Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hóa đơn điện tử giúp chống gian lận, buôn lậu xăng dầu
Mạnh Bôn - 24/11/2023 08:08
 
Một trong những điểm nổi bật của Nghị định 80/2023/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu mà Chính phủ vừa ban hành, là cửa hàng kinh doanh xăng dầu bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT).

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), hoạt động kinh doanh xăng dầu sử dụng HĐĐT còn góp phần chống gian lận, buôn lậu xăng dầu.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế)

Kinh doanh bán lẻ xăng dầu đang diễn ra bình thường, nhưng thưa bà, vì sao bắt buộc phải sử dụng HĐĐT bởi việc này gây phiền phức cho cả người bán lẫn người mua do phải mất thời gian lập và nhận hóa đơn?

Hóa đơn giấy đã không còn tồn tại, trong khi mọi hoạt động mua bán, giao dịch hàng hóa, dịch vụ bắt buộc phải có hóa đơn, chứng từ theo Luật Kế toán, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, không có ngoại lệ.

Theo Luật Quản lý thuế năm 2019, kinh doanh xăng dầu cùng với 14 nhóm kinh doanh hàng hóa, dịch vụ khác, gồm điện lực, bưu chính viễn thông, nước sạch, tài chính tín dụng, bảo hiểm... được sử dụng HĐĐT không có mã của cơ quan thuế. Các ngành nghề, lĩnh vực khác đã sử dụng HĐĐT thì không có cớ gì kinh doanh xăng dầu lại không sử dụng. Chính vì vậy, Nghị định 80/2023/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đã bổ sung điều kiện kinh doanh xăng dầu bắt buộc phải thực hiện quy định về HĐĐT và cung cấp dữ liệu HĐĐT theo quy định của Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và cơ quan thuế.

Hầu hết đầu mối kinh doanh xăng dầu đều là những doanh nghiệp lớn, nên việc thực hiện chắc không khó, bởi việc cấp hóa đơn cho người mua xăng dầu bán lẻ vừa nhằm mục đích chống gian lận thuế, trốn thuế, vừa chống buôn lậu xăng dầu, góp phần giúp doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối quản lý doanh thu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Lập hóa đơn chắc chắn phải mất thời gian, trong khi đi mua lẻ xăng dầu, không ai muốn chờ đợi để nhận hóa đơn, thưa bà?

Theo tôi, các cơ quan báo chí cần tích cực tuyên truyền ý thức lấy hóa đơn của người dân mỗi khi phát sinh giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ. Còn với cơ quan thuế, ngoài việc tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích, quyền và trách nhiệm của việc lấy hóa đơn, còn thực hiện Chương trình Hóa đơn may mắn. Đến nay, đã có 62/63 cục thuế thực hiện lựa chọn hóa đơn may mắn quý I/2023 và 59/63 cục thuế thực hiện lựa chọn hóa đơn may mắn quý II/2023. Từ đầu năm đến nay, ngành thuế đã tổ chức trao 2.888 giải thưởng với tổng số tiền là 7,7 tỷ đồng cho khách hàng trúng hóa đơn may mắn.

Trên thế giới, để khuyến khích người dân lấy hóa đơn mỗi khi phát sinh giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ, người ta cũng tổ chức chương trình hóa đơn may mắn. Người dân Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực Nam Bộ, rất nhiều người có thói quen ngày nào cũng mua mươi tờ vé số. Bỏ tiền ra mua xổ số muốn mình trở thành người may mắn, thì không có lý do gì khi đi mua hàng hóa, dịch vụ, lại từ chối nhận hóa đơn, không mất thêm tiền, mà biết đâu vận may lại đến với mình.

Nhưng dù sao để nhận được hóa đơn thì cả người bán lẫn người mua đều mất thời gian chờ đợi?

Nội dung của HĐĐT xăng dầu gồm tên, ký hiệu, ký hiệu mẫu số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán; tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa... Với công nghệ như hiện nay, chỉ cần “một nốt nhạc”, tất cả các nội dung này đã có thể hoàn thiện, người bán và người mua không mất nhiều thời gian, tương tự như khi vào siêu thị, khách hàng mua rất nhiều loại hàng hóa khác nhau, nhưng khi tính tiền (bằng cách quét mã hàng hóa) xong, nhân viên thu ngân đã có thể xé hóa đơn và giao ngay cho khách hàng.

Hiện tại, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu, ngoài việc thu tiền trực tiếp của người mua, đã sử dụng quét thẻ QR để tính tiền, người mua chỉ cần sử dụng điện thoại di động quét mã QR là thực hiện xong việc trả tiền mua xăng. Thực tế cho thấy, trả tiền mua xăng dầu thông qua quét thẻ QR nhanh hơn rất nhiều việc trả tiền mặt vì không phải trả lại tiền thừa và không bị nhầm lẫn.

HĐĐT đã được thực hiện kể từ ngày 1/7/2022. Thưa bà, kết quả thế nào?

Sau thời gian đầu thực hiện, xuất hiện một số trục trặc do đường truyền thì mọi việc diễn ra rất thuận lợi, được người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, cơ quan thuế hầu như không nhận được ý kiến phản hồi thiếu tích cực nào. Từ đầu năm 2023 đến nay, cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý hơn 5,6 tỷ hóa đơn, trong đó hơn 1,62 tỷ hóa đơn có mã của cơ quan thuế và hơn 3,98 tỷ hóa đơn không mã. Tính đến cuối tháng 10/2023, đã có 35.565 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền với trên 51,6 triệu hóa đơn.

Nếu vẫn sử dụng hóa đơn giấy truyền thống, thì phải bỏ tiền ra in hàng tỷ tờ hóa đơn mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Số liệu này đã cho thấy, HĐĐT tiết kiệm cho xã hội rất nhiều nguồn lực.

Hiệu quả đã được minh chứng, theo bà, cần phải tiếp tục làm gì để đẩy mạnh việc sử dụng HĐĐT?

Mới đây, ngày 18/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Công điện 1123/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý, sử dụng HĐĐT, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND cấp tỉnh triển khai ngay các giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để giám sát chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng HĐĐT, đặc biệt là trong việc lập HĐĐT tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng, bảo đảm đúng quy định pháp luật.

100% doanh nghiệp ở Quảng Ngãi đã sử dụng hóa đơn điện tử
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã có 50 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện chuyển đổi áp dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư