Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Hiểu đúng về rối loạn tiền đình
D.Ngân - 12/01/2024 16:11
 
Một nữ bệnh nhân thường xuyên đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, suy nhược, nghĩ do trầm cảm, bác sĩ khám phát hiện nguyên nhân do rối loạn tiền đình.

Tưởng áp lực công việc dẫn đến trầm cảm, gia đình cho chị T., điều trị tâm thần hơn một năm nhưng không bớt, phải nghỉ việc. Chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám vào tháng 12/2023, được đo chức năng tiền đình bằng công nghệ ảnh động nhãn đồ.

Ảnh minh hoạ.

PGS-TS.Trần Phan Chung Thủy, Cố vấn chuyên môn Trung tâm Tai Mũi Họng, cho biết chị T. mắc chứng chóng mặt do tư thế kịch phát lành tính (BPPV), sỏi lạc ốc tai. Đây là tình trạng do rối loạn hệ thống tiền đình ngoại biên gây ra.

Chị T. được tập phục hồi chức năng tiền đình, kết hợp điều trị nội khoa. Sau một tháng, chị lấy lại cảm giác thăng bằng, không còn chao đảo hay chóng mặt, sinh hoạt và làm việc ổn định hơn.

Cũng bị rối loạn tiền đình nhưng không biết, ông B., 52 tuổi, ngụ Nghệ An, chóng mặt suốt 5 năm, đi khám nhiều nơi không ra bệnh, mua thuốc bổ não uống. Đến khi tai ù như ve kêu, nghe kém dần bên tai trái, mắt nhìn mờ, ông B. đến Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội khám.

Kết quả đo chức năng tiền đình cho thấy tiền đình ngoại biên bên tai trái yếu 46% so với tai phải 98%, kèm theo hiện tượng chóng mặt lành tính kịch phát (thạch nhĩ lạc chỗ) khi kiểm tra với hệ thống ảnh động nhãn đồ VNG.

PGS-TS.Lê Minh Kỳ, Phụ trách chuyên môn khoa Tai Mũi Họng, cho biết ông B. có phản ứng bất cân xứng giữa hai bên tai phải và tai trái, chẩn đoán chóng mặt tư thế kịch phát lành tính trên bệnh nhân bị bệnh Meniere. Meniere là một bệnh lý liên quan đến tình trạng gia tăng lượng dịch trong tai, có thể do virus, dị ứng hoặc phản ứng tự miễn dịch của cơ thể.

Người bệnh được hướng dẫn tập phục hồi chức năng tiền đình bằng hệ thống ghế xoay 360 độ (TRV) kết hợp điều trị nội khoa. Sau ba buổi tập, tình trạng chóng mặt của ông Bình cải thiện đáng kể.

Nhiều người nghĩ rằng rối loạn tiền đình chỉ gặp ở người già, trung niên nên không khám, điều trị sớm. Bệnh viện Tâm Anh ghi nhận một số trường hợp mắc rối loạn tiền đình ở khoảng 20-30 tuổi, chưa có bệnh nền kèm theo.

PGS.Thủy giải thích áp lực cuộc sống, môi trường ô nhiễm, thói quen sinh hoạt kém lành mạnh như thức khuya, thiếu ngủ, ít vận động, chế độ ăn uống không khoa học… có thể khiến rối loạn tiền đình ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa.

Phần lớn người bệnh bị bỏ sót, không được điều trị kịp thời, dẫn đến tiến triển nặng gây điếc tai, tăng nguy cơ đột quỵ, té ngã hoặc trầm cảm.

Xác định đúng nguyên nhân rối loạn tiền đình có thể điều trị dứt điểm. Nhưng triệu chứng bệnh khá phổ biến như chóng mặt, quay cuồng, rối loạn thị giác, thính giác, giảm khả năng tập trung… dễ nhầm lẫn với với các bệnh lý thông thường khác.

Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết bệnh khó phát hiện qua quan sát bằng mắt thường, phải cần các công nghệ chẩn đoán hiện đại như ảnh động nhãn đồ VNG, hệ thống vHIT EyeSeeCam.

Phương tiện này gồm một chuỗi phép đo chức năng tiền đình dựa trên chuyển động nhãn cầu (mắt), giúp xác định tổn thương tiền đình ở não hay ở tai. Từ đó, bác sĩ xác định đúng nguyên nhân gây bệnh, điều trị phù hợp và thành công cao.

Khoảng 50% các trường hợp phát hiện là do rối loạn tiền đình ngoại biên (tai trong) gây ra, nhưng nhiều người lầm tưởng rối loạn tiền đình là bệnh ở não nên tự bổ sung thuốc bổ não.

Một số người đi châm cứu vì nghĩ có thể kích tuần hoàn máu não, cải thiện chóng mặt, rối loạn tiền đình. Tuy nhiên, nằm giường đá massage hay xoa bóp, bấm huyệt cũng không thể chữa khỏi rối loạn tiền đình ngoại biên.

Các chuyên gia khuyến nghị các loại thuốc hay các bài tập phục hồi chức năng tiền đình có thể có tác dụng với người này, nhưng lại ít hiệu quả với người khác. Tự ý sử dụng thuốc hay tập luyện sai cách không có sự hướng dẫn của chuyên gia có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm, khiến bệnh nặng hơn.

Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng và đủ liều theo đơn thuốc bác sĩ kê. Các loại thuốc và liều lượng sử dụng của mỗi người là khác nhau, tùy thuộc và quá trình kiểm tra, xét nghiệm lâm sàng xác định nguyên nhân và mức độ tổn thương của bệnh.

Tập các bài tập phục hồi chức năng tiền đình. Các bài tập này được sẽ giúp tăng cường hoạt động phối hợp các bộ phận của cơ thể, giúp não nhận biết tín hiệu và xử lý các tín hiệu từ tiền đình thông suốt, nhịp nhàng hơn.

Tập thể dục đều đặn sẽ giúp tăng cường sức khỏe, tăng cường lưu thông khí huyết, giúp quá trình tuần hoàn máu não ổn định hơn. Đồng thời giảm bớt áp lực, căng thẳng cho người bệnh.

Được biết, rối loạn tiền đình là tình trạng quá trình truyền dẫn và tiếp nhận thông tin của tiền đình bị rối loạn hoặc tắc nghẽn do dây thần kinh số 8 hoặc động mạch nuôi dưỡng não bị tổn thương hay các tổn thương khác ở khu vực tai trong và não.

Bệnh có thể để lại biến chứng nguy hiểm và gây đột quỵ. Vì thế khi có dấu hiệu của bệnh rối loạn tiền đình, người bệnh nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.

Với hội chứng tiền đình ngoại vi, bệnh nhân có thể có các dấu hiệu như chóng mặt có hệ thống. Các vật quay xung quanh người bệnh nhân hay ngược lại. Biểu hiện rõ nhất thường là khi người bệnh thay đổi tư thế, đặc biệt là đứng lên ngồi xuống một cách đột ngột hoặc khi vừa ngủ dậy.

Cơ thể mất thăng bằng, choáng váng, đầu óc quay cuồng, cơ thể loạng choạng, đứng không vững; rối loạn thị giác: Hoa mắt, chóng mặt, mất phương hướng

Rối loạn thính giác: Ù tai. Khi bệnh nhân có dấu hiệu ù tai phải đến khám sớm và điều trị tích cực. Nếu điều trị muộn bệnh để lại di chứng giảm thính lực (giảm sức nghe), hoặc điếc, có tiếng ve kêu, dế kêu.. trong tai, đặc biệt về đêm, nhãn cầu rung giật, buồn nôn hoặc nôn, mất ngủ, người mệt mỏi, thiếu tập trung, hạ huyết áp.

Còn với hội chứng tiền đình trung ương, các biểu hiện cụ thể như chóng mặt, giảm thính lực, ù tai, nghe kém, rung giật nhãn cầu nhiều hướng, có cả rung giật nhãn cầu dọc.

Dáng đi như người say rượu, bệnh nhân thường không đi theo một đường thẳng, hay đi hình zic zắc. Mất phối hợp động tác: Bệnh nhân không thể làm chính xác động tác ví dụ như lật xấp bàn tay, ngón tay chỉ mũi. Đôi khi có thay đổi giọng nói khi phát âm một số âm như âm “Ô”.

Bất cứ ai dù ở độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh rối loạn tiền đình, nhưng người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người trẻ. Ước tính cứ 100 người trên 40 tuổi trở lên, thì có khoảng 35 người mắc bệnh rối loạn tiền đình.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư