Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 01 năm 2025,
Học sinh cần làm gì khi cảm thấy bị quá tải và áp lực?
D.Ngân - 28/10/2023 09:40
 
Theo chuyên gia, khi cảm thấy bị quá tải và áp lực hãy sử dụng phương pháp đếm ngược 5-4-3-2-1.

Một khảo sát nghiên cứu vừa công bố mới đây đã chỉ ra rằng có đến 88,4% học sinh đi học thêm, trong đó tỷ lệ học thêm môn Toán là cao nhất với 80,3% và thấp nhất là môn Sinh với 1,4%.

Theo chuyên gia, khi cảm thấy bị quá tải và áp lực hãy sử dụng phương pháp đếm ngược 5-4-3-2-1.

Nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Anh Vũ với đề tài "Áp lực học tập và mối liên quan với lo âu ở học sinh THPT" thực hiện từ tháng 4 đến tháng 5/2023 trên 421 học sinh (từ 16-18 tuổi, 51,5% nữ và 48,5% nam) ở TP.Thủ Đức, TP.HCM theo 3 mức độ nhẹ - vừa - nặng khác nhau.

Kết cho thấy tỷ lệ chịu áp lực học tập của học sinh lần lượt là 35,9%, 30,6%, 33,5% và tỷ lệ lo âu là 35,6%. Áp lực học tập và lo âu có mối liên quan. Tỷ lệ chịu áp lực học tập mức độ vừa, nặng và lo âu cao ở học sinh THPT.

Những học sinh chịu áp lực học tập mức độ vừa có tỷ lệ lo âu cao gấp 2 lần so với những học sinh chịp áp lực học tập mức độ nhẹ. Còn những học sinh chịu áp lực học tập mức độ nặng có tỷ lệ lo âu cao gấp 3,79 lần so với những học sinh chịu áp lực mức độ nhẹ.

Đặc biệt, nghiên cứu đã chỉ ra rằng có đến 88,4% học sinh đi học thêm, trong đó tỷ lệ học thêm môn Toán là cao nhất với 80,3% và thấp nhất là môn Sinh với 1,4%.

Từ công trình khảo sát này, một số chuyên gia y tế và giáo dục khuyến nghị nhà trường và gia đình nên có những biện pháp nhằm cải thiện tình trạng chịu áp lực học tập và nâng cao sức khỏe cho học sinh.

Theo đó, đối với gia đình và nhà trường: Phụ huynh cần theo dõi giấc ngủ của con em vì các rối loạn tâm thần thường gây ra mất ngủ và tìm hiểu nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ ở trẻ và tìm hướng giải quyết; khuyến khích học sinh nói ra vấn đề của mình, cùng trẻ tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề.

Tránh đặt kỳ vọng quá cao ở trẻ, gây ra áp lực lớn trong học tập. Nhà trường nên tạo môi trường học tập thân thiện, thoải mái, lành mạnh, sắp xếp lịch học tập và thi cử hợp lý, khoa học.

Đối với học sinh: Cần xây dựng thời gian biểu học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học; tránh học quá nhiều, dồn nén sẽ dẫn đến kết quả học tập không tốt.

Rèn luyện cách suy nghĩ tích cực, cố gắng giải quyết vấn đề; học cách đối thoại, trình bày vấn đề của bản thân với gia đình và nhà trường.

Tăng cường các hoạt động thể thao, ăn uống lành mạnh, tránh các thói quen không tốt như thức khuya, chơi game, sử dụng các chất kích thích.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia, khi cảm thấy bị quá tải và áp lực học sinh hay sử dụng phương pháp đếm ngược 5-4-3-2-1. Đây là một phương pháp tâm lý cực kỳ đơn giản, giúp đưa bạn về trạng thái cân bằng cuộc sống, dựa trên 5 giác quan cơ bản: Thị giác, xúc giác, thính giác, khứu giác và vị giác. Trước khi bắt đầu bài tập cần chú ý đến nhịp thở nên chậm, sâu và dài.

Trước tiên, hãy nhìn xung quanh và xác định 5 thứ bạn nhìn thấy mà ít khi để ý đến. Nó có thể là một cây bút, một điểm trên trần nhà, bất cứ thứ gì trong môi trường xung quanh bạn.

Tìm 4 thứ bạn có thể chạm, và cảm nhận nó. Có thể là bất kỳ thứ gì - tóc, nền nhà, đôi giày đang đi, chiếc nhẫn đang đeo,đồng hồ đang đeo, cái nơ cài tóc...

Lắng nghe 3 âm thanh bạn nghe được. Đó cũng có thể là tiếng gió, tiếng đồng hồ, tiếng đồng hồ, tiếng quạt ...

Tìm 2 mùi hương bạn đang ngửi thấy. Nếu bạn đang trong phòng, hãy ngửi mùi chiếc gối, cái chăn, bộ quần áo hoặc đang đi dạo bên ngoài hãy ngửi mùi hương một loài hoa.

Thử nếm 1 thứ, có thể là chính chiếc lưỡi của bạn hoặc 1 viên kẹo cao su, 1 ngụm cà phê, trà sữa, sữa chua.

Được biết, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có khoảng 15 triệu người. Trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5 đến 6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác.

Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Theo báo cáo cuối năm 2021 của UNICEF, đại dịch Covid-19 đã gây ra những lo ngại đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên. Theo số liệu ước tính mới nhất, cứ 7 em thì có hơn 1 trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi trên toàn cầu được chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần.

Siết chặt công tác giám định tâm thần, tránh làm giả bệnh án
Bộ Y tế vừa có văn bản về việc tăng cường quản lý, chỉ đạo lĩnh vực giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư