăng không chì A92, với 5% cồn ethanol (nồng độ 99,7% - không chứa nước).

Do có trị số octan cao (RON=109), nên khi pha vào xăng truyền thống, ethanol sẽ làm tăng trị số octan của hỗn hợp nhiên liệu. Từ đó, giúp tăng khả năng chống kích nổ, tăng tỷ số nén của động cơ, nâng cao hiệu suất hoạt động... giúp tiết kiệm nhiên liệu; đồng thời làm động cơ vận hành êm hơn và tăng tuổi thọ động cơ.

Kết quả của nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, chất lượng, tính ưu việt của xăng E5 so với các loại nhiên liệu truyền thống và quan trọng hơn là qua thực tế, hầu hết những người đã biết đến và sử dụng xăng E5 đều công nhận xăng E5 là sản phẩm tốt, nên duy trì sử dụng. Chính vì vậy, khi sản phẩm xăng sinh học E5 được Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) ra mắt, người tiêu dùng đã đón nhận khá tốt.

TS. Nguyễn Phú Cường, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công thương, kiêm Chánh Văn phòng giúp việc Ban Điều hành Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học cho biết, theo lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học mà Đề án đưa ra, từ ngày 1/12/2014, xăng E5 sẽ được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ ngày 1/12/2015, xăng E5 sẽ được bán và tiêu thụ trên toàn quốc.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, lượng tiêu thụ xăng E5 quá nhỏ, đúng hơn là xăng E5 gần như vắng bóng trên thị trường, do hệ thống phân phối quá ít, không thuận lợi cho người tiêu dùng. Với tiến độ này, lộ trình phát triển nhiên liệu sinh học theo Đề án đã được Chính phủ thông qua cũng có nguy cơ “đổ vỡ”.

Trên thực tế, mới chỉ có 3 trong số hơn 10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tham gia kinh doanh xăng E5 với quy mô nhỏ. Tổng lượng xăng E5 do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cung cấp ra thị trường trong năm 2012 chỉ khoảng 22.000 m3. Hiện xăng E5 mới chỉ được bán tại 36 tỉnh, thành phố, với tổng số 166 cửa hàng. Theo danh sách công bố của PV Oil, tại Hà Nội cũng chỉ có 3 cửa hàng phân phối xăng E5.

Việc có quá ít cây xăng phân phối xăng E5 là nguyên nhân chính khiến người tiêu dùng không mặn mà với loại nhiên liệu sinh học này.

Theo lý giải của PVN, nguyên nhân của tình trạng này là do các chi phí ban đầu để phát triển hệ thống bán hàng, quảng bá sản phẩm quá lớn, trong khi Chính phủ lại chưa có chính sách dài hạn, cụ thể để hỗ trợ tiêu dùng xăng sinh học, nên các doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất ethanol (chế phẩm pha xăng E5) đang gặp không ít khó khăn.

Nhà máy Sản xuất ethanol Đại Tân của Công ty cổ phần Đồng Xanh đã phải tạm dừng hoạt động từ tháng 6/2012, còn hai nhà máy tại Quảng Ngãi và Bình Phước cũng đang hoạt động cầm chừng, khiến PVN (là đơn đơn vị góp vốn) cũng “méo mặt”. Bài học thực tế này đã khiến hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác không tích cực đầu tư vào mạng lưới phân phối xăng sinh học.

Đến nay, các chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với nhiên liệu sinh học mới chỉ hỗ trợ ở khâu sản xuất, chứ chưa hỗ trợ cho lĩnh vực phân phối, kinh doanh và phát triển vùng nguyên liệu. Từ năm 2009, PVN đã kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng nhiều chính sách cụ thể, như ưu đãi đầu tư cho các dự án nhiên liệu sinh học; cơ chế ưu đãi cho sản phẩm xăng pha cồn E5; ưu đãi cho kinh doanh sản phẩm xăng pha cồn E5..., nhưng chưa đề xuất nào được chấp thuận. Thế nên, việc xăng E5 vắng bóng trên thị trường cũng là điều dễ hiểu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư