Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 29 tháng 04 năm 2024,
Hoàn thiện chính sách về EPR để hỗ trợ doanh nghiệp
Nguyễn Thi (*) - 23/02/2024 11:42
 
Việt Nam đang từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến EPR (trách nhiệm của nhà sản xuất trong suốt vòng đời sản phẩm) để các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có thể hoàn thành được nghĩa vụ của mình, đồng thời mở ra cơ hội cho ngành tái chế.
Các nhà sản xuất phải có trách nhiệm trong suốt vòng đời của sản phẩm 	Ảnh: Đức Thanh
Các nhà sản xuất phải có trách nhiệm trong suốt vòng đời của sản phẩm Ảnh: Đức Thanh

Xây dựng văn bản hướng dẫn

Từ ngày 1/1/2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu trong lĩnh vực săm lốp, pin ắc-quy, dầu nhớt và các sản phẩm bao bì phải thực hiện trách nhiệm tái chế các sản phẩm do họ sản xuất và phân phối.

Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025; nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.

Để quá trình thực thi EPR diễn ra thuận lợi, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã và đang xây dựng các văn bản hướng dẫn. Bộ cũng đang trong quá trình sửa đổi Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (Nghị định 08), trong đó có một số sửa đổi về mặt kỹ thuật liên quan đến EPR. Việc sửa đổi này sẽ tạo thuận lợi cho tổ chức thực hiện từ phía Nhà nước và doanh nghiệp, xác định rõ hơn về đối tượng, các mặt hàng bao bì nằm trong danh mục phải thực hiện tái chế, đơn giản hóa quy cách tái chế.

Ngoài ra, việc sửa đổi Nghị định 08 cũng sẽ làm rõ thẩm quyền của Văn phòng Hội đồng EPR. Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia là cơ quan giúp việc cho Hội đồng EPR quốc gia cùng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tổ chức quản lý, giám sát và hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu. Văn phòng không sử dụng ngân sách nhà nước, mà vận hành bằng ngân sách đóng góp (1%) của doanh nghiệp và một phần lãi phát sinh. Văn phòng này thành lập để phục vụ doanh nghiệp, do vậy, nếu họ không đủ thẩm quyền thì không thể vận hành hệ thống EPR trơn tru.

Hiện nay, quy định về EPR cũng chưa làm rõ về vấn đề thu gom, do đó, trong thời gian tới, các quy định về EPR sẽ được nghiên cứu điều chỉnh để việc thu gom được hiệu quả hơn.

Về cơ bản, các văn bản pháp lý quy định trách nhiệm của nhà sản xuất đã có đầy đủ. Bộ TN&MT và các bên liên quan đã xây dựng các văn bản hướng dẫn và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng vì đây là vấn đề rất mới ở Việt Nam, còn nhiều ý kiến khác nhau nên các văn bản hướng dẫn chưa được ban hành.

Một số vấn đề cần làm rõ

Trong quá trình thực thi EPR, một trong những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm chính là định mức chi phí tái chế (Fs). Fs là cơ sở để thực hiện trách nhiệm xử lý, tái chế sản phẩm, bao bì trong trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu không tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì của mình.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hiểu đúng bản chất của Fs và cho rằng mức Fs được đề xuất là cao. Do đó, trong quá trình chờ các chính sách về EPR được phê duyệt, việc tăng cường tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu đúng bản chất của Fs là cần thiết.

Về bản chất, giá chi phí tái chế là do các doanh nghiệp sản xuất và đơn vị tái chế thương lượng, quyết định. Còn mức Fs được đề xuất hiện nay là kết quả được tính toán sau quá trình khảo sát, lấy ý kiến của doanh nghiệp và các cơ sở tái chế ở cả 2 miền Nam, Bắc. Mức phí này căn cứ dựa trên công nghệ, kết quả xử lý, phù hợp với quy cách tái chế bắt buộc được nêu tại Phụ lục 202 của Nghị định 08. Trong quá trình xác định được giá phổ quát, đơn vị xây dựng chính sách còn áp dụng thêm cả hệ số điều chỉnh (có mức <1) để Fs đề xuất thấp hơn mức tính toán được sau khi làm khảo sát.

Ngoài ra, Fs chỉ có vai trò giúp Nhà nước xác định được mức tiền mà doanh nghiệp phải đóng vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để thực hiện trách nhiệm EPR của họ trong trường hợp họ không tự tổ chức tái chế.

Doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự tổ chức tái chế, thuê đơn vị tái chế, ủy quyền cho đơn vị khác tái chế, hoặc kết hợp tất cả các phương án trên. Nếu họ thấy mức đóng Fs cao hơn mức phí của các phương án khác thì họ hoàn toàn có thể chủ động chọn phương án phù hợp nhất. Do vậy, có thể khẳng định, việc doanh nghiệp cho rằng mức phí Fs cao là không có cơ sở, nhất là sau khi đã được áp dụng thêm cả hệ số điều chỉnh <1.

Nhà nước bao giờ cũng đưa ra một định mức nhất định để làm căn cứ xác định mức chi phí tái chế, đó chính là vai trò của Fs.

Nếu mức Fs thấp quá, thì không thể thu hút các doanh nghiệp tái chế, vì Fs ảnh hưởng đến chi phí tái chế thực tế. Thêm vào đó, nếu giá Fs thấp mà giá tái chế cao, thì các nhà sản xuất sẽ đặt câu hỏi, kết quả là các nhà tái chế lại phải điều chỉnh bảng phí tái chế, dẫn đến việc nhà tái chế phải hạ thấp giá thành, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả của việc tái chế và quá trình sản xuất các sản phẩm từ vật liệu tái chế. Nói cách khác, nó sẽ là quá trình chạy đua xuống đáy của hoạt động tái chế - điều này thực sự nguy hiểm cho nền kinh tế tái chế còn non trẻ ở Việt Nam.

Trong quá trình hoàn thiện chính sách, cơ quan xây dựng chính sách sẽ tiếp thu toàn bộ góp ý của các doanh nghiệp và hiệp hội. Tất cả ý kiến của những đơn vị liên quan đều được nghiên cứu kỹ lưỡng với tinh thần cầu thị, lắng nghe quan điểm của các bên, kể cả những điều chưa thống nhất.

(*) Chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

VEPR dự báo 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022
VEPR dự báo 3 kịch bản tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2022 và đánh giá, nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi nhưng vẫn tiếp tục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư