Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 05 năm 2024,
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm đối tác qua các nền tảng số
Lê Quân - 08/12/2023 22:37
 
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam sau khi tận dụng các nền tảng số như tham gia cổng thông tin ASEAN Access đã tìm được đối tác và ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm thành công.

Ngày 8/12, tại TP.HCM, Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Thị trường ASEAN: Từ các sáng kiến đến hành động”.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tại Việt Nam hiện nay, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới hơn 97% tổng số doanh nghiệp trên cả nước.

Tính đến tháng 2/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào ASEAN đạt khoảng 2,85 tỷ USD. Tuy vậy, các kết quả đạt được chưa phản ánh hết tiềm năng phát triển giao thương giữa các nước ASEAN.

Trong khi, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam gặp nhiều thách thức trong việc tận dụng các cơ hội này. Vì vậy để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các nền tảng số để tìm kiếm thị trường trong chính khu vực ASEAN, Cục Phát triển doanh nghiệp và Tổ chức hợp tác quốc tế Đức GIZ đã triển khai Dự án “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ASEAN thực hiện tại Việt Nam giai đoạn II”.

Nhắc lại câu chuyện tiếp cận thị trường ASEAN, bà Hoàng Thanh Thủy, Giám đốc Công ty dầu dừa Mekong cho biết, trước đây công ty của bà thường xuyên tham gia các hội chợ để quảng bá sản phẩm tìm kiếm đối tác. Tuy nhiên, thời điểm dịch Covid-19 doanh nghiệp không thể tham gia hội chợ do bị giãn cách.

Sau đó, doanh nghiệp chuyển sang tiếp cận khách hàng qua Cổng thông tin ASEAN Access (https://aseanaccess.com) để tiếp xúc trực tuyến với khách hàng, sau đó doanh nghiệp vẫn ký được hợp đồng.

Bà Thủy cho biết sau nhiều năm tham gia thị trường quốc tế, hội chợ offline vẫn là kênh quan trọng để có thông tin về thị trường. “Kênh hội chợ trực tuyến sẽ là kênh quảng bá hiệu quả trong tương lai. Việc chuyển sang hỗ trợ doanh nghiệp theo phương thức số, là hướng đi phù hợp và cần phải thực hiện” bà Thủy cho biết.

Các doanh nghiệp thảo luận về hướng tiếp cận đưa nông sản Việt Nam vào thị trường ASEAN

Cũng nêu lý do chọn thị trường ASEAN, bà Phạm Thị Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thời trang Kowil cho biết, ASEAN là một trong những thị trường mà Kowil hướng tới do sự gần gũi về mặt địa lý và văn hóa. Ngoài ra, Kowil cũng quan tâm đến các cơ hội mang lại từ quá trình hội nhập ASEAN đang diễn ra mạnh mẽ.

“Sau quá trình tìm hiểu về thị trường ASEAN, chúng tôi nhận thấy ASEAN Access là kênh hỗ trợ hiệu quả, giúp doanh nghiệp Việt Nam quảng bá các giá trị Việt và kết nối với các đối tác trong khu vực” bà Tuyết nêu lý do.

Thông tin từ Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sau khi tham gia cổng thông tin ASEAN Access đã tìm được đối tác và ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm thành công.

Cổng thông tin ASEAN Access (https://aseanaccess.com) là cổng thông tin doanh nghiệp chính vào khu vực ASEAN với hơn 3.100 doanh nghiệp nhỏ và vừa là thành viên đăng ký, cùng với gần 50 đối tác mạng lưới và nhà cung cấp dịch vụ. Hiện nay, Việt Nam có 20 các nhà cung cấp dịch vụ trên Cổng ASEAN Access.

ASEAN Access cung cấp miễn phí nhiều dịch vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ bao gồm hỗ trợ thông tin, hỗ trợ kết nối, và hỗ trợ đào tạo. Khi tham gia ASEAN Access, các doanh nghiệp có thể tiếp cận các nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh trong khu vực, tham gia các buổi kết nối trực tuyến. 

Hướng dẫn sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 52/2023/TT-BTC hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư