Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hội chứng sợ bị bỏ lỡ (FOMO) kéo tiền vào thị trường như thác lũ
Thanh Thủy - 03/06/2021 19:31
 
Nếu không gặp hạn chế về năng lực xử lý khiến tình trạng nghẽn lệnh lại xuất hiện trên sàn HoSe từ hơn 14h, khó lường được quy mô dòng tiền mới có thể đổ vào thị trường.

Thanh khoản bùng nổ, VN-30 Index vượt VN-Index 140 điểm

Gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn mạnh đang khiến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước rơi vào những ngày nắng nóng gay gắt nhất từ đầu mùa hè năm 2021. Ở một nơi khác - thị trường cổ phiếu Việt Nam, dòng tiền mới ồ ạt chảy vào thị trường, mà theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư có sự góp sức lớn từ hội chứng sợ bị bỏ lỡ (FOMO), cũng đang phả sức nóng chưa từng ghi nhận vào cả ba sàn chứng khoán.

VN-Index ghi nhận 11 phiên tăng điểm trong 12 ngày giao dịch gần nhất. Chỉ số chung sàn HNX hay UPCoM cũng chỉ có 2 phiên đóng cửa trong sắc đỏ từ ngày 19/5 trở lại đây. Tâm lý cứ mua là thắng hay khi bán phải mua lại giá cao hơn đã khiến nhiều nhà đầu tư xuất hiện hội chứng sợ bị bỏ lỡ (FOMO). Chưa kể, hệ thống giao dịch bị hạn chế về năng lực xử lý đang khiến các nhà đầu tư không phải cứ có tiền là mua được cổ phiếu trong giờ giao dịch.  Dòng tiền từ các kênh đầu tư khác, với một phần đáng kể là nguồn tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, đang chuyển sang kênh chứng khoán với kỳ vọng nhận được tỷ suất sinh lời cao hơn.

Giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt 29.308 tỷ đồng, trong đó giá trị khớp lệnh tăng 14,82% lên 27.740 tỷ đồng. Khả năng hấp thụ lượng tiền lớn hơn không đến từ sự cải thiện của hệ thống mà bởi giảm đi số lệnh hủy/ sửa. Nhiều công ty chứng khoán đồng loạt thông báo tới khách hàng về việc  tạm dừng tính năng hủy/ sửa lệnh. Như Chứng khoán BIDV áp dụng với khung giờ 9h15-9h30 và 11h25-13h05 và có thể dừng đột xuất ở khung giờ khác. SSI dừng trong toàn bộ phiên từ 3/6 đến khi có thông báo mới.

Thanh khoản trên sàn HNX cũng vọt lên 5.423 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử giao dịch. Cùng với sàn UPCoM, giá trị giao dịch phiên 3/6 vọt lên 36.854 tỷ đồng, tương đương 1,59 tỷ USD.

Giao dịch trên sàn HoSE vẫn chưa hoàn toàn thông suốt và tiếp tục nghẽn từ hơn 14h nhưng giá trị giao dịch vẫn tăng mạnh. Nếu không gặp hạn chế về năng lực xử lý khiến tình trạng nghẽn lệnh lại xuất hiện, khó lường được quy mô lượng tiền mới có thể đổ vào thị trường.

Bảng điện sàn HoSe vẫn khúc khuỷu bất thường
Bảng điện sàn HoSe vẫn khúc khuỷu bất thường.

Đi cùng với sự bùng nổ về thanh khoản là sự gia tăng mạnh của cả ba chỉ số. Sắc xanh áp đảo trên thị trường chứng khoán. VN30-Index tăng tới 25,52 điểm lên 1.504 điểm với 28/30 cổ phiếu trong rổ VN30 tăng giá. Trên sàn HoSE, tổng cộng có 287 cổ phiếu tăng giá, áp đảo số mã giảm (57 mã chứng khoán). VN-Index tăng 23,5 điểm (+1,72%) lên 1.364,28, mức giá đóng cửa cao nhất trong lịch sử giao dịch. Tuy nhiên, mức tăng khiêm tốn hơn khiến VN-Index lại cách xa VN30-Index tới 140 điểm.

HNX-Index tăng 2,45% lên gần 330 điểm. Chỉ số sàn UPCoM cũng xác lập kỷ lục mới 90,67 điểm (+1,43%).

Dòng ngân hàng tiếp tục là các đầu tàu kéo chỉ số tăng điểm. Nhưng dòng cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên diện rộng lại là nhóm chứng khoán. 2/3 cổ phiếu chứng khoán tăng trên 6%. VND tăng kịch biên độ tới 9,87%. Việc chuyển sàn sang HNX không chỉ giúp cổ phiếu này tránh nghẽn lệnh mà còn nâng mức tăng giá tối đa/phiên lên mức cao mới theo quy định của sàn. Gần 8 triệu cổ phiếu VND được sâng tay với giá trị giao dịch hơn 480 tỷ đồng.

Phiên giao dịch bùng nổ cũng ghi nhận tới 6 cổ phiếu giao dịch trên ngàn tỷ đồng, bao gồm VPB (4.109 tỷ đồng), HPG (1.988 tỷ đồng), SHB (1.645 tỷ đồng), TCB (1.281 tỷ đồng), MBB (1.181 tỷ đồng) và STB (1.015 tỷ đồng).

Dòng tiền khối ngoại vẫn chưa trở lại

Bức tranh tích cực của thị trường vẫn còn một điểm không mấy sáng. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa trở lại giải ngân. Đây đã là phiên rút ròng thứ 4 liên tiếp của khối ngoại. Với 1.439 tỷ đồng mua vào nhưng tới 2.486 tỷ đồng bán ra, giá trị bán ròng trên sàn HoSE gần 1.050 tỷ đồng. Tính chung cả ba sàn, khối ngoại đã bán 1.105 tỷ đồng.

HPG tiếp tục là cổ phiếu bị bán ra mạnh nhất, dù giá trị bán ròng đã giảm bớt so với hôm qua (-716 tỷ đồng). MBB, VIC và VTP lần lượt bị bán ra 181 tỷ đồng, 143 tỷ đồng và 55 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chỉ hai cổ phiếu được khối ngoại giải ngân trên 50 tỷ đồng là OCB (57 tỷ đồng) và SSI (56 tỷ đồng).

Tính thanh khoản, một trong những tiêu chí hàng đầu trong quyết định đầu tư, đang bị ảnh hưởng bởi hạn chế về năng lực xử lý của hệ thống giao dịch sàn HoSE. Điều này cũng đang tác động một phần đến hành động của các tổ chức nước ngoài.

Hiện dự án hệ thống giao dịch do FPT và sàn HoSE phối hợp triển khai đang trong giai đoạn kiểm thử toàn thị trường. Trong một phát biểu mới đây, lãnh đạo sàn HoSE cho biết chưa thể khẳng định trước điều gì đối với hệ thống công nghệ. Tuy nhiên, với tiến độ hiện tại và không có rủi ro quá lớn xảy ra, FPT có thể bàn giao hệ thống cho HOSE vào cuối tháng 6, đầu tháng 7.

Những “tội đồ” khiến "trái tim" HoSE phải ngưng hệ thống
Vốn là điều mong chờ của các sàn chứng khoán, nhưng với chiếc áo cũ không còn đủ rộng của HoSE, các cổ phiếu hút dòng tiền lại trở thành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư