Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Hòa Phát: Vừa chống dịch, vừa giữ đà tăng trưởng
Hoàng Nam - 21/06/2021 15:21
 
Mục tiêu vừa chống dịch, vừa tập trung giữ vững đà tăng trưởng cho bước nhảy vọt “sức mạnh mới, tầm vóc mới” của Hòa Phát đang được hiện thực hóa mạnh mẽ.
Sản phẩm HRC tại Khu liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất
Sản phẩm HRC tại Khu liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất

Sản xuất, bán hàng tiếp tục tăng

Số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép đã tăng khá so với những nhận định trước đó. Cụ thể, sản xuất thép các loại đạt 13,4 triệu tấn, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2020. Còn bán hàng thép các loại đạt hơn 11,9 triệu tấn (tăng 38,2%), xuất khẩu đạt gần 2,8 triệu tấn (tăng 80%).

Với mặt hàng thép thô, sản xuất đạt 8,4 triệu tấn, bán hàng đạt 8,3 triệu tấn - đều tăng trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản phẩm thép xây dựng đạt 4,77 triệu tấn về sản xuất và 4,66 triệu tấn trong bán hàng, tăng tương ứng 12% và 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong Top 5 doanh nghiệp sản xuất và bán hàng thép xây dựng mà VSA thống kê, Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu, với thị phần tương ứng là 34,49% và 34,5%.

Trong tháng 5/2021, Tập đoàn Hòa Phát đạt sản lượng bán hàng 695.000 tấn thép các loại. Trong đó, thép xây dựng thành phẩm (bao gồm cả xuất khẩu) là 324.000 tấn, tăng hơn 25% so với cùng kỳ. Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 225.000 tấn.

Sản lượng bán hàng thép xây dựng khu vực miền Trung đạt mức tăng trưởng cao nhất với 45%, khu vực miền Bắc tăng 22%. Tại thị trường xuất khẩu, thép xây dựng Hòa Phát tiếp tục đạt sản lượng cao, với 70.000 tấn. Hòa Phát đã hạn chế xuất khẩu phôi vuông để tăng cường cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước, với sản lượng phôi xuất khẩu trong tháng là 52.000 tấn.

Sản phẩm tôn mạ của Hòa Phát ghi nhận 30.000 tấn, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ. Trong đó, lượng hàng xuất khẩu các sản phẩm tôn mạ đạt gần 20.000 tấn, chiếm 65% sản lượng bán hàng. Đây là mức xuất khẩu kỷ lục của Tôn Hòa Phát, với các thị trường xuất khẩu chính là EU, Mỹ và khu vực Nam Mỹ.

Lũy kế 5 tháng, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất gần 3,4 triệu tấn thép thô, tăng 56,5% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 3,7 triệu tấn (gồm thép phôi thép, xây dựng, thép cuộn cán nóng, tôn mạ và ống thép), tăng gần 70% so với cùng kỳ. Trong đó, thép xây dựng đạt 1,6 triệu tấn, tăng 27,5%. Sản lượng phôi vuông xuất bán trong và ngoài nước đạt 576.000 tấn, tương đương cùng kỳ năm trước.

Với thép HRC, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trong nước 1,1 triệu tấn sau 5 tháng, sản lượng sản xuất và chất lượng sản phẩm ngày càng ổn định, được thị trường đón nhận tích cực. Sản phẩm hạ nguồn của HRC như ống thép, tôn mạ ghi nhận sự tăng trưởng tốt, lần lượt đạt 334.000 và 123.000 tấn, tương ứng tăng 21% và 270% so với cùng kỳ.

Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam với quy mô 8 triệu tấn/năm. Mục tiêu sản lượng của Hòa Phát trong năm 2021 là 5 triệu tấn thép xây dựng thành phẩm và phôi thép; 2,7 triệu tấn HRC; 920.000 tấn ống thép và trên 300.000 tấn tôn mạ các loại.

Vào Top 50 doanh nghiệp thép lớn thế giới

Là một trong hai doanh nghiệp tư nhân có hoạt động sản xuất công nghiệp lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, Hòa Phát đang đóng góp ngân sách cho 24 địa phương. Năm 2020, Hòa Phát được vinh danh trong Top 30 doanh nghiệp nộp thuế tiêu biểu.

Tính từ năm 2007 (Hòa Phát bắt đầu niêm yết trên thị trường chứng khoán) đến tháng 4/2021, Hòa Phát đã nộp gần 45.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Riêng trong 4 tháng đầu năm, Hòa Phát đã nộp ngân sách 3.250 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ. Riêng số nộp tại địa bàn Quảng Ngãi là hơn 2.000 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Quảng Ngãi cũng là nơi có Khu liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, quy mô hơn 5 triệu tấn/năm, đã đi vào hoạt động hết công suất.

Không dừng lại ở một khu liên hợp đã đi vào hoạt động, Hòa Phát đang triển khai các thủ tục để đầu tư Khu liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, quy mô 5,6 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư khoảng 85.000 tỷ đồng.

Cùng với việc mở rộng sản xuất thép, các khâu trong dây chuyền làm thép cũng được Hòa Phát triển khai đồng thời nhằm làm gia tăng giá trị của thép Hòa Phát. Chẳng hạn, Hòa Phát mua 100% cổ phần Dự án mỏ quặng sắt Roper Valley có trữ lượng ước tính 320 triệu tấn, với quy mô khai thác 4 triệu tấn/năm tại Australia. Ngoài mỏ này, Hòa Phát cũng đang nghiên cứu để mua tiếp một số mỏ sắt mới tại Australia, nhằm đảm bảo lâu dài nguồn cung ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt của Tập đoàn (tương đương 10 triệu tấn/năm).

Với thực tế nguyên liệu cấu thành đến 30% giá thép là than luyện cốc đang được nhập khẩu từ Australia, Hòa Phát cũng đang nghiên cứu để mua vài mỏ than luyện cốc tại đây, nhằm từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất quan trọng này.

Trước đó, vào tháng 2/2021, Hòa Phát đã hoàn tất việc mua thêm 2 tàu cỡ lớn có tải trọng tới 90.000 tấn/tàu để chuyên chở quặng sắt, than.

Bên cạnh đó, sẽ có khoảng 1 triệu tấn HRC được Hòa Phát sản xuất từ hai đại nhà máy thép của mình tại Dung Quất được đưa vào sản xuất container.

Mục tiêu của Hòa Phát là đến năm 2030 lọt vào danh sách 50 công ty thép lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, năm 2020, Hòa Phát đã xếp thứ hạng 48 trong ngành thép thế giới.

Quảng Ngãi: Thống nhất cho cấp chủ trương đầu tư dự án thép Hòa Phát - Dung Quất
Tỉnh Quảng Ngãi thống nhất cho BQL KKT Dung Quất và các KCN tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư dự án Khu liên hợp sản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư