Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 22 tháng 02 năm 2025,
Hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng mới
Nguyễn Lê - 21/02/2025 10:17
 
Quốc hội đã quyết nghị điều chỉnh tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên. Để hiện thực hóa mục tiêu mới này thì đầu tư công tiếp tục là giải pháp ưu tiên, bên cạnh việc đẩy nhanh hàng loạt giải pháp khác, cả ngắn hạn và dài hạn.
Quốc hội thông qua nghị quyết bổ sung Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

Quy mô nền kinh tế có thể vượt 500 tỷ USD

Với 463/464 đại biểu tán thành, trong phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ chín vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bổ sung Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Với quyết định này, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm nay được Quốc hội điều chỉnh lên 8% trở lên, thay vì mức 6,5 - 7% như đã chốt ở kỳ họp cuối năm ngoái. Mục tiêu tăng trưởng mới này cao hơn một điểm phần trăm so với kết quả thực hiện năm 2024 (7,09%), được nhấn mạnh là góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.

Quy mô GDP năm 2025 được điều chỉnh đạt trên 500 tỷ USD (tăng khoảng 24 tỷ USD so với năm trước). GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.

Tốc độ tăng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân cũng được điều chỉnh lên khoảng 4,5 - 5% (thay vì khoảng 3,5 - 4%).

Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng mới, Quốc hội yêu cầu Chính phủ đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

Với nhiệm vụ tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công, trong năm 2025, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn cần cơ bản hoàn thành, như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện; đưa vào khai thác nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất, nhà ga T2 - sân bay Nội Bài; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu…

Ngoài ra, Chính phủ được giao sớm triển khai hiệu quả Đề án Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM, Trung tâm Tài chính khu vực tại Đà Nẵng; xây dựng khu thương mại tự do, khu kinh tế biên giới tại một số địa phương trọng điểm về kinh tế như Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai…

Quốc hội cũng đồng ý bổ sung khoảng 84.300 tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án có khả năng hấp thụ vốn (đường cao tốc, đường ven biển…) ngay trong năm nay. Các ngành, các cấp được yêu cầu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên và dùng nguồn tăng thu ngân sách năm 2024 để đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

“Trường hợp cần thiết điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4 - 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo (khoảng 5% GDP)”, Quốc hội đồng ý với đề xuất của cơ quan hành pháp.

Quốc hội cũng yêu cầu ban hành ngay cơ chế, chính sách đủ mạnh, quy định pháp luật cụ thể, minh bạch để khắc phục, xử lý tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ, tạo không gian sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi.

Đầu tư công tiếp tục là giải pháp ưu tiên

Các giải pháp được nêu tại Đề án của Chính phủ đều cần thiết, song đâu là giải pháp đột phá cần thực hiện ngay để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, là câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra từ khi tham gia thẩm tra đến các phiên thảo luận tại tổ, tại hội trường ở Kỳ họp bất thường lần thứ chín vừa qua.

Trả lời câu hỏi này, cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án (khi đó là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu rõ, để hiện thực hóa yêu cầu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên, Chính phủ đã lồng ghép các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cả trong ngắn hạn và dài hạn, đảm bảo phát triển nhanh, nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Trong đó, các giải pháp ngắn hạn phải tập trung triển khai khẩn trương ngay từ những tháng đầu năm, như hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo không gây gián đoạn hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Tập trung cắt giảm thực chất thủ tục đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư; ban hành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án, đầu tư công tiếp tục là giải pháp ưu tiên cho tăng trưởng năm 2025. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, với tỷ lệ giải ngân năm 2025 phấn đấu đạt 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong năm 2025, ngoài hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường cao tốc và cơ bản hoàn thành các dự án đã được nêu tại nghị quyết của Quốc hội, sẽ đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia, nhất là tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt kết nối với Trung Quốc…; dự án điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi; triển khai Quy hoạch Điện VIII…

Cùng với đó, ưu tiên giải phóng các nguồn lực bị lãng phí, như quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và các vụ án kéo dài. Các dự án đang vướng mắc, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, bất động sản, BOT, BT, giao thông… cũng là giải pháp được thực hiện ngay.

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ chủ động, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, dự án lớn, xu hướng mới, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.

Bàn về giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng mới, giải ngân đầu tư công là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, dư địa để tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 là có, nhưng phải giải ngân cho được vốn của các công trình mục tiêu quốc gia và vốn xây dựng cơ bản.

“Kỳ họp nào Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu giải ngân đầu tư công, nhưng chưa năm nào đạt. Năm nay, phải giải ngân đạt mục tiêu và phải sử dụng nguồn vốn này thật hiệu quả, thì tăng trưởng mới vững chắc được”, ông Hòa nói.

Còn theo đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (nay là Ủy ban Kinh tế và Tài chính) của Quốc hội, có thể phải tăng mức bội chi, song cần phải đánh giá rất tổng thể, bởi nguồn đầu tư công chỉ để đầu tư vào các lĩnh vực mà những thành phần kinh tế khác không muốn làm, không có điều kiện để làm và tạo sức lan tỏa để thu hút các nguồn vốn khác. Ông Toàn muốn Chính phủ làm rõ hơn tác động lan tỏa của nguồn đầu tư công để có quyết sách phù hợp cho giai đoạn tới.

“Về bội chi, có thể là phải tăng thêm, nhưng cân nhắc, lên đến 4,5% là mở rộng quá nhanh, cần phải thận trọng”, ông Toàn nêu quan điểm.

Quá trình thảo luận, một số ý kiến đại biểu đề nghị cần có giải pháp huy động nguồn lực trong dân để thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể để huy động nguồn lực trong dân, như vàng, và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các loại tài nguyên, trong đó có tài nguyên nước và đất đai.

Nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn

Trước khi Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết với mục tiêu tăng trưởng mới, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (mới sáp nhập với Bộ Tài chính) đã hồi âm ý kiến đại biểu đề nghị cần có cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để kinh tế tư nhân phát triển, đóng góp lớn hơn vào tăng trưởng. Theo đó, giải pháp thứ 7 đề cập việc nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Đồng thời, hoàn thiện, triển khai hiệu quả các đề án trung tâm tài chính quốc tế và khu vực, đề án phát triển thị trường carbon, khu thương mại tự do tại các địa phương…
Cú hích quan trọng thúc giải ngân đầu tư công
Việc Quốc hội chính thức thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi), có thể nói, sẽ tạo cú hích quan trọng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư