Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Hiểm họa do dịch vụ thẩm mỹ tại các spa kém chất lượng
D.Ngân - 25/04/2024 07:34
 
Nữ bệnh nhân 24 tuổi (Hà Nội), tới khám tại Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong tình trạng toàn bộ môi và vùng mặt dưới sưng nề.

Vùng môi biến dạng, mất cân đối, chảy nhiều mủ trắng bẩn, viêm nhiễm rất nặng. Bệnh nhân cho biết, trước đó 3 ngày có đi cắt môi trái tim tại một spa.

Tai biến nặng vì spa kém chất lượng

Bác sĩ Hoàng Hồng, phụ trách Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân cho hay, trường hợp này nhiễm trùng rất nặng. Các bác sĩ nghĩ nhiều đến tụ cầu đa kháng, tuy nhiên cần chờ kết quả xét nghiệm chính xác. Vấn đề thẩm mỹ không còn đặt lên hàng đầu, mà trước mắt phải giải quyết vấn đề nhiễm trùng cho bệnh nhân.

Cô gái chia sẻ, biết đến dịch vụ cắt môi trái tim tại spa này thông qua một quảng cáo trên mạng xã hội Facebook. Thấy hình ảnh quảng cáo rất đẹp, người chủ spa còn đăng những bức hình có mặt tại một bệnh viện để chứng minh sự uy tín, nên cô đã tin tưởng và liên hệ với spa. Phí dịch vụ cắt môi trái tim là 14 triệu đồng, nhưng spa cho biết ưu đãi cho khách hàng 50%, chỉ còn 7 triệu đồng.

“Khi đã đặt tiền và đến spa làm phẫu thuật, tôi rất ngạc nhiên khi biết spa được đặt tại một căn hộ chung cư, mọi dịch vụ đều thực hiện tại đó”, cô gái nhớ lại.

Bác sĩ Hoàng Hồng, phụ trách Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đang khám cho bệnh nhân

Tới khi phẫu thuật xong, thấy vùng môi bắt đầu sưng nề, viêm nhiễm đau đớn, bệnh nhân tìm hiểu lại và “tá hỏa” khi biết chủ spa mới chỉ học xong THPT, không có chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ.

Các bác sĩ đánh giá, nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiễm trùng bệnh nhân có thể đến từ môi trường spa vệ sinh không đảm bảo và chuyên môn của người thực hiện phẫu thuật.

“Những người không học ngành y mà cũng cầm dao kéo can thiệp như vậy rất nguy hiểm, vì họ không biết cách làm thế nào để đảm bảo dụng cụ vô khuẩn, hay áp dụng kỹ thuật thế nào để tránh nhiễm trùng”, bác sĩ Hồng nhìn nhận.

Bác sĩ Hoàng Hồng cho biết, với trường hợp này, các bác sĩ đã tiến hành làm sạch mủ ở vết thương, dùng kháng sinh mạnh phổ rộng phối hợp để điều trị nhiễm trùng, tránh lan ra vùng mặt. Bên cạnh đó, lấy dịch mủ cấy phân lập vi khuẩn và làm kháng sinh đồ. Mép vết thương môi dưới hiện toạc rộng, lõm sâu, không thể tự liền lại được.

Sau khi điều trị nhiễm trùng viết thương ổn định, khoảng 10 ngày, bác sĩ sẽ làm bước tiếp theo là khâu lại mép vết thương. Toàn bộ vùng môi trên của bệnh nhân đang nhiễm trùng, sưng to, căng nề, cần điều trị và theo dõi thêm. Tuy nhiên, theo bác sĩ, nguy cơ đôi môi cô gái bị biến dạng là không thể tránh khỏi và giờ đây việc làm đẹp của bệnh nhân trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

Thời gian gần đây, Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội liên tục tiếp nhận các trường hợp biến chứng do thực hiện tiểu phẫu, phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở spa.

“Có những ngày, chúng tôi tiếp nhận tới vài ca cắt mí hỏng, hoặc các ca tai biến sau tiêm filler, hoại tử da sau khi hút mỡ bụng,... Điểm chung của các trường hợp này là đều thực hiện tại các spa, người thực hiện không phải các bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, thậm chí không học ngành y, mới chỉ học hết cấp 3”, bác sĩ Hồng chia sẻ.

Bác sĩ Hoàng Hồng khuyến cáo, chị em phụ nữ khi đi làm đẹp phải tìm hiểu rất kỹ, không nên tin vào những clip quảng cáo tràn lan trên mạng hay chỉ dựa vào lời mách, kinh nghiệm của người khác. Trường hợp muốn thực hiện những tiểu phẫu, phẫu thuật, can thiệp thẩm mỹ, chị em cần tìm đến các địa chỉ uy tín, được cấp phép, là các bệnh viện/phòng khám y khoa. Theo quy định, spa không được làm các biện pháp can thiệp chảy máu.

Bên cạnh đó, người thực hiện các can thiệp này phải là các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, thay vì những người chỉ học spa mấy tháng hay học trung cấp, cao đẳng điều dưỡng, hoặc bác sĩ “tay ngang” không đúng chuyên ngành.

Cẩn trọng với quảng cáo bảo hành trọn đời khi thẩm mỹ

Cũng về tai biến thẩm mỹ, ngày 22/4, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận liên tiếp hai trường hợp vỡ túi ngực tới thăm khám. Đáng nói, các bệnh nhân không hay biết mình bị vỡ túi ngực. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, trường hợp đầu tiên là một phụ nữ 55 tuổi, ở Hà Nội. Bệnh nhân đặt túi ngực từ năm 2010, cách đây tròn 14 năm.

Ngày 22/4, bệnh nhân tới Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thăm khám tổng quát. Kết quả siêu âm cũng như chụp MRI cho thấy hình ảnh túi ngực bên trái đã vỡ. Trước đó, chị chưa nhận thấy dấu hiệu bất thường nên không hay biết túi ngực đã vỡ từ trước.

Người phụ nữ tâm sự, chị rất bất ngờ bởi khi đặt túi ngực đã được tư vấn rằng “bảo hành túi vĩnh viễn”. Do đó, chị không nghĩ tới việc phải đi kiểm tra lại túi ngực hay thay túi, kể từ thời điểm nâng ngực tới nay.

Trường hợp thứ hai là nữ bệnh nhân 31 tuổi, quê Hà Nam. Người phụ nữ mới đặt túi ngực cách đây 4 năm, đi khám do thấy vùng ngực trái căng tức, biến dạng so với bên phải.

Các kết quả siêu âm, chụp MRI ghi nhận túi ngực bên trái của bệnh nhân bị vỡ, vùng khoang ngực xung quanh túi ngực có nhiều dịch (dày khoảng 2cm).

Hai trường hợp trên đều được chỉ định phẫu thuật sớm để lấy túi ngực ra ngoài, làm sạch dịch tiết cũng như silicone gel thoát ra xung quanh, làm sạch khoang túi, đồng thời đặt túi ngực mới trở lại.

“Vỡ túi ngực nếu không được phát hiện và xử lý sớm, dịch tích tụ nhiều có thể dẫn tới các phản ứng viêm, nhiễm trùng lan rộng, gây biến dạng ngực, phải điều trị lâu dài. Bên cạnh đó, khi ngực đã bị viêm nhiễm, nếu đặt túi độn lại sẽ tăng nguy cơ bị xơ dính, co bao”, bác sĩ Hoàng Hồng cho hay.

Theo bác sĩ Hoàng Hồng, túi ngực có thể bị vỡ do nhiều nguyên nhân, như do vật sắc nhọn: kim khâu, kim tiêm, dao kéo, như ngoại lực mạnh tác động từ bên ngoài khi túi ngực chất lượng đã kém...

Túi vỡ còn có thể do chất lượng của nhà sản xuất túi ngực hoặc sau thời gian độn lâu dài chất lượng sẽ kém đi dễ bị rách túi.

Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo phụ nữ nên thay túi ngực sau 10 năm và không nên để quá 15 năm.

Bác sĩ Hoàng Hồng cho biết, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội từng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân vỡ túi ngực do phẫu thuật độn túi ngực đã quá lâu (trên 10 năm).

Có thời điểm, trong một ngày, Khoa tiếp nhận 3 - 4 bệnh nhân tới thăm khám vì rơi vào trường hợp tương tự.

Đa số bệnh nhân đều chia sẻ, khi đến các cơ sở thẩm mỹ xin tư vấn nâng ngực, hoặc sẽ được thuyết phục rằng “bảo hành trọn đời”, hoặc không được giải thích kỹ nên bệnh nhân chủ quan không nghĩ tới việc phải thăm khám lại hay thay túi ngực.

“Đây là điều rất đáng quan ngại, bởi không túi ngực nào có thể “bảo hành trọn đời, bảo hành vĩnh viễn”, chuyên gia này khẳng định.

Bác sĩ Hoàng Hồng khuyến cáo chị em phụ nữ khi đặt túi nâng ngực cần thăm khám ngay khi có dấu hiệu bất thường như sưng đau, căng tức, ngực biến dạng,...

Trường hợp không phát hiện dấu hiệu bất thường, sau khoảng 7 - 8 năm chị em nên siêu âm, chụp chiếu để kiểm tra túi và nên thay túi sau 10 năm.

Hậu quả khôn lường của thẩm mỹ “chui”
Dù đã có nhiều vụ việc tử vong thương tâm do thẩm mỹ chui, nhưng nhiều người vẫn bất chấp sức khỏe, thậm chí cả tính mạng để làm đẹp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư