Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hoàng Anh Gia Lai tăng trưởng chậm lại trong quý IV/2022
Duy Bắc - 10/01/2023 08:05
 
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG – sàn HoSE) ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận chậm lại trong quý IV so với 9 tháng đầu năm 2022.

Trong năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai ước tính doanh thu 4.574 tỷ đồng, tăng 118,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 1.181 tỷ đồng, tăng 825,5% với cùng kỳ.

Trong đó, xét cơ cấu doanh thu, doanh thu ngành cây ăn trái ghi nhận 2.277 tỷ đồng, chiếm 49,8% tổng doanh thu; doanh thu chăn nuôi ghi nhận 1.620 tỷ đồng, chiếm 35,4% tổng doanh thu; và còn lại 677 tỷ đồng là ngành phụ trợ, chiếm 14,8% tổng doanh thu.

Công ty cho biết thêm, giá thịt heo tháng 12 thấp hơn tháng 11 vì vậy kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong tháng 12/022 chỉ đạt khoảng 58% so với tháng 11/2022. Tuy nhiên, so với kế hoạch lãi 1.120 tỷ đồng, kết thúc năm 2022, ước tính Hoàng Anh Gia Lai vẫn vượt 5% kế hoạch năm.

Trước đó, trong 9 tháng đầu năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu đạt 3.471,46 tỷ đồng, tăng 154,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 892,38 tỷ đồng, tăng 28,7 lần so với cùng kỳ.

Như vậy, ước tính trong quý IV/2022, Hoàng Anh Gia Lai sẽ ghi nhận doanh thu 1.102,54 tỷ đồng, tăng 48,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 288,62 tỷ đồng, tăng 199,1% so với cùng kỳ.

Có thể thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong quý IV/2022 đang thấp hơn tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2022.

Hoàn nhập dự phòng 1.250 tỷ đồng giúp HAG thoát lỗ trong 9 tháng đầu năm 2022

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu đạt 3.471,46 tỷ đồng, tăng 154,5% và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 892,38 tỷ đồng, tăng 28,7 lần so với cùng kỳ.

Điểm đáng lưu ý, chi phí quản lý doanh nghiệp bất ngờ ghi nhận âm 1.136,8 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 314,4 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu do Công ty hoàn nhập dự phòng 1.250 tỷ đồng so với cùng kỳ hoàn nhập 759,1 tỷ đồng.

Nếu loại bỏ chi phí quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận chính (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng), trong 9 tháng đầu năm Công ty sẽ ghi nhận lỗ 682,82 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 879,9 tỷ đồng.

Tuy vậy, tới 30/9/2022, Công ty vẫn ghi nhận lỗ lũy kế lên tới 3.578,5 tỷ đồng, bằng 38,6% vốn điều lệ. Ngoài ra, Công ty cũng đang còn ghi nhận lỗ tỷ giá tới 1.246,7 tỷ đồng.

Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 478,9 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 2.550,7 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 452,7 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 79,4 tỷ đồng.

Theo dữ liệu iBoard của Chứng khoán SSI, nếu nhìn rộng ra từ năm 2018 tới năm 2021, Công ty đã trải qua 4 năm dòng tiền kinh doanh liên tục âm. Trong đó, năm 2018 ghi nhận âm 2.917,7 tỷ đồng, năm 2019 ghi nhận âm 2.537,6 tỷ đồng, năm 2020 ghi nhận âm 1.764,1 tỷ đồng và năm 2021 âm 640,3 tỷ đồng.

Như vậy, hoạt động kinh doanh chính vẫn chưa có dấu hiệu tạo tiền, tiếp tục mô hình thâm hụt vốn kéo dài từ năm 2018 tới nay.

Chi phí phát triển vườn cây được vốn hóa thay vì ghi nhận chi phí trong kỳ phát sinh

Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Hoàng Anh Gia Lai tăng 4,9% so với đầu năm lên 19.338,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 7.175,9 tỷ đồng, chiếm 37,1% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt 4.576,5 tỷ đồng, chiếm 23,7% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 3.589 tỷ đồng, chiếm 18,6% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 9,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 640,2 tỷ đồng lên 7.175,9 tỷ đồng; tồn kho tăng 152% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 623,4 tỷ đồng lên 1.033,4 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn tăng 30,9%, tương ứng tăng thêm 1.081,4 tỷ đồng lên 4.576,5 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý, tài sản dở dang dài hạn tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm. Trong đó, ghi nhận chi phí phát triển vườn cây ăn quả 2.632,5 tỷ đồng, tăng 266,5 tỷ đồng so với đầu năm; dự án chăn nuôi ghi nhận 1.826,5 tỷ đồng, tăng 888,1 tỷ đồng so với đầu năm …

Về nguyên tắc, chi phí phát triển vườn cây ăn quả bao gồm các chi phí liên quan trực tiếp đến việc phát triển vườn cây ăn quả & vườn cây khác như chi phí khảo sát, đền bù đất, khai hoang, vườn ươm, phân bón, vận chuyển cây giống, nguyên vật liệu khác, chi phí nhân công, đường đi & hàng rào, phòng cháy chữa cháy và chi phí bảo vệ, các chi phí khác liên quan.

Việc Công ty ghi nhận là tài sản dở dang dài hạn là chi phí phát triển vườn cây ăn quả, điều này sẽ giúp không phải ghi nhận chi phí hợp nhất vào báo cáo kết quả kinh doanh trong kỳ phát sinh chi phí và từ đó giảm áp lực chi phí trong kỳ báo cáo mặc dù các chi phí này phát sinh trong kỳ báo cáo.

Ngoài ra, tính tới cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 4,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 337,2 tỷ đồng lên 8.623,6 tỷ đồng và chiếm 44,6% tổng nguồn vốn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/1, cổ phiếu HAG giảm 250 đồng về 9.100 đồng/cổ phiếu.

HAGL ra mắt kênh thương mại điện tử Bapi, kỳ vọng bán 10.000 đơn online mỗi ngày
Ứng dụng Bapi cho phép người dùng đặt mua các sản phẩm thịt heo ăn chuối, gà chạy bộ hay thịt bò trong bán kính 10 km tính từ cửa hàng gần nhất,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư