Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Hoãn phiên xử vụ án Nguyễn Thị Hà Thành lừa đảo chiếm đoạt hơn 433 tỷ
Huệ Nguyễn - 26/12/2022 11:01
 
Sau khi xem xét đơn của một số bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, HĐXX quyết định hoãn phiên xử. Thời gian mở lại sẽ được ấn định sau.

Sáng nay, 26/12, TAND TP. Hà Nội mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ án liên quan Nguyễn Thị Hà Thành (38 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng), Nguyễn Thanh Tùng và 24 bị cáo khác về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cho vay lãi nặng và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng.

HĐXX do Thẩm phán Phan Huy Cương làm chủ tọa. Trong 26 bị cáo hầu tòa có 17 người là cựu lãnh đạo và nhân viên một số chi nhánh của các ngân hàng: Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc dân (NCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á (VietABank).

Nguyễn Thị Hà Thành bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một số cá nhân và 3 ngân hàng, lên tới hơn 433 tỷ đồng.

Trong phần làm thủ tục đối với các bị cáo tham gia phiên xét xử, chủ tọa Phan Huy Cương cho biết, trước khi mở tòa, HĐXX nhận được đơn xin hoãn phiên tòa của vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan). Trong đơn, ông Toàn trình bày bị u não, đang điều trị ở nước ngoài.

Thêm vào đó, bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương (nhân viên Ngân hàng VietABank) cũng gửi đơn xin hoãn với lý do đang phải điều trị bệnh. Với những diễn biến trên, đại diện VKSND TP. Hà Nội đề nghị tòa tạm hoãn xét xử để đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan. Qua đó, HĐXX đã quyết định tạm hoãn phiên tòa, thời gian mở lại sẽ được ấn định sau.

Như vậy, đây là lần thứ 3 HĐXX quyết định hoãn phiên xét xử sơ thẩm sau khi quyết định đưa vụ án ra xét xử. Đây là vụ án được đánh giá có nhiều tình tiết liên quan hết sức phức tạp.

Trong vụ án này, VietABank là ngân hàng được xác định bị chiếm đoạt nhiều nhất, lên tới gần 274 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 04 khách hàng cũng được xác định bị chiếm đoạt 63 tỷ đồng.

Để vay được tiền tại VietABank, Thành đề nghị đại diện chi nhánh ngân hàng ký các loại giấy tờ, giấy xác nhận tạm khóa tài khoản, sau đó giả mạo chữ ký của các đồng sở hữu trên giấy đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng hay hợp đồng cầm cố số dư tiền gửi.

Bị cáo Quản Trọng Đức, cựu Giám đốc chi nhánh VietABank tại phiên tòa sáng 26/12.

Cáo trạng cũng xác định, bị can Quản Trọng Đức (cựu Giám đốc chi nhánh VietABank) đã giúp sức cho Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm thực hiện 19 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 245 tỷ đồng. Nguyễn Mai Phương (Kiểm soát viên Phòng giao dịch Đông Đô) bị cáo buộc giúp sức cho Thành và Nguyễn Thị Thu Hương (chuyên viên thuộc VietABank) thực hiện 21 vụ lừa đảo, chiếm đoạt gần 274 tỉ của ngân hàng này.

Ông Đặng Nghĩa Toàn là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, có tiền gửi tại cả ba ngân hàng, được xác định là người bị Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt nhiều nhất, lên đến hơn 120 tỷ đồng.

Kết quả giám định cũng cho thấy, chữ ký trên hồ sơ vay, tất toán của các ngân hàng trên để Thành thế chấp các sổ tiết kiệm của ông Toàn vay tiền là giả mạo. Chữ ký này không phải của vợ chồng ông Toàn. Do đó, Viện Kiểm sát kết luận không có căn cứ cáo buộc ông Toàn biết và giúp sức cho Thành dùng sổ tiết kiệm để lừa đảo chiếm đoạt tiền của ba ngân hàng.

Xét xử sơ thẩm vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 433 tỷ liên quan nhiều ngân hàng
TAND TP. Hà Nội bắt đầu phiên xét sử sơ thẩm vụ án lừa đảo, chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng liên quan tới Nguyễn Thị Hà Thành và các ngân hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư