Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hoa Sen ghi nhận lợi nhuận giảm 94,2% về 251,32 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2021-2022
Duy Bắc - 31/12/2022 09:29
 
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG – sàn HoSE) ghi nhận lợi nhuận lao dốc trong niên độ tài chính 2021-2022 và đồng thời không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm.

Ngày 28/12, Hoa Sen công bố Báo cáo tài chính kiểm toán niên độ tài chính 2021-2022. Trong đó, doanh thu ghi nhận 49.710,6 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 251,32 tỷ đồng, tức giảm 94,2% so với cùng kỳ.

Trong năm tài chính, điểm đáng lưu ý, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 18,2% về chỉ còn 9,9%. Trong đó, lợi nhuận gộp giảm 44,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 3.934,7 tỷ đồng về 4.938,7 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 27,2%, tương ứng giảm 99,5 tỷ đồng về 266,8 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 5,6%, tương ứng giảm 31,1 tỷ đồng về 520,9 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 15,5%, tương ứng tăng thêm 584,5 tỷ đồng lên 4.354,8 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Được biết, từ năm 2012 tới nay, chưa năm nào Hoa Sen lãi thấp hơn 251,32 tỷ đồng. Trong đó lợi nhuận thấp nhất năm 2019 ghi nhận 361,4 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận niên độ tài chính 2021-2022 của Hoa Sen ghi nhận thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Hoa Sen cho rằng niên độ tài chính 2021-2022, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh do lợi nhuận gộp giảm vì tác động từ việc giá thép giảm liên tục trong khi nhu cầu tiêu thụ chậm dẫn đến sự sụt giảm mạnh biên lợi nhuận gộp.

Được biết, trong niên độ tài chính 2021-2022, Hoa Sen đặt kế hoạch doanh thu 46.399 tỷ đồng và 3 kịch bản lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1.500 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính, Hoa Sen mới hoàn thành được 10,1% kế hoạch lợi nhuận năm (kế hoạch lãi 2.500 tỷ đồng) và hoàn thành 16,8% kế hoạch năm (kế hoạch lãi 1.500 tỷ đồng).

Như vậy, mặc dù kịch bản cao nhất hay kịch bản thấp nhất, Hoa Sen vẫn không thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận niên độ tài chính 2021-2022 mà Đại hội đồng cổ đông giao cho Ban điều hành.

Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Hoa Sen giảm 36% so với đầu niên độ tài chính 2021-2022, tương ứng giảm 9.592,6 tỷ đồng về 17.025,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 7.395,3 tỷ đồng, chiếm 43,4% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 5.958,8 tỷ đồng, chiếm 35% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.452,1 tỷ đồng, chiếm 8,5% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Hoa Sen đẩy mạnh trích lập dự phòng giảm giá tồn kho trong niên độ tài chính 2021-2022 (Nguồn: BCTC).
Hoa Sen đẩy mạnh trích lập dự phòng giảm giá tồn kho trong niên độ tài chính 2021-2022 (Nguồn: BCTC).

Điểm đáng lưu ý, mặc dù trong năm tài chính tồn kho giảm 40,1% so với đầu kỳ, tương ứng giảm 4.953,8 tỷ đồng về 7.395,3 tỷ đồng, chiếm 43,4% tổng tài sản (đầu năm chiếm 46,4% tổng tài sản). Tuy nhiên, Hoa Sen đã ghi nhận trích lập dự phòng giảm giá tồn kho là 715,7 tỷ đồng, tăng trích lập thêm 508,8 tỷ đồng so với đầu kỳ.

Thị trường bất ổn, Hoa Sen xin gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ niên độ 2022-2023

Ngày 22/12, HĐQT Hoa Sen đã ra thông báo về việc gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên (niên độ tài chính 2022-2023) chậm nhất đến 31/3/2023.

Công ty cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội nói chung và tình hình thị trường nói riêng đang diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, nhằm xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh của niên độ tài chính 2022-2023 và định hướng, chiến lược cho các niên độ tài chính sau đó một cách phù hợp và sát với tình hình thực tế khách quan.

HĐQT Hoa Sen cần đánh giá, dự liệu cẩn trọng đối với các kịch bản có thể xảy ra trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Đồng thời, cũng trong ngày 22/12, Hoa Sen cũng thông báo ngày 31/1 sẽ chốt danh sách tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên, đại hội dự kiến tổ chức ngày 10/3/2023 tại TP. HCM.

Được biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, Đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, Hội đồng quản trị quyết định gia hạn họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong trường hợp cần thiết, nhưng không quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Với niên độ tài chính kết thúc ngày 30/9, thời hạn tổ chức đại hội của Hoa Sen là tháng 1 (4 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính) và có thể kéo dài tới ngày 31/3/2023.

Chứng khoán Rồng Việt dự báo Hoa Sen có thể lỗ 982 tỷ đồng trong quý I niên độ tài chính 2022-2023

Chứng khoán Rồng Việt vừa công bố báo cáo phân tích cổ phiếu HSG. Trong đó, Chứng khoán Rồng Việt ước tính trong quý I niên độ 2022-2023 (từ ngày 1/10/2022 đến ngày 31/12/2022) ghi nhận doanh thu đạt 7.077 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ 982 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 638 tỷ đồng, tức giảm 1.620 tỷ đồng.

Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng xuất khẩu phục hồi nhẹ từ giữa năm 2023 nhờ Lạm phát dịu hơn từ giữa năm 2023 sẽ khuyến khích nhu cầu toàn cầu về thép mạ. Tuy nhiên, các chính sách thương mại tại các thị trường phương Tây và cạnh tranh từ các nước sản xuất thép lớn (Trung Quốc, Ấn Độ) đang trở nên thách thức hơn với các nhà sản xuất Việt Nam.

Do đó, sự dịch chuyển xuất khẩu sang thị trường châu Á có thể không đủ lớn để bù đắp cho thị trường EU và Bắc Mỹ.

Mặt khác, nhu cầu tại thị trường trong nước sẽ được hỗ trợ bởi giải ngân đầu tư công, mà Rồng Việt cho rằng sẽ mạnh mẽ hơn vào năm 2023 để thúc đẩy tăng trưởng GDP. Theo đó, sản lượng tôn mạ bán ra dự báo giảm 19%, trong đó xuất khẩu giảm 31% và trong nước giảm 3%. Ống thép có thể tăng 15%.

Tính đến thời điểm hiện tại, có vẻ như giá HRC đã chạm đáy do nhiều nhà sản xuất thép trên thế giới cắt giảm công suất. Giá HRC đã giảm liên tục từ tháng 8 đến giữa tháng 10 và bắt đầu tăng từ đầu tháng 12/2022. Tuy nhiên, xu hướng tăng có thể không duy trì lâu do nhu cầu vẫn ở mức thấp.

Thêm nữa, tín dụng ngân hàng thắt chặt và nhu cầu yếu đang buộc các nhà sản xuất phải bán bớt hàng tồn kho giá cao để giải phóng dòng tiền, với Hoa Sen có thể thêm một khoản lỗ lớn trong quý I năm tài chính 2022-2023.

Theo ước tính của chứng khoán Rồng Việt, hàng tồn kho giá cao vào cuối quý 4 có thể mất 4 tháng để tiêu thụ hết. Do đó, tỷ suất lợi nhuận gộp dự kiến sẽ trở lại mức dương từ quý 2 và phục hồi tốt hơn trong nửa sau của năm 2023 với sự hỗ trợ nhiều hơn từ nhu cầu quay trở lại ở các thị trường phương Tây trong khi cạnh tranh với Trung Quốc và Ấn Độ giảm bớt.

Nhìn chung, tỷ suất lợi nhuận gộp năm tài chính 2022-2023 của Hoa Sen có thể tăng lên 12,4% (năm tài chính 2021-2022 đạt 9,9%). Doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 34.513 tỷ đồng (giảm 31% so với cùng kỳ) và 427 tỷ đồng (tăng 70% so với cùng kỳ).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/12, cổ phiếu HSG đóng cửa giá tham chiếu 11.550 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu tính cả năm 2022, giá cổ phiếu HSG đã giảm 62,9% giá trị từ 31.170 đồng/cổ phiếu.

Hoa Sen có thể tiếp tục lỗ 982 tỷ đồng trong quý I niên độ tài chính 2022-2023
Sau khi báo cáo lỗ 886,98 tỷ đồng trong quý IV niên độ tài chính 2021-2022, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG – sàn HOSE) có thể tiếp tục lỗ thêm trong quý tiếp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư