Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hôm nay, khai mạc Hội nghị Chính phủ với địa phương
Kỳ Thành - 28/12/2020 07:08
 
Dự kiến diễn ra trong 1 ngày rưỡi, Hội nghị lần này có ý nghĩa đặc biệt hơn những năm qua, khi diễn ra vào cuối nhiệm kỳ và chuẩn bị bước vào năm đầu của giai đoạn mới.

Sáng nay (28/12), Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương sẽ khai mạc dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Hội nghị sẽ xem xét, thảo luận các Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2020 và 5 năm 2016-2020; kết quả cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng năm 2020 và 5 năm 2016-2020 phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu dự Hội nghị Chính phủ với địa phương cuối năm 2019
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu dự Hội nghị Chính phủ với địa phương cuối năm 2019

Hội nghị cũng xem xét các Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và đề xuất, kiến nghị giải pháp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Báo cáo kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng năm 2020; Báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng năm 2020; Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử 2019 - 2021, định hướng 2025…

Chính phủ sẽ tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, hoàn thiện các văn bản, báo cáo, nhất là dự thảo Nghị quyết 01 để ban hành và tập trung thực hiện ngay từ ngày đầu tiên của năm 2021 với quyết tâm đạt kết quả cao nhất, tạo cơ sở, nền tảng cho cả giai đoạn 5 năm tới (2021-2025). Dự thảo Nghị quyết 01 đã được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, được Chính phủ cho ý kiến lần đầu tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2020 và sau đó, tiếp tục được Thường trực Chính phủ, các bộ, ngành góp ý.

Hội nghị sẽ nghe ý kiến của nhiều ngành, địa phương, trong đó tập trung đi thẳng vào những thành quả nổi bật và những khó khăn, vướng mắc; những vấn đề lớn có tính liên ngành, liên vùng, tăng cường phối hợp để phát huy được tiềm năng, lợi thế, nâng cao được hiệu quả trong phân bổ và sử dụng nguồn lực; làm rõ những mô hình tốt, cách làm hay; tập trung bàn về cách làm, phương pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm tạo được chuyển biến rõ nét, hiệu quả trong thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đề ra cho năm 2021 cũng như các năm tiếp theo.

Hội nghị sẽ cùng thảo luận kỹ, cho ý kiến về phương châm hành động của năm 2021, qua đó xác định những trọng tâm cho chỉ đạo điều hành như tại nội dung dự thảo các Nghị quyết cho năm 2021 sẽ được trình bày.

Trước đó, theo số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2020 được Tổng cục Thống kê công bố chiều qua (27/12), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2020 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý IV các năm trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam.

Tính chung năm 2020, GDP tăng 2,91% (Quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,69%; quý IV tăng 4,48%). Mức tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.

Một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu năm 2020:

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP): + 2,91%
- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): + 3,4%
- Số doanh nghiệp thành lập mới: 134.940 doanh nghiệp
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: + 2,6%
- Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện: + 5,7%
- Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa: + 6,5%
- Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa: + 3,6%
- Xuất siêu: 19,1 tỷ USD
- Khách quốc tế đến Việt Nam: -78,7%
- Chỉ số giá tiêu dùng bình quân: + 3,23%
- Lạm phát cơ bản: + 2,31%

Quý IV kinh tế bứt tốc, tăng trưởng GDP cả năm đạt 2,91%
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế của quý IV/2020 đạt tới 4,48%, tăng trưởng GDP của cả năm đã đạt 2,91%. Đây là mức tăng trưởng thuộc nhóm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư