Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Hiện thực hóa giấc mơ “bệnh viện không giấy tờ”
Minh Anh - 24/11/2022 09:46
 
Bệnh án điện tử được xem là bước đột phá quan trọng trong chuyển đổi số ngành y tế, góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc cần sớm được tháo gỡ để giấc mơ “bệnh viện không giấy tờ” thành hiện thực. 

Bệnh án điện tử giúp hiện thực hóa mục tiêu bệnh viện không giấy tờ

Tiết kiệm nhờ triển khai bệnh án điện tử

Khoảng 700 triệu đồng tiền giấy, 4 tỷ đồng tiền phim là số tiền mà Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) tiết kiệm được mỗi năm nhờ triển khai bệnh án điện tử. Cũng nhờ bệnh án điện tử, bệnh viện Long Khánh đã bỏ hoàn toàn kho lưu trữ hồ sơ rộng hơn 300 m2, thay vào đó, chuyển đổi thành khoa Nội tim mạch với 70 giường cho người bệnh điều trị.

Đến Long Khánh, giờ đây, các y, bác sỹ và bệnh nhân không còn phải lích kích cầm theo giấy tờ thăm khám và mất thời gian chờ làm thủ tục. Mỗi bệnh nhân chỉ mất khoảng 1 phút để làm thủ tục, thay vì hàng giờ như trước đây. Họ cũng không còn phải lo lắng về việc lưu trữ giấy tờ, sổ sách khám bệnh.

Bệnh án điện tử (Electronic Medical Record - EMR) là giải pháp quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Giải pháp có cơ sở và giá trị pháp lý tương đương với bệnh án giấy, tuân thủ theo các tiêu chí tại Thông tư 54/2017/TT-BYT (Thông tư 54) và Thông tư 46/2018/TT-BYT (Thông tư 46) quy định về bệnh án điện tử mà Bộ Y tế đã ban hành.

Để triển khai thành công bệnh án điện tử cần có các tiêu chí đó là không cần thay thế các hệ thống HIS, LIS, PACS khác nhau của các bệnh viện; duy trì kho bệnh án điện tử hoạt động độc lập, tồn tại kể cả khi thay HIS hoặc phần mềm bệnh án điện tử; có khả năng ký số trên từng tờ bệnh án để đảm bảo khả năng xác thực và trách nhiệm của bác sỹ điều trị; có thể chủ động thay đổi các giao diện mà không cần sự can thiệp của công ty phần mềm và sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn công nghệ trong tương lai.

Bệnh viện Đa khoa Long Khánh bắt đầu triển khai giải pháp bệnh án điện tử CLAS Healthcare EMR từ tháng 10/2019, trở thành đơn vị thí điểm triển khai đầu tiên của toàn tỉnh. Sau 5 tháng thực hiện, tháng 2/2020, Bệnh viện được Cục Công nghệ thông tin Bộ Y tế đánh giá và công nhận bệnh án điện tử CLAS Healthcare EMR đáp ứng tất cả các yêu cầu của Thông tư 46. Tin vui cho các bác sỹ và bệnh nhân khi tháng 4/2020, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chấp thuận cho Bệnh viện thanh toán bảo hiểm y tế bằng bệnh án điện tử CLAS Healthcare EMR mà không cần bệnh án giấy.

Theo nhận định của các chuyên gia, bệnh án điện tử CLAS Healthcare EMR có các tính năng nâng cao như hệ thống bảo mật dữ liệu chuẩn quốc tế HIPAA; đã được Bảo hiểm Y tế chấp nhận thanh toán, thêm vào đó, có khả năng thực hiện ký từng phần trên bệnh án và kết nối linh hoạt tới các hệ thống, phần mềm sẵn có tại bệnh viện, cung cấp các báo cáo chuyên sâu dưới góc độ quản trị chung, bệnh viện có thể chủ động thay đổi các biểu mẫu mà không cần sự can thiệp của công ty cung cấp phần mềm. Ngoài ra, sản phẩm còn áp dụng trí tuệ nhân tạo AI nhằm hỗ trợ chẩn đoán - dự phòng và nghiên cứu khoa học.

CLAS Healthcare EMR đã được Văn phòng sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp bản quyền sáng chế cho việc ứng dụng các nền tảng công nghệ hàng đầu và tiện ích. Đây được coi là giải pháp bệnh án điện tử quốc tế trong việc áp dụng công nghệ blockchain và e-document. Cùng với OnePHR, cặp đôi EMR-PHR sẽ giúp bác sỹ và bệnh nhân kết nối sâu hơn, tối ưu hoá vận hành không chỉ ở bệnh viện, mà còn tuỳ chỉnh theo nhu cầu, quy mô của nhiều cơ sở chăm sóc sức khỏe khác nhau.

Khắc phục khó khăn

Thực tế triển khai ở nhiều bệnh viện vẫn còn gặp khó khăn do hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) trước lúc triển khai bệnh án điện tử của các đơn vị mới đạt mức 3 theo tiêu chí về hạ tầng của Thông tư 54 và cần phải được nâng cấp để đạt những tiêu chí hạ tầng theo Thông tư 46.

Mặt khác, mặt bằng nhân lực cán bộ y tế có trình độ sử dụng CNTT chưa cao. Những dữ liệu y tế tại Việt Nam như bệnh án cá nhân, các ghi chú lâm sàng, các hình ảnh  chẩn đoán - điều trị... đang lưu trữ phi tập trung và phần lớn chưa được số hóa. Cơ sở dữ liệu tập trung theo chuẩn dữ liệu HL7 FHIR là yếu tố quan trọng để đạt hiệu quả cao nhất trong đầu tư và đảm bảo tính kết nối dữ liệu.

Hiện nay, nhiều địa phương đang triển khai y tế thông minh nằm trong đề án đô thị thông minh. Một trong những kết quả cần chú ý của đề án này là kho dữ liệu y tế. Nếu không theo chuẩn dữ liệu trước thì việc triển khai của các địa phương sẽ khó khăn và lãng phí mà hiệu quả không cao. Việc áp dụng này sẽ giúp Việt Nam có thể sử dụng các công cụ có sẵn mà thế giới đã phát triển nhiều năm nay, giúp ứng dụng nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh cũng như phát triển ngành công nghệ y tế tại Việt Nam đạt chuẩn quốc tế.

Dù vẫn còn những khó khăn, nhưng triển khai bệnh án điện tử là xu hướng tất yếu, bởi theo lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử trên cả nước của ngành y tế, trong giai đoạn 2019-2023, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định tại Thông tư 46. Giai đoạn 2024-2028, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Để thực hiện thành công mục tiêu này, cần sự quyết tâm cao và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các bệnh viện, đào tạo đội ngũ nhân lực, lựa chọn các giải pháp tổng thể, toàn diện để tránh lãng phí khi đầu tư, cũng như sự chung tay quyết liệt của ngành y tế hướng tới tương lai vì một cộng đồng khỏe mạnh.

Lợi ích của bệnh án điện tử
Bỏ bệnh án giấy, thay bằng bệnh án điện tử là mong mỏi của nhiều bệnh nhân mỗi khi phải tới cơ sở y tế.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư