Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 01 năm 2025,
Hội nghị xúc tiến thương mại, xuất khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Thế Hoàng - 10/04/2024 16:52
 
Hội nghị tập trung bàn thảo về những vấn đề kinh tế trọng yếu của vùng gồm tiềm năng, lợi thế hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng xuất khẩu; chiến lược phát triển xuất nhập khẩu những năm tới.
Sắp diễn ra hội nghị xúc tiến thương mại, xuất khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Hội nghị xúc tiến thương mại, xuất khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc bàn nhiều giải pháp hỗ trợ xuất khẩu.

Bộ Công thương và UBND tỉnh Lào Cai sẽ đồng chủ trì tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại và mở rộng xuất nhập khẩu vùng trung du và miền núi phía Bắc vào ngày 12/4 tại TP.Lào Cai.

Hội nghị dự kiến thu hút sự tham gia của khoảng 300 đại biểu đến từ chính quyền các địa phương vùng trung du và miền núi phía Bắc, Bộ Công thương, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh nước ngoài, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistic…

Chương trình hội nghị sẽ bàn thảo về những vấn đề kinh tế trọng yếu của vùng, việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng xuất khẩu; việc xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, thúc đẩy giao thương biên giới qua các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) sẽ tổ chức các phiên tư vấn, kết nối giao thương cho các doanh nghiệp phía Bắc với một số chuyên gia tư vấn, nhà nhập khẩu ở các thị trường nước ngoài.

Qua đó, hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.

Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội; là địa bàn giàu tiềm năng, lợi thế về kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản, thủy điện, du lịch, kinh tế biên mậu… Tuy nhiên, các địa phương chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của vùng, tiềm năng chưa biến thành động năng, tiềm lực, nguồn lực.

Hiện, phần lớn các doanh nghiệp trong vùng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn hạn chế năng lực sản xuất, trình độ công nghệ, năng lực cạnh tranh. Giá trị xuất khẩu còn thấp, mặt hàng xuất khẩu chưa phong phú, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, gia công. Phần lớn các sản phẩm xuất khẩu đều chưa xây dựng được thương hiệu riêng vững chắc.

Ngoài ra, sự liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập, chưa đạt được sự hài hòa về lợi ích. Việc tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường, yêu cầu, điều kiện trong quá trình sản xuất sản phẩm còn hạn chế.

Để phát triển kinh tế của vùng, các chương trình xúc tiến thương mại cần được quan tâm, đẩy mạnh tổ chức nhiều hơn nữa, với quy mô lớn, có tính liên kết vùng cao để mang lại những ích lợi, cơ hội và các nguồn thông tin đáng tin cậy cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Các hoạt động này cũng góp phần tạo điều kiện phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ đắc lực cho việc quảng bá, giới thiệu nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có ưu thế của vùng để tăng cường tiếp cận đến các thị trường xuất khẩu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư