Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hơn 10.000 lao động của Vinatex đã không thể đến nhà máy
Hải Yến - 13/07/2021 11:32
 
Tính đến ngày 10/7/2021 đã có trên 10.000 lao động thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã không thể đến nhà máy, chiếm 10% lực lượng lao động của toàn Tập đoàn.
Đẩy nhanh tiêm vaccine ngừa Covid-19 là giải pháp đẻ lao động dệt may sứm quay trở lại nhà máy làm việc.
Đẩy nhanh tiêm vaccine ngừa Covid-19 là giải pháp đẻ lao động dệt may sứm quay trở lại nhà máy làm việc.

Các doanh nghiệp dệt may nói chung và doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang ở trong thời kỳ khó khăn nhất của dịch bệnh Covid-19 kể từ tháng 1/2020.

Thông tin vừa được Tập đoàn phát đi cho biết, lần đầu tiên trong hệ thống các doanh nghiệp của Tập đoàn có các ca F0 và diễn biến trên diện rộng.

Tính đến ngày 10/7/2021 đã có trên 10,000 lao động không thể đến nhà máy - chiếm 10% lực lượng lao động của toàn Tập đoàn và trên 20% lực lượng lượng lao động phía Nam ( khu vực đóng góp trên 60% thu nhập cho Tập đoàn).

 "Dự kiến trong những ngày tới đây, một số địa phương như TP.HCM, Đồng Nai và nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 16 trong 15 ngày thì số lượng này còn tăng nhanh với lượng lao động của May Nhà Bè, Đồng Nai… ", ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex lo ngại.

Nhưng khó khăn sẽ còn chồng chất hơn khi doanh nghiệp đang có đủ đơn hàng ở tất cả các đơn vị đến hết tháng 9 và một phần đến tháng 12, cam kết giao hàng và thực hiện trách nhiệm của hợp đồng kinh tế cũng là rủi ro rất lớn với từng doanh nghiệp.

6 tháng đầu năm 2021 đã có những phục hồi tích cực của tổng cầu trên thị trường thế giới, tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Riêng Vinatex đã ghi nhận những kết quả kinh doanh tốt, khiến tăng trưởng cao hơn cả mức trước dịch bệnh của 6 tháng đầu năm 2019 trên 20%. 

Bên cạnh ngành may có đủ đơn hàng dù đơn giá còn thấp thì điểm sáng đặc biệt đến từ ngành sợi. Theo Vinatex, sau 24 tháng liên tục khó khăn, cầu thấp, nhiều thời điểm giá bán dưới giá thành thì từ tháng 10/2020, tình hình ngành sợi đã sáng lên, cầu và cả giá bán tăng cao.

Ước tính hiệu quả của 6 tháng đầu năm 2021 về cơ bản có thể bù đắp được toàn bộ phần thiệt hại của 2 năm 2019, 2020; đưa ngành sợi trở lại thành ngành có đóng góp trên 60% hiệu quả hợp nhất toàn Tập đoàn...

Lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn hoàn thành trên 70% kế hoạch cả năm trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng khoảng 190% so với cùng kỳ, đồng thời bằng 140% cùng kỳ 2019 trước đại dịch, với đóng góp lớn từ ngành sợi và sự ổn định ở mức gần tương đương trước dịch của ngành may.

Nhưng, kết quả này đang bị lung lay bởi diễn biến dịch bệnh tại đầu tàu kinh tế phía Nam, nơi có nhiều nhà máy sản xuất lớn của Tập đoàn.

Bài toán lớn nhất với các doanh nghiệp lúc này chính là thiếu lao động chất lượng cao, đồng thời là áp lực về phòng chống dịch tại địa phương và nhà máy do nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.

Trong bối cảnh đó, Tập đoàn và các doanh nghiệp đang thực hiện nghiêm chính sách phòng, chống dịch Covid -19, thúc đẩy tối đa việc đăng ký tiêm vaccine cho công nhân từ nguồn kinh phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là ưu tiên cho các doanh nghiệp phía nam, doanh nghiệp may quy mô lớn.

Với ngành may, giải pháp được khuyến cáo là doanh nghiệp cần tối đa hoá khả năng cung ứng trong điều kiện thị trường tốt do dịch chuyển ngắn hạn về Việt Nam do dịch bệnh ở các nước khác. Linh hoạt sử dụng kể cả phương thức kinh doanh bậc thấp (CMT) để giảm rủi ro cung ứng nguyên liệu, vốn lưu động, với mục tiêu đạt kim ngạch cao nhất có thể.

Ngành sợi cần xác định và kiên định mục tiêu có danh mục thị trường, khách hàng, phương thức kinh doanh cân đối. Phát huy lợi thế tập trung để phát triển khách hàng chuỗi cung ứng bền vững lâu dài. Duy trì và có giải pháp phòng ngừa bất định thị trường sợi cũng như thị trường nguyên liệu bông, xơ.

Đặc biệt, trong tình thế hiện nay, các doanh nghiệp đều xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất và sinh hoạt tại chỗ, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn để có thể thực hiện ngay khi tình huống xảy ra, kể cả với doanh nghiệp ở các vùng hiện chưa có diễn biến dịch bệnh ở miền Bắc và miền Trung.

Với hệ thống sợi, dệt, cần có phương án đảm bảo trên 80% lao động có thể làm việc và sinh hoạt tại chỗ nhằm giữ được tối đa khả năng sản xuất, không phải đóng cửa, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và tránh được thiệt hại cho doanh nghiệp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư