Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
“Hiến kế” để kinh tế sớm lấy lại đà tăng trưởng
Nguyễn Lê - 04/11/2023 14:23
 
Coi cải cách thể chế là đột phá quan trọng, tìm thêm những phương thức xây dựng pháp luật phù hợp…, đại biểu Quốc hội “hiến kế” để nền kinh tế sớm lấy lại đà tăng trưởng, người dân và doanh nghiệp bớt nhọc nhằn.
Toàn cảnh phiên thảo luận về kinh tế, xã hội, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn

Tại Kỳ họp thứ sáu đang diễn ra, Quốc hội vừa dành 1,5 ngày để thảo luận về kinh tế, xã hội, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Thời gian chỉ đủ cho 69 đại biểu đăng đàn, 24 vị tranh luận, 5 thành viên Chính phủ giải trình, còn đến 92 người đã đăng ký, nhưng không còn thời gian phát biểu.

Cả trong hội trường và bên hành lang, nhiều vị đại biểu rất lo ngại về sức khỏe của doanh nghiệp, khi khu vực này đang gặp muôn vàn khó khăn.

“Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp của chúng ta gặp muôn vàn khó khăn”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nhận định và điểm danh một số nỗi khổ cụ thể.

Đó là nợ đọng vốn xây dựng cơ bản đối với doanh nghiệp xây dựng vẫn là vấn đề nổi cộm. Đáng lưu ý, có những khoản nợ từ trước năm 2015. Hệ lụy là chậm đưa công trình vào khai thác, sử dụng, làm giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.

Vị đại biểu Nam Định cũng đề cập vấn đề rất nóng trước thềm kỳ họp này của Quốc hội, là việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng. Hoàn thuế là trách nhiệm của Nhà nước, nhưng việc hoàn thuế có trường hợp rất chậm. Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính xuất phát từ các văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ.

“Trên thực tế, có doanh nghiệp đã phải than thở rằng, doanh nghiệp vi phạm về nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước thì bị xử lý nghiêm, nhưng doanh nghiệp bị nợ đọng vốn xây dựng cơ bản và bị giam tiền thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng gây thiệt hại lớn, thì chẳng biết kêu ai”, đại biểu Phương Hoa phản ánh.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị, Chính phủ cần chỉ rõ nguyên nhân và có những giải pháp quyết liệt hơn để xử lý dứt điểm tình trạng nêu trên.

Các chính sách thuế chưa đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, doanh nghiệp thiếu vốn nghiêm trọng là thực tế được đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) nhấn mạnh.

Cụ thể hơn, vị đại biểu Quảng Nam phản ánh, việc tiếp cận nguồn vốn vay hiện rất khó khăn, nhất là khoản vốn vay trung, dài hạn, do điều kiện vay nghiêm ngặt, thủ tục phức tạp. Hầu hết doanh nghiệp chỉ có thể tiếp cận khoản vay ngắn hạn. Trong khi hàng tồn kho lớn, chậm luân chuyển, thì các ngân hàng hầu như không chấp nhận tài sản này làm tài sản đảm bảo. “Đây là rào cản rất lớn để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay”, đại biểu Dương Văn Phước nói.

“Doanh nghiệp đang thiếu vốn nghiêm trọng, Chính phủ cần thiết kế các gói tín dụng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Trước mắt, tập trung khơi thông nguồn vốn ngân hàng thông qua tiếp tục hạ lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay”, ông Phước bày tỏ quan điểm.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Dương Văn Phước, doanh nghiệp còn khó khăn ở chỗ giá cả thường xuyên biến động, tăng cao, nhất là giá vật liêu xây dựng, nhân công. Trong khi đó, nhiều đơn giá của Nhà nước chậm thay đổi, còn quá thấp, doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn, thi công cầm chừng, chấp nhận chịu phạt, chậm tiến độ còn hơn là bị thua lỗ. Đây chính là nguyên nhân khiến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công thấp.

Cũng đề cập khó khăn của doanh nghiệp, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho rằng, cần tháo điểm nghẽn về tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế. Đó là chương trình tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên cần áp dụng cho vay trung và dài hạn, thay vì ngắn hạn như hiện nay. Lý do là, những lĩnh vực ưu tiên này là động lực để phát triển kinh tế, đặc biệt là khoa học công nghệ, công nghiệp hỗ trợ, kinh tế số, công nghệ cao…

Thể chế quan trọng hơn tiền bạc

Song song với việc “mổ xẻ” những hạn chế của nền kinh tế, các đại biểu cũng nêu nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết để nền kinh tế có thể lấy lại đà tăng trưởng.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), để phục hồi và phát triển kinh tế, tiền bạc là quan trọng, nhưng quan trọng hơn tiền bạc là thể chế.

“Thể chế tốt thì khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền; còn thể chế tồi thì có tiền cũng không tiêu được”, nhấn mạnh điều này, ông Lộc cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay vẫn là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, mà theo phản ánh của người dân và doanh nghiệp, đang trở nên nặng nề hơn trong thời gian mấy năm qua.

Ông Lộc nêu quan điểm, phải khắc phục cho được những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập và nhất là thiếu minh bạch đang gây rủi ro cho người thực hiện. Đồng thời, phải gỡ bỏ được tâm lý sợ oan, sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của các cán bộ, công chức và doanh nghiệp.

Đề nghị coi cải cách thể chế như là một nguồn lực, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhắc lại đề nghị mà ông đã từng nêu tại nghị trường, là sớm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế và coi đây là một điểm đột phá quan trọng.

Trong thể chế, theo ông Vân, cần đặc biệt quan tâm đến thể chế về kinh tế, xác lập, bình đẳng trong việc phân phối nguồn lực xã hội, không kể công - tư, giải quyết tốt quan hệ giữa Nhà nước với thị trường.

“Việc các ngành, địa phương xin cơ chế đặc thù cho thấy chiếc áo cơ chế của chúng ta đã quá chật hẹp. Cho nên, cần rà soát đồng bộ để may áo mới cho thích hợp, thay vì vá víu và thay từng cúc áo”, ông Vân nói.

Cũng tham gia ý kiến về thể chế, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nhắc lại một vấn đề ông từng đề cập tại Kỳ họp thứ năm. Đó là, phải xây dựng pháp luật để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm theo nghĩa là “xé rào”, là vi phạm pháp luật để khắc phục những bất cập của pháp luật.

Muốn vậy, Quốc hội cần tìm thêm những phương thức xây dựng pháp luật phù hợp. Cụ thể, ông Hậu đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng cho phép trình, thông qua một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật với chỉ một hoặc một vài nội dung cụ thể, theo quy trình, thủ tục ngắn gọn trong một kỳ họp. Như thế, luật sẽ đi thẳng vào cuộc sống, phát huy tác dụng ngay.

Điều đó cũng đáp ứng một yêu cầu cơ bản trong xây dựng pháp luật là luật phải xây dựng từ thực tiễn, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của thực tiễn để phát huy cao nhất các tiềm lực phát triển đất nước.

“Luật gây vướng mắc, góp phần tạo sức ì cho hệ thống công quyền, mà không sửa kịp thời là có lỗi với dân, với nước”, đại biểu Hậu nêu quan điểm.

Hồi âm quan tâm của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đang bám sát các nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội để chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ lớn, như tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế, xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quan trọng quốc gia.

“Trong bối cảnh khó khăn này, chúng tôi cũng rất mong Quốc hội sẽ tiếp tục đồng hành, giám sát và ủng hộ các chính sách Chính phủ sẽ tham mưu và trình Quốc hội nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế sớm phục hồi và sớm lấy lại đà tăng trưởng, đạt được các mục tiêu của năm 2023 cũng như năm 2024 và mục tiêu của 5 năm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.

Trì trệ là lực cản lớn nhất

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chính sách đó đến với người dân và doanh nghiệp như thế nào, hấp thụ được bao nhiêu, tháo gỡ được những gì mới là vấn đề quan trọng.

Trên thực tế, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ nhiều yếu tố, cả bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế, nhất là những rào cản từ các điểm nghẽn của pháp luật, từ nhận thức về pháp luật và cách ứng xử đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền, dẫn đến sự trì trệ là lực cản lớn nhất hiện nay cho sự phát triển. Tình trạng này cần sớm được khắc phục.

- Đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa)
Kinh tế Việt Nam: Nhập khẩu phục hồi nhanh hơn xuất khẩu
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, hoạt động nhập khẩu hàng hóa đang phục hồi nhanh hơn xuất khẩu, báo hiệu các doanh nghiệp đang mong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư