Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 08 tháng 11 năm 2024,
Hoàn thiện các quy định về thị trường chứng khoán phái sinh
Anh Ngọc - 08/08/2021 13:31
 
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 58/2021/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 158/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 27/8/2021.
Ảnh minh họa: Shutterstock
Ảnh minh họa: Shutterstock

Thông tư 58 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/8/2021, thay thế Thông tư số 11/2016/TT-BTC và Thông tư số 23/2017/TT-BTC. Trên cơ sở kế thừa những nội dung còn phù hợp của Thông tư 11 và Thông tư 23, Thông tư 58 gồm 6 chương, 35 điều và 7 phụ lục kèm theo quy định các nội dung sửa đổi để xử lý các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thời gian qua và bổ sung các quy định mới phù hợp với hệ thống, sản phẩm mới của thị trường chứng khoán. Một số nội dung mới cơ bản của Thông tư 58 như sau:

Một là, Thông tư 58 bổ sung đối tượng áp dụng là Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và phân định chức năng nhiệm vụ phù hợp với quy định tại Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg ngày 23/12/2020 Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam có nhiệm vụ quản lý hoạt động của thành viên giao dịch, thành viên giao dịch đặc biệt và thành viên tạo lập thị trường; có trách nhiệm ban hành các quy chế nghiệp vụ điều chỉnh hoạt động giao dịch, niêm yết chứng khoán phái sinh; ban hành mẫu hợp đồng tương lai chỉ số và mẫu hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ.

Hai là, bổ sung nội dung quy định về lỗi giao dịch và thực hiện sửa lỗi sau giao dịch.

Theo đó, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện sửa lỗi sau giao dịch đối với các trường hợp thiếu thông tin tài khoản của khách hàng do chưa cập nhật trên hệ thống thanh toán, hoặc giao dịch đóng vị thế có số lượng vị thế khớp lệnh lớn hơn số lượng vị thế đối ứng trên tài khoản bị đình chỉ giao dịch do vi phạm quy định về ký quỹ, giới hạn vị thế, giới hạn khối lượng mở của Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Trên cơ sở đó, việc sửa lỗi sau giao dịch sẽ được Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện sửa lỗi về đúng tài khoản của khách hàng, hoặc về tài khoản tự doanh của thành viên bù trừ tùy vào từng trường hợp.

Ba là, bổ sung nội dung về từ chối thế vị đối với các giao dịch không hợp lệ.

Theo đó, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có quyền từ chối thế vị đối với các giao dịch đã được thực hiện của thành viên bù trừ bị đình chỉ giao dịch và các giao dịch của thành viên không bù trừ ký hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán với thành viên bù trừ đó, hoặc giao dịch nhận về có ngày giao dịch khác với ngày làm việc trên hệ thống của Tổng công ty, hoặc giao dịch thực hiện đối với mã chứng khoán phái sinh chưa được chấp nhận bù trừ thanh toán trên hệ thống của Tổng công ty, hoặc giao dịch do thành viên không bù trừ thực hiện khi chưa được thành viên bù trừ chung chấp nhận bù trừ, thanh toán trên hệ thống của Tổng công ty.

Bốn là, sửa đổi, bổ sung các quy định về ký quỹ của thành viên bù trừ để phù hợp với việc chuyển đổi mô hình ký quỹ trước sang ký quỹ sau theo hệ thống công nghệ thông tin mới sắp được triển khai trong thời gian tới.

Theo đó, thành viên bù trừ chỉ phải nộp mức ký quỹ yêu cầu cho các vị thế đứng tên thành viên bù trừ vẫn còn đang lưu hành sau khi kết thúc giờ giao dịch, thay vì phải nộp ký quỹ trước khi giao dịch như mô hình ký quỹ trước đây.

Mức ký quỹ yêu cầu được xác định dựa trên các loại ký quỹ rủi ro, ký quỹ song hành hợp đồng tương lai, ký quỹ chuyển giao hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ, ký quỹ tối thiểu. Thành viên bù trừ phải nộp bổ sung tài sản ký quỹ trong trường hợp giá trị tài sản ký quỹ không đáp ứng được mức ký quỹ yêu cầu do Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam xác định.

Năm là, bổ sung các nội dung quy định về Quỹ bù trừ. Bao gồm: Hình thức đóng góp, mức đóng góp, quản lý và sử dụng Quỹ bù trừ.

Theo đó, thành viên bù trừ có nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ bù trừ theo mức tối thiểu ban đầu, mức đóng góp bổ sung định kỳ và bổ sung bất thường. Tài sản đóng góp Quỹ bù trừ được sử dụng để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán. Trường hợp thành viên bù trừ đang trong thời gian xử lý để hủy bỏ tư cách thành viên bù trừ, tài sản đóng góp Quỹ bù trừ của thành viên bù trừ đó được quản lý tách biệt ra khỏi Quỹ bù trừ và là cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi (nếu có) sau khi đã khấu trừ số tiền thành viên bù trừ còn phải thanh toán cho Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Sáu là, bổ sung các nội dung quy định về đình chỉ, hủy bỏ tư cách thành viên của Sở Giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể như sau: Bổ sung quy định về đình chỉ hoạt động giao dịch, thời gian đình chỉ hoạt động giao dịch và hủy bỏ tư cách đối với thành viên giao dịch, thành viên giao dịch đặc biệt; bổ sung quy định về đình chỉ hoạt động tạo lập thị trường, thời gian đình chỉ hoạt động tạo lập thị trường và hủy bỏ tư cách đối với thành viên tạo lập thị trường…

Bảy là, bổ sung quy định về chế độ báo cáo.

Theo đó, Thông tư 58 quy định các nội dung về báo cáo định kỳ, báo cáo bất thường và báo cáo theo yêu cầu để phục vụ công tác quản lý giám sát của Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Các đối tượng báo cáo bao gồm: Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh, tổ chức cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, thành viên giao dịch, thành viên giao dịch đặc biệt, thành viên tạo lập thị trường, thành viên bù trừ.

Như vậy, về cơ bản Thông tư 58 đã xử lý hầu hết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thời gian qua, đồng thời đảm bảo cơ sở pháp lý sẵn sàng để triển khai hoạt động ký quỹ mới của thành viên bù trừ khi hệ thống công nghệ thông tin mới được vận hành.

Đầu tư chứng khoán phái sinh: Mục tiêu đầu tiên là gì?
Một số nhà đầu tư sau thời gian lướt sóng chứng khoán phái sinh trong phiên thất bại đã bắt đầu chuyển sang nắm giữ vị thế dài hạn hơn,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư