Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 06 tháng 11 năm 2024,
Hỗ trợ Quảng Bình 1.500 tấn gạo cứu trợ hộ dân vùng ngập lũ
Như Chính - 18/10/2016 14:42
 
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý hỗ trợ trước mắt 1.500 tấn gạo cho tỉnh Quảng Bình để cứu trợ khẩn cấp cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói tại vùng ngập lũ; giao Bộ Tài chính khẩn trương xử lý cụ thể theo quy định. Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm rà soát, đảm bảo cấp phát kịp thời, đúng đối tượng.
Ảnh: An ninh Thủ đô
Ảnh: An ninh Thủ đô

Đây là nội dung thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong đợt kiểm tra công tác ứng phó, chỉ đạo khắc phục hậu quả áp thấp nhiệt đới và mưa lũ tại các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế.

Cũng theo Thông báo này, về hỗ trợ kinh phí khắc phục cơ sở hạ tầng (giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục, nhà cửa), sau khi lũ rút, tỉnh Quảng Bình  chỉ đạo thống kê, đánh giá cụ thể đầy đủ, kịp thời, chính xác thiệt hại, xác định rõ trách nhiệm khắc phục của địa phương, của các bộ, ngành, nhu cầu hỗ trợ trước mắt gửi Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai tổng hợp, đề xuất báo cáo Thủ tướng theo quy định (đối với các công trình mang tính chất lâu dài, cần chủ động bố trí trong kế hoạch đầu tư trung hạn để từng bước thực hiện). Bộ Giao thông vận tải xử lý khắc phục các tuyến quốc lộ, đường sắt.

Phó Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc bổ sung các trạm quan trắc gió tại khu vực ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế sớm triển khai theo quy hoạch, phục vụ công tác giám sát, cảnh báo thiên tai.

Để hạn chế thiệt hại, hỗ trợ nhân dân sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống, Ủy ban nhân dân các tỉnh cần triển khai thực hiện nghiêm túc các công điện số 1826/CĐ-TTg và số 1827/CĐ-TTg ngày 15/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương khắc phục hậu quả áp thấp nhiệt đới, trong đó tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ của địa phương, phối hợp với các lực lượng có liên quan tiếp tục tìm kiếm những người còn đang mất tích.

Bên cạnh đó, tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời đối với thân nhân những người bị thiệt mạng, mất tích; thăm hỏi, hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo người bị thiệt mạng; hỗ trợ gia đình bị thiệt hại khó khăn, nhất là các hộ gia đình chính sách, người nghèo, hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa để sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Đồng thời, tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ dân trong vùng ngập lũ có nguy cơ bị thiếu đói, không để người dân bị đói, rét; tiếp tục bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các bến đò, các khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết để đảm bảo an toàn; phối hợp với ngành đường sắt hỗ trợ hành khách bị mắc kẹt do mưa lũ.

Ngay sau khi lũ rút, chỉ đạo dọn dẹp vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, hướng dẫn nhân dân xử lý nước sinh hoạt đảm bảo hợp vệ sinh, không để bùng phát dịch bệnh; vệ sinh trường lớp, sớm đưa học sinh trở lại trường; rà soát khắc phục các công trình hạ tầng thiết yếu bị hưu hỏng (điện, đường, trường, trạm, hệ thống giao thông, thủy lợi) để sớm phục hồi sản xuất, ổn định đời sống.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với địa phương tập trung khắc phục ngay sự cố trên các tuyến giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, nhất là đối với tuyến quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam.

Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ địa phương đủ cơ số thuốc, hóa chất xử lý nước, môi trường; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với địa phương trong việc xử lý môi trường sau khi lũ rút, không để bùng phát dịch bệnh trên người và vật nuôi.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ và cơn bão SARIKA, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng, tránh.

Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp, hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt cần tập trung khắc phục nhanh các công trình hạ tầng về y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, điện, giúp nhân dân sớm ổn định đời sống và phục hồi sản xuất ngay sau khi lũ rút.

Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng đóng chân trên địa bàn hỗ trợ địa phương triển khai tìm kiếm người mất tích, khắc phục hậu quả mưa lũ theo đề nghị của địa phương. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình triển khai ngay phương án phù hợp cứu nạn 4 thuyền viên trên tàu vận tải bị mắc cạn ngoài cửa sông Gianh theo đề nghị của địa phương, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện tham gia cứu nạn.

Dự báo thời tiết hôm nay: Mưa to, Trung Bộ có nguy cơ lũ lớn
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mưa tiếp diễn trong ngày 15/10 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, trọng tâm mưa từ Thanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư