-
Đã tìm được nhà thầu thi công gói thầu hơn 6.000 tỷ đồng tại sân bay Long Thành -
Vĩnh Long: Đầu tư 140 tỷ đồng nâng cấp đường giao thông tại thị xã Bình Minh -
Ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 -
Bộ Công thương góp ý gì về dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Nam? -
TP.HCM: 3 dự án giao thông trọng điểm được giao vốn "khủng" nhưng giải ngân ì ạch -
Hitachi và MAUR "tháo ngòi nổ" để metro Bến Thành - Suối Tiên về đích
Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Quảng Nam: Hơn 8.900 tỷ đồng đăng ký đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp
Tỉnh Quảng Nam cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, địa phương đã hoàn thiện và khai thác hiệu quả nhiều khu, cụm công nghiệp.
Tỉnh Quảng Nam có 14 KCN đã được thành lập, với tổng diện tích 3.676 ha. |
Về hạ tầng khu công nghiệp (KCN), từ năm 2018 đến nay, tỉnh Quảng Nam đã thành lập mới thêm 3 KCN với tổng diện tích 1.134 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 4.403 tỷ đồng. Ngoài ra đang tập trung giải phóng mặt bằng các KCN Tam Thăng mở rộng; KCN Thaco Chu Lai, KCN An An Hòa.
Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Nam có 14 KCN đã được thành lập với tổng diện tích 3.676 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng là 8.925 tỷ đồng, tổng vốn thực hiện khoảng 4.217 tỷ đồng, đạt 47% tổng vốn đăng ký đầu tư. Đã có 10/14 KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 53%.
Về hạ tầng giao thông đường biển, Cảng biển Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là cảng biển loại 1, đang xúc tiến triển khai các Dự án về đầu tư vào các bến cảng, luồng tàu 5 vạn tấn, lập đề xuất quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Nam tích hợp vào các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành.
Trong khi đo, Sân bay Chu Lai được tổ chức quy hoạch lại theo tiêu chuẩn cấp 4F, hạ tầng trong và ngoài sân bay đã được đầu tư nâng cấp và đã đưa vào khai thác các tuyến nội địa, với quy mô 1,7 triệu lượt hành khách/năm.
Giai đoạn 2018 -2022, nhiều công trình giao thông đường bộ trọng điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã hoàn thiện đưa vào sử dụng như: Đường trục chính từ KCN Tam Thăng đi sân bay Chu Lai, đường trục chính KCN Tam Thăng giai đoạn 1, đường nối cảng Tam Hiệp và cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng, đường trục chính nối KCN ô tô Trường Hải với KCN Tam Anh (giai đoạn 1), đường trục chính KCN Tam Quang, nút giao vòng xuyến hai tầng do Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của các địa phương trên địa bàn vùng Đông
Liên quan đến nhà ở công nhân, tỉnh Quảng Nam đã cấp phép 2 dự án nhà ở công nhân là khu nhà ở công nhân Panko và khu nhà ở công nhân Tam Hiệp, tổng diện tích 6,4 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 425 tỷ đồng. Trong đó khu nhà ở công nhân Panko đã đưa vào sử dụng với công suất thiết kế 3.000 người, hiện có 500 công nhân đang ở.
Công bố Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050
Sáng 20/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050. Hội nghị lấy chủ đề "Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới", được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu là các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước.
Bộ trưởng khẳng định, Quy hoạch nhằm khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các ngành, các địa phương để tạo ra các động lực tăng trưởng và giá trị mới cho phát triển nhanh, bền vững đất nước. (Ảnh: Đức Trung) |
Trình bày những nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được lập theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, Kết luận Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai ngày 09/01/2023.
Đây là một nhiệm vụ hoàn toàn mới và rất quan trọng, góp phần cụ thể hóa và triển khai thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua.
"Quy hoạch nhằm xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ của quốc gia, khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các ngành, các địa phương để tạo ra các động lực tăng trưởng và giá trị mới cho phát triển nhanh, bền vững đất nước", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Ông Dũng khẳng định, Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là văn bản pháp lý có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu thành quả to lớn được tạo nên từ rất nhiều công sức, trí tuệ, quyết tâm của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia có hiệu quả của 30 viện nghiên cứu, với hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế để xây dựng nên một bản Quy hoạch tổng thể quốc gia đầu tiên của đất nước.
1. Về quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển thời kỳ 2021-2030
a) Quan điểm phát triển
- Phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn.
- Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
- Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển.
- Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động hội nhập quốc tế. Phát huy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, là yếu tố quyết định; ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng, đột phá.
b) Quan điểm về tổ chức không gian phát triển
- Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức hiệu quả, thống nhất, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng, khu vực và quốc tế.
- Phát triển có trọng tâm, trọng điểm; hình thành các vùng động lực quốc gia, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; bảo đảm an sinh xã hội và các dịch vụ công cho các khu vực khó khăn, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển.
- Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và các loại khoáng sản; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Tổ chức không gian phát triển quốc gia, các vùng, hành lang kinh tế, hệ thống đô thị phải gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại và phát triển hài hòa khu vực đô thị, nông thôn.
- Tổ chức không gian phát triển quốc gia phải gắn kết giữa khu vực đất liền với không gian biển; quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả không gian ngầm, vùng biển, vùng trời. Kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
2. Về mục tiêu phát triển đến năm 2030
- Mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững; hình thành các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; môi trường sinh thái được bảo vệ; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.
- Các chỉ tiêu kinh tế: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.
3. Về tầm nhìn đến năm 2050
Là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị thông minh, hiện đại, giàu bản sắc, xanh. Phát triển các vùng hài hoà, bền vững. Giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc được giữ gìn, phát huy. Môi trường có chất lượng tốt, xã hội hài hoà với thiên nhiên, phát triển hiệu quả theo hướng cac-bon thấp; phấn đấu nhanh nhất đạt mục tiêu giảm phát thải ròng của quốc gia về “0” vào năm 2050. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2031 - 2050 đạt khoảng 6,5 - 7,5%/năm.
4. Về phát triển không gian kinh tế - xã hội
a) Phát triển 06 vùng kinh tế - xã hội:
- Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc: Phát triển theo hướng xanh, bền vững và toàn diện. Tập trung bảo vệ, khôi phục rừng; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản. Xây dựng vành đai công nghiệp Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng cả vùng.
- Vùng đồng bằng sông Hồng: Tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại. Xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ. Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á.
- Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: Phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nâng cao hiệu quả hệ thống cảng biển, các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp. Phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa - lịch sử. Xây dựng khu vực ven biển Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng và cả nước.
- Vùng Tây Nguyên: Bảo vệ rừng gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước. Nâng cao hiệu quả phát triển cây công nghiệp. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, năng lượng tái tạo; phát triển bền vững công nghiệp khai thác bô-xit, chế biến alumin, sản xuất nhôm. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.
- Vùng Đông Nam Bộ: Trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.
- Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển vùng trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của cả nước, khu vực và thế giới. Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
b) Phát triển các vùng động lực, hành lang kinh tế
- Phát triển 04 vùng động lực quốc gia: vùng động lực phía Bắc, vùng động lực phía Nam, vùng động lực miền Trung và vùng động lực đồng bằng sông Cửu Long với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ.
- Phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030: Hành lang kinh tế Bắc - Nam và 02 hành lang kinh tế Đông - Tây là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu.
- Từng bước hình thành và phát triển các hành lang kinh tế trong dài hạn: Hành lang kinh tế theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Tây qua địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và 06 hành lang kinh tế Đông - Tây, bao gồm: Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội; Cầu Treo - Vũng Áng; Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng; Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau.
5. Về phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia
- Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, theo hướng đô thị xanh, thông minh. Hình thành các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ dọc theo các đường vành đai 4, vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội và các đường vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.
- Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, hiện đại, xanh, sạch, đẹp gắn với quá trình đô thị hóa; xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ nông thôn đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị.
6. Về định hướng phát triển không gian biển
Phát triển các vùng biển và ven biển dựa trên phát huy tối đa lợi thế so sánh về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hoá, tính đa dạng của hệ sinh thái; hài hoà giữa bảo tồn và phát triển. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tại các đảo kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển.
7. Định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng
- Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ số, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao, nhất là điện tử, sản xuất chip bán dẫn, công nghiệp sinh học. Mở rộng không gian phát triển công nghiệp về khu vực phía Tây của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vùng trung du để giảm sức ép sử dụng quỹ đất tại vùng đồng bằng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
- Xây dựng các trung tâm dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng mang tầm khu vực và thế giới tại các thành phố lớn, gắn với phát triển các vùng động lực, các hành lang kinh tế. Hình thành các trung tâm logistics lớn gắn với các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế lớn. Hình thành các khu vực động lực phát triển du lịch, các trung tâm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng, các hành lang kết nối phát triển du lịch.
- Phát triển nông nghiệp hiện đại theo chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, gắn với công nghiệp chế biến; thực hiện chuyển đổi số, sản xuất nông nghiệp thông minh. Bố trí không gian phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp gắn với hạ tầng giao thông, thủy lợi, tăng cường liên kết giữa sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm.
8. Định hướng phát triển hạ tầng cấp quốc gia
- Về hạ tầng xã hội: Đầu tư các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngang tầm khu vực và quốc tế; hình thành, phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu hiện đại. Xây dựng đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao quốc gia; xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
- Về hạ tầng kỹ thuật: Xây dựng đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, gắn với các vùng động lực, các hành lang kinh tế. Nâng cấp, xây dựng các cảng biển, cảng hàng không cửa ngõ quốc tế. Xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao kết nối với các cảng biển, cảng hàng không lớn. Phát triển hạ tầng năng lượng bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia theo hướng năng lượng tái tạo, công nghiệp khí. Phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng, xin ý kiến và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ. Nội dung dự thảo Nghị quyết đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và giao trách nhiệm cho các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay sau Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện Nghị quyết, trình Chính phủ ban hành.
Phú Yên: Dự án Đầu tư Hạ tầng Khu Đô thị mới Nam Thành phố Tuy Hòa hoàn thành giải phóng mặt bằng
Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên vừa cho biết, Dự án Đầu tư Hạ tầng Khu Đô thị mới Nam Thành phố Tuy Hòa (Giai đoạn 1, đợt 2) đã hoàn thành xong công tác giải phóng mặt bằng đối với 1 hộ dân còn lại để thi công hoàn thành dự án.
Công tác giải phóng mặt bằng của Dự án Đầu tư Hạ tầng Khu Đô thị mới Nam Thành phố Tuy Hòa (Giai đoạn 1, đợt 2) đã hoàn thành. Trong ảnh: lực lượng chức năng TP. Tuy Hòa tiến hành tháo dỡ diện tích đất lấn chiếm trái phép của hộ dân. Ảnh: Khánh Diêu. |
Theo đó, ngày 19/4/2023, lực lượng chức năng TP. Tuy Hòa tổ chức tháo dỡ, thu hồi diện tích đất lấn chiếm trái phép của ông Nguyễn Văn Thu ở khu phố 1, phường Phú Đông để bàn giao cho Ban Quản lý khu kinh tế Phú Yên phục vụ thi công Dự án hạ tầng khu đô thị mới Nam Tuy Hòa (giai đoạn 1).
Được biết, ông Thu đã lấn chiếm đất trái phép với diện tích 10.000 m2 để xây dựng công trình trái phép trên thửa đất đã có quyết định thu hồi (gồm nhà ở, vật kiến trúc, hàng rào, cây xanh và sản xuất hoa màu). UBND TP. Tuy Hòa đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ dân này tại Quyết định số 08, ngày 25/1/2022 và đề nghị chấp hành quyết định xử phạt hành chính của tại Thông báo số 383, ngày 29/3/2022 (hộ dân không chấp hành).
Sau đó, UBND TP. Tuy Hòa cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát các thủ tục để cưỡng chế theo quy định (tại Thông báo số 3187, ngày 29/11/2022). Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, công tác cưỡng chế đối với hộ dân này vẫn chưa hoàn thành.
Để đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành toàn bộ dự án, đảm bảo đủ điều kiện tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu ngân sách theo chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên cũng đã kiến nghị UBND TP. Tuy Hòa tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ ông Nguyễn Văn Thu và bàn giao mặt bằng trong tháng 4/2023 để thi công hoàn thành dự án.
Song qua tuyên truyền, vận động của chính quyền TP. Tuy Hòa và phường Phú Đông, ông Thu đã viết đơn xin tự nguyện tháo dỡ, đồng thời đề nghị thành phố hỗ trợ lực lượng, phương tiện để việc tháo dỡ nhanh chóng, thuận lợi.
Dự án Đầu tư Hạ tầng Khu Đô thị mới Nam Thành phố Tuy Hòa (Giai đoạn 1) được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt lần đầu tại Quyết định số 2031, ngày 26/8/2016, điều chỉnh lần thứ 6 vào ngày 30/12/2022. Dự án có quy mô diện tích 58,57 ha, với tổng mức đầu tư là 402.592 triệu đồng (nguồn vốn ngân sách tỉnh); thời gian thực hiện từ năm 2016 - 2023.
Dự án được phân kỳ làm 2 đợt, trong đó đợt 1 đã thi công hoàn thành và đã bàn giao cho các đơn vị quản lý sử dụng vào năm 2021. Đợt 2 (quy mô 14,21ha), dự án đã được triển khai xây dựng từ quý IV/2019, giá trị khối lượng xây lắp đạt khoảng 80% giá trị hợp đồng, tương ứng khoảng 93.705 triệu đồng. Phần khối lượng còn lại do vướng mặt bằng 1 hộ dân nêu trên nên không thể triển khai thi công.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên, tổng giá trị khối lượng thực hiện dự án đến ngày 2/4/2023 đạt khoảng 375.996 triệu đồng, tổng vốn đã bố trí là 371.400 triệu đồng, đã giải ngân là 353.530 triệu đồng. Năm 2023, dự án dự kiến được bố trí vốn 30.000 triệu đồng và dự kiến kế hoạch vốn năm 2022 được phép kéo dài 6.226 triệu đồng (từ nguồn ngân sách tỉnh).
Được biết, Dự án Đầu tư Hạ tầng Khu Đô thị mới Nam thành phố Tuy Hòa (Giai đoạn 1) là 1 trong 7 dự án do Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên làm chủ đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các địa phương và các ngành khẩn trương giải quyết và tháo gỡ khó khăn nhưng hiện vẫn còn nhiều tồn tại chưa giải quyết dứt điểm. Ban Quản lý đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung giải quyết để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án.
Ngày 19/4/2023, UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên chủ động làm việc, phối hợp với các sở, ngành địa phương để giải quyết dứt điểm các tồn tại giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư các dự án lớn trong thời gian tới vào khu kinh tế, hoàn thành báo cáo UBND tỉnh trong quý II/2023.
Bình Dương đặt mục tiêu hoàn thành dự án bệnh viện 2.300 tỷ đồng vào tháng 11/2023
Ngày 20/4, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đã đi kiểm tra tiến độ xây dựng Dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường tại phường Định Hòa, TP. Thủ Dầu Một.
Dự án bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương với quy mô 1.500 giường đã chậm tiến độ nhiều năm |
Dự án này đã chậm tiến độ nhiều năm, đến nay cũng chưa xác định được thời gian hoàn thành cuối cùng.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương, dự án bệnh viện 2.300 tỷ đồng bao gồm hai gói thầu.
Trong đó gói thầu thi công, cung cấp và lắp đặt hệ thống kỹ thuật đã thực hiện được hơn 92%. Vướng mắc của gói thầu này là khối lượng phát sinh vẫn chưa được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương để Ban quản lý hoàn chỉnh các thủ tục lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt và ký kết hợp đồng triển khai thi công hoàn thiện công trình.
Còn gói thầu thi công và lắp đặt hệ thống khí y tế và vận chuyển mẫu bệnh phẩm đã thực hiện được 89%. Hiện nay các thiết bị của gói thầu đã được nhập về công trình, tuy nhiên công tác lắp đặt chưa thực hiện được vì còn phụ thuộc vào tiến độ hoàn thiện của gói thầu thi công.
Sau khi kiểm tra thực tế dự án, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các sở, ngành phối hợp giải quyết, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, trước mắt, tỉnh sẽ thành lập Tổ chỉ đạo để thường xuyên theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo xử lý những vấn đề phát sinh để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu, đến tháng 11/2023, dự án phải hoàn thành tất cả các gói thầu để đưa vào vận hành thử trước khi đưa vào sử dụng chính thức, bằng mọi giá không để dự án kéo dài thêm.
Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương được khởi công vào năm 2014 với tổng vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng, quy mô 1.500 giường. Theo kế hoạch ban đầu đến năm 2016 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động.
Thế nhưng sau nhiều năm xây dựng dự án vẫn chưa hoàn thành vì nhiều lý do khác nhau. Vào các năm 2020, 2021 dự án tiếp tục trễ hẹn đến nay cũng chưa xác định được thời hạn hoàn thành cuối cùng.
Quảng Ngãi: Đập dâng gần 1.500 tỷ đồng từng bị nhiều sai phạm tiếp tục chậm tiến độ
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, ông Lê Quốc Đạt, Giám đốc Ban quản lý, tổng giá trị khối lượng thực hiện đến nay là 1.048 tỷ đồng, đạt khoảng 80%. Do đó, Dự án được giãn tiến độ thực hiện đến năm 2024.
Hiện công trình này phải giãn tiến độ vì vướng mặt bằng. |
Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc được khởi công tháng 7/2019, dự kiến hoàn thành năm 2021, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do có nhiều vướng mắc nên tiến độ Dự án cũng được kéo giãn từ năm 2021 sang năm 2023 nhưng vẫn tiếp tục “trễ hẹn”.
Đây là công trình thủy lợi kết hợp giao thông, mục tiêu chính là dâng nước trên sông Trà Khúc, đoạn qua TP.Quảng Ngãi.
Công trình có kết cấu gồm cống ngăn sông với 19 khoảng, tổng bề rộng gần 720 m. Cửa van phẳng sẽ được lắp đặt giữa các trụ, vận hành lên xuống bằng hệ thống xi lanh thủy lực. Các cửa van được điều khiển tự động, đóng mở theo từng điều kiện thực tế và có chức năng xả đáy đảm bảo tiêu thoát lũ vào mùa mưa.
Không chỉ là đập dâng đơn thuần, công trình này còn có cầu giúp kết nối 2 bờ sông. Đập có cầu và đường với chiều dài 1.400 m, trong đó cầu dài hơn 970 m. Cầu trên đập giúp kết nối 2 bờ sông, tạo thuận lợi cho người dân qua lại giữa tuyến đường Hoàng Sa ở bờ bắc và Trường Sa ở bờ nam.
Đáng chú ý, vào tháng 8/2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hiện công trình có nhiều sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện. Trong lúc chờ khắc phục vi phạm, Quảng Ngãi lại gặp khó khăn về ngân sách, cùng với dịch Covid-19 nên phải tạm dừng thi công
Trong đó, nổi cộm nhất là việc tỉnh Quảng Ngãi chi 200 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương cho dự án là trái với quy định Chính phủ, vì Trung ương bố trí số tiền này chỉ ưu tiên cho những dự án cấp bách, trong khi đập dâng sông Trà Khúc là dự án đầu tư trung hạn.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận công trình này có nhiều vi phạm, như: chưa phù hợp quy hoạch chung TP. Quảng Ngãi; khi quyết định phê duyệt chủ trương dự án, chưa phù hợp với quy hoạch thủy lợi, chưa phù hợp với quy hoạch ngành giao thông, quy hoạch tài nguyên nước; chưa có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và không cân đối được nguồn vốn.
Tại báo cáo thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội liên tục trích dẫn báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về dự án này. Theo đó, Dự án đập dâng sông Trà Khúc bị “điểm danh” vì điều chỉnh vốn lớn, quyết định đầu tư chưa xác định rõ nguồn vốn, xác định tổng mức đầu tư thiếu chính xác.
Cụ thể, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư 2 lần từ 60,648 tỷ đồng lên 1.498 tỷ đồng (gấp hơn 24 lần).
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh nhiều lần đốc thúc chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án vào cuối năm 2023.
Đơn cử, tại buổi kiểm tra dự án này vào tháng 9/2022, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, vì nguyên nhân khách quan do chưa sắp xếp được nguồn vốn, nên tỉnh quyết định gia hạn dự án thêm 2 năm, tiến độ từ năm 2018 – 2021 gia hạn đến cuối năm 2023. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, dự án lại một lần nữa phải giãn tiến độ đến tháng 8/2024.
Hiện nay, nhiều người dân thôn An Phú (xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi) có đất đai, nhà cửa nằm trong vùng dự án vẫn chưa được di dời.
Ông Đạt cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là chưa thể xác định giá đất ở, tính tiền sử dụng đất khi nhà nước bố trí đất tái định cư cho một số hộ dân trong vùng dự án.
"Khi có mặt bằng, chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành phần cầu trên đập. Cầu hoàn thành sẽ đưa vào phục vụ người dân rút ngắn thời gian lưu thông giữa 2 bờ sông", ông Đạt nói.
Bên cạnh đó, ông Đạt cho hay, dự án đã bố trí vốn được khoảng 1.048 tỷ và cần bố trí thêm khoảng 430 tỷ đồng, tuy nhiên sau khi cân đối, tỉnh chỉ bố trí được 200 tỷ đồng.
Theo ông Đạt, trước mắt, chủ đầu tư sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết vướng mắc về mặt bằng, triển khai thi công phần cầu trước nhằm phục vụ người dân. Hiện công nhân đang tập trung hoàn thiện phần mặt cầu trên đập ở bờ nam.
Thu hút FDI vào Hà Nội tăng đột phá, quý I/2023 gần bằng cả năm 2022
Sáng 21/4, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh tiếp và làm việc với Đoàn Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng dẫn đầu.
Quý I/2023, thu hút FDI vào Hà Nội tăng đột phá, đạt 1,71 tỷ USD, gần bằng cả năm 2022 (1,77 tỷ USD), tăng 260% so với cùng kỳ năm 2022. |
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, kinh tếThủ đô tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực trong đầu năm 2023. Hết quý I/2023, GDRP của Thủ đô đạt mức cao gấp 1,7 lần mức bình quân cả nước, thu ngân sách đã vượt 138.000 tỷ đồng, đạt khoảng 40% dự toán năm. Tổng vốn đầu tư phát triển tăng 8,6%. Hà Nội thành lập mới 7.500 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 73.000 tỷ đồng.
Lượng khách du lịch quý I/2023 tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lượng khách quốc tế tăng tới 15 lần. Về vốn đầu tư nước ngoài (FDI), năm 2022 thu hút FDI của Hà Nội đạt 1,77 tỷ USD. Quý I/2023, thu hút FDI ghi nhận sự tăng trưởng đột phá, đạt 1,71 tỷ USD, gần bằng cả năm 2022, tăng 260% so với cùng kỳ năm 2022.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh những thành tựu của Hà Nội trong sứ mệnh là Thủ đô, trái tim của đất nước luôn có sự đồng hành, đóng góp ý nghĩa của các cơ quan ngoại giao.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, những ưu tiên phát triển của Thủ đô trong thời gian tới có một số trọng tâm như: xây dựng các khung quy hoạch và Luật Thủ đô sửa đổi; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hoá, coi đây là tiềm năng, động lực phát triển kinh tế; thúc đẩy công nghiệp theo hướng công nghệ cao, tăng cường phát triển lĩnh vực phần mềm; phát triển nông nghiệp mang sắc thái Thủ đô, đầu tư phục vụ nhu cầu trong nước, phục vụ nhu cầu đặc thù như người nước ngoài tại Việt Nam, sản xuất đặc sản tinh tuý…
Chúc mừng các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được bổ nhiệm vào các vị trí công tác quan trọng, ông Trần Sỹ Thanh mong muốn các đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ, luôn tích cực sự trao đổi hợp tác thường xuyên, chung tay với sự phát triển của Thủ đô.
Đồng thời, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội kỳ vọng các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quan tâm nghiên cứu thêm về các vấn đề liên quan đến Thủ đô Hà Nội, có những nỗ lực giúp truyền tải thông điệp, mong muốn, điều kiện của thành phố tới bạn bè quốc tế; không chỉ giúp hiểu thêm về Việt Nam, về Hà Nội, mà còn mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư, hợp tác theo hướng thiết thực, hiệu quả.
Đánh giá cao thành tựu toàn diện của Thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chân thành cảm ơn chính quyền và Nhân dân Thủ đô thời gian qua đã đóng góp quý báu cho hoạt động đối ngoại để hoàn thành những nhiệm vụ ngoại giao khó và quan trọng nhất của đất nước.
Tái khẳng định tinh thần của Chỉ thị số 15-CT/TW về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 do Ban Bí thư ban hành ngày 18/8/2022, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đề xuất Hà Nội thúc đẩy các nỗ lực, xây dựng chiến lược đầu tư ra nước ngoài, trong đó có thể cân nhắc vào những thị trường mới.
Khẳng định Bộ Ngoại giao sẽ luôn đồng hành với Hà Nội, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng mong muốn Thủ đô sẽ có những “đơn đặt hàng” cụ thể trong các lĩnh vực, đồng thời cho biết sẵn sàng đón các đơn vị của Hà Nội trực tiếp tìm hiểu thị trường, xúc tiến hợp tác tại các địa bàn nước ngoài.
Trên tinh thần đó, tại buổi làm việc, các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã sôi nổi trao đổi, thông tin về các cơ hội, chiến lược đối ngoại, tiềm năng kinh tế... tại nước sở tại, qua đó góp phần thúc đẩy, làm cầu nối cho Hà Nội triển khai các Dự án, chương trình hợp tác với nhiều đối tác quốc tế trong các lĩnh vực quan tâm.
Phú Yên thông qua 10 nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội
HĐND tỉnh Phú Yên khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa tổ chức Kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết định một số chủ trương quan trọng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo chương trình Kỳ họp, HĐND tỉnh Phú Yên sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến đối 14 nội dung quan trọng do Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh trình.
Ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên báo cáo thuyết trình các hồ sơ dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Phú Yên khóa VIII. Ảnh: Mỹ Luận. |
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh Phú Yên đã biểu quyết thông qua 10 Nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội gồm điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng Khu dân cư phía Đông đường Hùng Vương (đoạn từ đường Trần Hào - đường N7b), TP. Tuy Hòa; bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách tỉnh; danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo điểm b, khoản 1, Điều 58, của Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Ngoài ra, nghị quyết về danh mục dự án cần thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 62 của Luật Đất đai năm 2013; kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 sang năm 2023 nguồn vốn ngân sách địa phương; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án, công trình trên địa bàn tỉnh Phú Yên...
Đối với Nghị quyết bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tỉnh Phú Yên bổ sung nguồn vốn ngân sách tỉnh với số tiền là 89,9 tỷ đồng để thực hiện 3 dự án.
3 dự án được phân bổ từ nguồn vốn này gồm Dự án Hệ thống xử lý nước thải bãi chôn lấp chất thải rắn thành phố Tuy Hòa (30 tỷ đồng); Dự án xây dựng cầu Bến Nhiễu, xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa (29,9 tỷ đồng); Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐH.31, huyện Tuy An (30 tỷ đồng).
Ngoài ra, cũng tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh Phú Yên đã tiến hành các thủ tục miễn nhiệm các chức vụ (được thực hiện thông qua 4 nghị quyết xác nhận) gồm Phó chủ tịch HĐND tỉnh đối với ông Nguyễn Tấn Chân; Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đối với ông Nguyễn Quốc Thắng (chuyển công tác khác); Phó Trưởng Ban Pháp chế đối với bà Phan Thị Hà Phước (đảm nhiệm chức vụ mới là Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh).
Trong đó, 46/46 đại biểu HĐND tỉnh Phú Yên đã thống nhất miễn nhiệm chức Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Tấn Chân.
Trước đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Yên đã ra quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Tấn Chân, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Đảng đoàn, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên bằng hình thức cảnh cáo.
Theo kết luận Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Yên, trong thời gian giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, ông Nguyễn Tấn Chân đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trách nhiệm người đứng đầu.
Ngoài ra, ông Nguyễn Tấn Chân còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để các phòng, ban chuyên môn trực thuộc UBND huyện Tây Hòa vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Bình Định lấy ý kiến người dân về Dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn
UBND tỉnh Bình Định vừa giao UBND thị xã Hoài Nhơn chủ trì, phối hợp các ngành liên quan và Công ty cổ phần Gang thép Long Sơn tổ chức công bố và nghe ý kiến tham gia của người dân vùng ảnh hưởng của Dự án về các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chính sách an sinh xã hội khi triển khai Dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp Gang thép Long Sơn.
Biển Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn. Nguồn: dulichquynhon. |
Trên cơ sở này, UBND Bình Định yêu cầu UBND thị xã Hoài Nhơn hoàn thiện và ban hành chính sách; trường hợp có thay đổi báo cáo lại UBND tỉnh Bình Định để xem xét, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Được biết, UBND tỉnh Bình Định đã thống nhất phương án về các chính sách nêu trên theo đề nghị của UBND thị xã Hoài Nhơn tại Tờ trình số 139 ngày 23/3/2023.
Liên quan đến việc triển khai Dự án Khu Liên hợp Gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp Gang thép Long Sơn (địa điểm thực hiện dự án thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn), ngày 13/3/2023, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ký kế hoạch tổng thể triển khai dự án.
Theo kế hoạch được phê duyệt, nội dung xây dựng và phê duyệt các nội dung tuyên truyền; các chính sách hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định định cư, an sinh xã hội; kế hoạch tuyên truyền; tập huấn… đảm bảo các điều kiện để tổ chức công bố dự án được thực hiện từ ngày 28/2/2023 đến 30/4/2023.
Các nội dung triển khai cần thiết để đủ điều kiện khởi công xây dựng dự án gồm thực hiện các thủ tục về đầu tư, quy hoạch, đất đai, tái định cư, an sinh xã hội, môi trường, phòng cháy chữa cháy, xây dựng và các thủ tục khác có liên quan để chủ đầu tư khởi công dự án theo quy định sẽ thực hiện từ ngày 28/2/2023 đến 30/4/2024.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp Gang thép Long Sơn do đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định làm Trưởng ban.
Dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 4568 ngày 15/11/2021, điều chỉnh lần thứ 3 vào ngày 10/11/2022.
UBND tỉnh Bình Định đánh giá, Dự án này có quy mô lớn và tác động đến kinh tế - xã hội của địa phương, đời sống của người dân, thay đổi hệ sinh thái khu vực, thay đổi dòng chảy, địa hình đường bờ, ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ nông nghiệp, thủy sản, du lịch…
Dự án phải tiến hành lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt (theo quy định tại Điều 28, Luật bảo vệ môi trường năm 2020).
Hiện nay, Dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn mới chỉ được chấp thuận ở bước chủ trương đầu tư, chủ đầu tư đang lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện rất nhiều bước khác như lập Quy hoạch chi tiết 1/500, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt…
Hà Nội thúc tiến độ xây dựng chợ, công viên, vườn hoa nhà máy xử lý nước thải
Chiều 21/4, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ việc thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các sở, ngành chức năng tăng cường đôn đốc các dự án chậm tiến độ. |
Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ việc thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU cho biết, nửa đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025, Ban Chỉ đạo Chương trình đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo bài bản, khoa học từ khâu xây dựng kế hoạch, xây dựng 19 chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Đồng thời, thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo sự công khai, minh bạch; tăng cường sự giám sát, tạo đồng thuận trong nhân dân Thủ đô.
Các cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì thực hiện các chỉ tiêu, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, đề án của Chương trình đã có chuyển biến về nhận thức, đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao và bước đầu đạt được những kết quả khả quan.
Một số cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng làm cơ sở để triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.
Bước đầu triển khai có hiệu quả một số các dự án, công trình trọng điểm, trong đó có những dự án chậm nhiều năm như: Hoàn thành dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, đường Vành đai 2 trên cao; Khởi công và triển khai các dự án: Cầu vượt tại nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; Xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (Quốc lộ 1A cũ), quận Hoàng Mai; Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6: đoạn Ba La - Xuân Mai…
Hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình được triển khai bài bản, khoa học, sâu sát, hiệu quả với nhiều cách làm đổi mới từ việc xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai, công tác thông tin, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát.
Ban Chỉ đạo Chương trình đã duy trì tổ chức hội nghị giao ban định kỳ hằng quý, năm và các cuộc họp đột xuất với các đơn vị để rà soát kết quả thực hiện, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.
Ban Chỉ đạo tổ chức ký Cam kết thi đua giữa các quận, huyện, thị xã, Ban quản lý dự án chuyên ngành của Thành phố về thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình. Đổi mới phương pháp theo dõi, tổng hợp, xây dựng Bảng, Biểu tổng hợp theo dõi tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, trong đó, có phân khai rõ các công trình, dự án, nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị cùng với tiến độ khởi công, hoàn thành, nguồn vốn, chủ đầu tư.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tổ chức thực hiện triển khai các đơn vị thực hiện như 2 đoàn kiểm tra để tổ chức kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Chương trình tại 8 đơn vị (Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Công Thương; Quận ủy: Ba Đình, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai).
Tập trung chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện một số dự án quan trọng thuộc các lĩnh vực xử lý nước thải, rác thải, giao thông (Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá; kiểm tra tình hình thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2…).
Qua việc tổ chức kiểm tra, Ban Chỉ đạo đã kịp thời đánh giá được tình hình, đồng thời, tập trung chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, giải quyết các kiến nghị, đề xuất khắc phục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Trên cơ sở các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình, nhiều sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU phù hợp với đặc điểm của từng ngành, từng địa phương và có những cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.
Tiêu biểu, quận Hoàn Kiếm (Cải tạo vườn hoa; biệt thự cũ và các công trình kiến trúc có giá trị trước năm 1954); quận Hai Bà Trưng, Ba Đình (mở tuyến phố đi bộ; quận Hai Bà Trưng phối hợp Sở Xây dựng tạo không gian mở Công viên Thống Nhất đáp ứng nhu cầu của người dân); Sở Giao thông Vận tải đã có giải pháp đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm; Sở Xây dựng định kỳ giao ban hàng tuần đôn đốc các dự án đầu tư công được giao lập đề xuất chủ trương đầu tư…
Sau hơn hai năm thực hiện Chương trình, đến nay, đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu; 14 chỉ tiêu triển khai cơ bản đảm bảo tiến độ; 5 chỉ tiêu còn gặp nhiều khó khăn cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Tại Hội nghị, đại diện các quận, huyện, sở, ngành đã trao đổi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hay, đề xuất các giải pháp để triển khai hiệu quả trong thời gian tới.
Chương trình số 03 là một trong 10 Chương trình công tác toàn khóa của Thành uỷ khoá XVII, với 19 chỉ tiêu, 6 nhóm giải pháp trọng tâm, 56 nhiệm vụ cụ thể và 41 dự án, công trình trọng điểm.
Đây là chương trình có nhiều nội dung mới, khó, phức tạp với các kết quả, sản phẩm cụ thể. Mục tiêu của Chương trình là bên cạnh việc phát triển đô thị phải đi đôi với việc chỉnh trang, tái thiết đô thị, đồng thời quan tâm phát triển kinh tế đô thị.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã rất quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, từ việc xác định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, thành lập Ban Chỉ đạo và tổ chức quán triệt, triển khai Chương trình.
Qua 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tăng cường quản lý và phát triển đô thị theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại, nhất là thực hiện trong bối cảnh Thành phố và cả nước bị ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh Covid-19 và nhiều khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới. Đơn cử, vẫn còn một số chỉ tiêu còn chậm triển khai thực hiện như: Đầu tư xây dựng chợ; hạ ngầm hệ thống cáp điện lực, thông tin; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng, xử lý nước thải đô thị.
Công tác xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Chương trình còn chưa đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu. Việc soạn thảo, ban hành các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án để triển khai thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình còn chậm dẫn đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu còn hạn chế; việc triển khai thực hiện các dự án thuộc danh mục các công trình ưu tiên triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 còn chưa đảm bảo tiến độ ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chỉ tiêu của chương trình…
Phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trực tiếp của các thành viên Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình đạt hiệu quả.
Duy trì và tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc, tổ chức giao ban thường kỳ giữa Ban chỉ đạo Chương trình với các sở, ngành và các quận, huyện, thị xã nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện triển khai để đảm bảo sự đồng bộ trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung và các chỉ tiêu của Chương trình để các cấp, các ngành và mọi người dân hiểu, đồng tình hưởng ứng. Qua đó, có thêm nhiều giải pháp, cách làm hay, sáng tạo trong việc chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị.
Các đơn vị rà soát, đánh giá các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đến hết nhiệm kỳ, nhất là tập trung vào các chỉ tiêu còn chậm, gặp nhiều khó khăn để tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ.
Trước mắt, triển khai thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu chậm tiến độ như: đầu tư xây dựng 20 chợ; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố. Chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, bố trí nguồn vốn để thực hiện chỉ tiêu về hạ ngầm hệ thống cáp điện lực, thông tin. Đánh giá tình hình thực hiện một số chỉ tiêu khó như: tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng, xử lý nước thải đô thị,… để tìm giải pháp khắc phục.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị các sở, ngành chức năng tăng cường đôn đốc các dự án chậm tiến độ ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chỉ tiêu của Chương trình như: Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá kéo dài tiến độ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý 50-55%; dự án thí điểm đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội kéo dài tiến độ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng.
Đồng thời, tập trung triển khai xây dựng và hoàn thành các cơ chế chính sách, các quy hoạch, chương trình, kế hoạch và đề án chưa hoàn thành; hoàn thiện các Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển nhà ở, kế hoạch phát triển nhà ở, giai đoạn 2021-2025…
Đà Nẵng tăng cường xúc tiến đầu tư vào Khu công nghệ cao
Chiều 21/4, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng phối hợp cùng Công ty Cổ phần Long Hậu (LHC) tổ chức Hội thảo “Đầu tư vào lĩnh vực Công nghệ cao tại thành phố Đà Nẵng”.
Dự án Nhà xưởng công nghệ cao Long Hậu – Đà Nẵng có tổng diện tích 29,6ha. |
Hội thảo có sự tham gia của gần 80 khách mời và hơn 300 đối tác, khách hàng tham gia qua nền tảng trực tuyến, để thảo luận và tìm kiếm phương pháp nhằm tận dụng tiềm năng, lợi thế của TP. Đà Nẵng; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Tại Hội thảo, Công ty Cổ phần Long Hậu cùng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã ký kết biên bản hợp tác ghi nhớ về việc tăng cường quảng bá, thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao cho Đà Nẵng.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Long Hậu cũng ký biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Nakano Precision về việc cho thuê nhà xưởng xây sẵn tại Khu nhà xưởng công nghệ cao Long Hậu, thuộc Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng có tổng diện tích quy hoạch là 1.128,4 ha với 6 phân khu chức năng: Khu sản xuất công nghệ cao; Khu nghiên cứu - phát triển, đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp; Khu quản lý - hành chính; Khu công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối; Khu hậu cần, logistics và dịch vụ công nghệ cao.
Lũy kế đến tháng 3/2023, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút được 29 Dự án đầu tư. Trong đó có 16 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 7.024tỷ đồng và 13 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 607,7 triệu USD.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh cho biết tính đến tháng 3/2023, Thành phố có 980 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 4,062 tỷ USD. Nguồn lực đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Theo Chủ tịch TP.Đà Nẵng, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng phấn đấu trở thành một đô thị sinh thái thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Thành phố tập trung phát triển 3 trụ cột chính gồm: Du lịch, Công nghiệp công nghệ cao và Kinh tế biển.
Vì vậy, Đà Nẵng đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng Khu công nghệ cao Đà Nẵng - một trong ba khu công nghệ cao cấp quốc gia và là khu công nghệ cao duy nhất tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng được xác định là là động lực và hạt nhân để tạo ra đột phá, góp phần then chốt vào sự phát triển của kinh tế Đà Nẵng. Thành phố phấn đấu tỷ lệ đóng góp của Khu công nghệ cao Đà Nẵng đạt tối thiểu 10 - 15% giai đoạn 2025 - 2030.
Trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, Đà Nẵng tiếp cận, theo sát xu hướng của Cách mạng Công nghiệp 4.0 để định hướng thu hút và phát triển các lĩnh vực phù hợp. Thành phố Đà Nẵng ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực Công nghệ thông tin, truyền thông; Công nghệ sinh học; Công nghệ vi điện tử, cơ khí chính xác; Công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; Công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano…
Tôi kỳ vọng các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các công ty tư vấn sẽ thực sự trở thành “cánh tay nối dài” và là đối tác đầy hiệu quả của thành phố trong xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối Đà Nẵng với cộng đồng các doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao. Thành phố Đà Nẵng cam kết sẽ không ngừng tạo dựng, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư và phát triển ổn định. Chúng tôi tin rằng thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng chính là thành công của thành phố”, ông Lê Trung Chinh khẳng định.
Rà soát, điều chỉnh tốc độ khai thác một số tuyến cao tốc Bắc - Nam
Bộ GTVT vừa có công văn gửi các cục: Quản lý đầu tư xây dựng, Đường bộ Việt Nam, Đường cao tốc Việt Nam; các Ban Quản lý Dự án: Đường Hồ Chí Minh, Mỹ Thuận, 2, 6, 7, 85, Thăng Long; Sở GTVT các địa phương yêu cầu rà soát đường ô tô cao tốc phân kỳ đầu tư được thiết kế với 4 làn xe cơ giới (phần xe chạy 2 làn mỗi bên) để có thể khai thác với vận tốc 90km/h theo TCCS42:2022/TCĐBVN.
Một đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 chuẩn bị đưa vào khai thác vào ngày 30/4/2023. |
Theo Bộ GTVT, ngày 22/6/2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam) đã ban hành Quyết định số 2648/QĐ-TCĐBVN về việc công bố Tiêu chuẩn cơ sở Đường ô tô cao tốc – Thiết kế và tổ chức giao thông giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng (TCCS 42:2022/TCĐBVN).
Tiêu chuẩn TCCS42:2022/TCĐBVN quy định “Trong thời gian phân kỳ có thể chấp nhận cho hạn chế tốc độ khai thác (tốc độ lưu hành cho phép) thấp hơn tốc độ của đường cao tốc trong tương lai (khi đã được xây dựng hoàn chỉnh) và có thể đề xuất việc hạn chế tải trọng xe nặng. Việc lựa chọn tốc độ khai thác sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định trong phương án tổ chức giao thông. Tốc độ khai thác cho phép (tốc độ lưu hành cho phép) phụ thuộc vào tình trạng thực tế của đường, điều kiện thời tiết, tình trạng giao thông,...Trong mọi trường hợp, tốc độ khai thác tối đa không nên quá 90km/h)”.
Để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong công tác thiết kế, tổ chức giao thông đối với đường ô tô cao tốc phân kỳ đầu tư có 4 làn xe cơ giới (phần xe chạy 2 làn mỗi bên) thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị liên quan chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra an toàn giao thông nghiên cứu, rà soát các yêu cầu thiết kế, tình trạng thực tế của tuyến đường, điều kiện thời tiết, các giải pháp an toàn giao thông... để đưa ra đánh giá đảm bảo phù hợp với tốc độ khai thác hoặc có điều chỉnh các giải pháp kỹ thuật nếu cần (như: làn tăng, giảm tốc, khoảng cách an toàn, hệ thống an toàn giao thông...), để có thể đưa các công trình, dự án đường ô tô cao tốc phân kỳ đầu tư nêu trên vào khai thác với tốc độ 90km/h.
Trên cơ sở kết quả rà soát của đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra an toàn giao thông, các đơn vị theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp thẩm quyền thực hiện bổ sung, điều chỉnh thiết kế các hạng mục công trình thuộc dự án (nếu cần), bảo đảm khi đưa dự án đường ô tô cao tốc phân kỳ đầu tư có 4 làn xe cơ giới (phần xe chạy 2 làn mỗi bên) vào khai thác với tốc độ khai thác 90km/h được an toàn, đồng bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án tổ chức giao thông trong đó kiến nghị về tốc độ khai thác, đặc biệt là đoạn tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn – Quốc lộ 45, Phan Thiết – Vĩnh Hảo), Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị tư vấn lập phương án tổ chức giao thông, tư vấn thẩm tra an toàn giao thông, chủ đầu tư cần phân tích, đánh giá cụ thể tính khả thi của các biện pháp an toàn đồng bộ với vận tốc khai thác, có kiến nghị cụ thể làm cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Đà Nẵng chuyển kế hoạch đầu tư công từ năm 2022 sang 2023 đối với 101 dự án
UBND TP. Đà Nẵng vừa có quyết định kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đến hết ngày 31/12/2023 đối với nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư cho các công trình, dự án.
Dự án Cải tạo đường Ngô Quyền và Ngũ Hành Sơn là 1 trong 8 dự án giao thông dự kiến hoàn thành trong năm 2023, đến ngày 31/1/2023 đã giải ngân 25.570 triệu đồng. Trong ảnh, giai đoạn 2 của dự án đang được thi công. |
Đồng thời, UBND TP. Đà Nẵng giao các chủ đầu tư và các đơn vị quản lý dự án lập thủ tục cấp phát thanh toán theo quy định cho các công trình thuộc phạm vi quản lý điều hành dự án.
Theo danh mục kế hoạch vốn năm 2022 đề xuất kéo dài sang năm 2023 (nguồn vốn từ ngân sách tập trung, thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết…), TP. Đà Nẵng có tổng số 101 công trình của các chủ đầu tư phải kéo dài sang năm 2023.
Theo đó, kế hoạch vốn năm 2022 của 101 công trình này là 2.358.186 triệu đồng, giải ngân đến ngày 31/1/2023 là 1.301.351 triệu đồng, kế hoạch vốn còn lại không thể giải ngân và đề xuất kéo dài sang năm 2023 là 303.048 triệu đồng.
Trong đó, TP. Đà Nẵng có 15 công trình giao thông giải ngân đến cuối tháng 1/2023 đạt 474.416 triệu đồng và đề xuất kéo dài qua năm 2023 là 73.207 triệu đồng. Trong số này, 4 dự án giao thông hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng đến ngày 31/12/2022 nhưng còn 12.820 triệu đồng kế hoạch vốn còn lại không thể giải ngân và đề xuất kéo dài sang năm 2023 (riêng Dự án Nâng cấp cải tạo đường ĐT 601 còn 11.935 triệu đồng).
TP. Đà Nẵng cũng có 3 dự án giao thông chuyển tiếp có kế hoạch vốn còn lại không thể giải ngân và đề xuất kéo dài sang năm 2023 là 52.512 triệu đồng gồm Dự án Tuyến đường vành đai phía tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh (còn 23.767,844 triệu đồng); Dự án Tuyến đường Trục I Tây Bắc (đoạn từ nút giao thông Ngã ba Huế đến Bệnh viện Ung bướu đoạn từ Hồ Tùng Mậu đến quốc lộ 1A và đoạn nối Nguyễn An Ninh từ nút giao quốc lộ 1A đến đường sắt còn 20.000 triệu đồng); Dự án Các tuyến đường ngang nối quốc lộ 14B với các xã thuộc huyện Hòa Vang (còn 8.743,724 triệu đồng).
Bộ Giao thông Vận tải thúc tiến độ đầu tư trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông
Chủ đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông phải sớm hoàn thành thủ tục để tổ chức lựa chọn tư vấn, nhà đầu tư các trạm dừng nghỉ trong thời gian sớm nhất.
Đây là một trong những chỉ đạo mới nhất của Bộ GTVT trong công văn gửi các ban quản lý Dự án được giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1, trong đó có 3 dự án thành phần dự kiến thông xe vào ngày 30/4 tới.
Một mô hình trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam. |
Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu các Ban quản lý dự án căn cứ Thông tư số 01/2023/TT-BGTVT ngày 7/3/2023 của Bộ GTVT hướng dẫn về công tác lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ khi thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư giai đoạn lập danh mục dự án, bên mời thầu giai đoạn lựa chọn Nhà đầu tư công trình trạm dừng nghỉ.
Các đơn vị chủ đầu tư khẩn trương triển khai các thủ tục theo quy định để tổ chức lựa chọn Tư vấn, Nhà đầu tư các trạm dừng nghỉ trong thời gian sớm nhất, chủ động triển khai đồng thời các công việc, sẵn sàng hồ sơ cho các bước tiếp theo, rút ngắn tối đa thời gian trong từng công đoạn thực hiện.
Bộ GTVT yêu cầu Giám đốc các Ban quản lý dự án trực tiếp chỉ đạo, bám sát kế hoạch, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ GTVT về chất lượng và tiến độ thực hiện.
Cục Đường cao tốc Việt Nam được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ GTVT thực hiện các nhiệm vụ của Cơ quan quản lý đường bộ theo quy định tại Thông tư số 1/2023/TT-BGTVT; tổng hợp tiến độ triển khai thực hiện, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, giải quyết.
Trước đó, vào đầu tháng 4/2023, Bộ GTVT đã chấp thuận vị trí, quy mô xây dựng 8 trạm dừng nghỉ trên các dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam chuẩn bị đưa vào khai thác.
Cụ thể, trên tuyến cao tốc đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 sẽ xây trạm dừng nghỉ tại Km329+700 thuộc tỉnh Thanh Hóa; cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu xây dựng tại Km427+035 thuộc tỉnh Nghệ An; cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt xây dựng trạm dừng nghỉ tại Km478+200 thuộc tỉnh Hà Tĩnh; cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, tại Km22+100 thuộc tỉnh Khánh Hòa; cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, tại Km72+000 thuộc tỉnh Ninh Thuận; cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, xây dựng hai trạm tại Km144+560 và Km205+092 thuộc tỉnh Bình Thuận; cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, xây dựng tại Km47+500 thuộc tỉnh Bình Thuận.
Các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc nêu trên được đầu tư theo quy mô trạm dừng nghỉ thông thường với các hạng mục cấp xăng, dầu, nghỉ ngơi dừng xe, ăn, có nơi nghỉ ngơi, vệ sinh cho người tham gia giao thông.
Quảng Ninh dành hơn 8.000 ha đất cho 8 khu công nghiệp và 28 cụm công nghiệp mới
Theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã công bố, Quảng Ninh sẽ dành quỹ đất 6.589,03 ha cho 8 khu công nghiệp (KCN) mới và 1.626,31 ha cho 28 cụm công nghiệp (CCN).
Tỉnh Quảng Ninh đang có 16 KCN, bao gồm các KCN đã đi vào hoạt động, các KCN đang trong quá trình xây dựng và các KCN đang được nghiên cứu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư. Tổng diện tích của 16 KCN là 12.886,8 ha nằm trong quy hoạch phát triển đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hiện nay, đã có 10 Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN thuộc 8 KCN được cấp có thẩm quyền cấp Giấy Chứng nhận Đăng kí Đầu tư và thành lập. Những KCN gồm: Cái Lân, Đông Mai, Việt Hưng, Hoành Bồ, Hải Yên, Texhong Hải Hà - giai đoạn I (thuộc khu công nghiệp- Cảng biển Hải Hà), Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong và Bạch Đằng (thuộc khu công nghiệp - Dịch vụ Đầm Nhà Mạc) với tổng diện tích 4.632,22 ha. Trong đó có 7 KCN đã có nhà đầu tư thứ cấp như: Cái Lân, Việt Hưng, Đông Mai, Hải Yên, Texhong Hải Hà, Sông Khoai và Bắc Tiền Phong).
Những KCN tập trung tại các địa phương như TP. Hạ Long, TP. Móng Cái, KKT ven biển Quảng Yên, nơi hạ tầng giao thông sẵn có như cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long - Móng Cái chạy suốt đến cửa khẩu Móng Cái,.v.v… tạo điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy của các KCN trên địa bàn mới đạt được 43%.
Cũng theo quy hoạch mới, Tỉnh sẽ có thêm 8 KCN nữa với tổng diện tích quy hoạch là 6.589,03 ha ngoài 16 KCN đã có. Trong đó: KCN phía Nam Đầm Nhà Mạc (1.334 ha), KCN phía Bắc Đầm Nhà Mạc (1.400 ha), KCN phía Đông sông Rút (340 ha), KCN phía Tây sông Khoai (400 ha) tại thị xã Quảng Yên, KKT ven biển Quảng Yên; KCN Uông Bí (1.200 ha) tại TP. Uông Bí, KKT ven biển Quảng Yên; KCN Việt Hưng 2 (500 ha) tại TP. Hạ Long; KCN Cẩm Phả 2 (228 ha) tại TP. Cẩm Phả; KCN Đông Triều 2 (1.187,03 ha) tại Thị xã Đông Triều. Như vậy, quỹ đất để thu hút các dự án đầu tư rất rộng mở và dồi dào.
Về hoạt động đầu tư các CCN trên địa bàn, tỉnh đã có 8 CCN đã thành lập với 443,97 ha, trong đó có 5 CCN đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động với tổng diện tích 312,74 ha. Đó là: CCN Kim Sen, thị xã Đông Triều với diện tích 70,78 ha; CCN Hà Khánh (TP. Hạ Long) với diện tích 50,01 ha; CCN Hoành Bồ (TP. Hạ Long) với diện tích 69,4 ha; CCN Cẩm Thịnh (TP.Cẩm Phả) với diện tích 75 ha; CCN Nam Sơn (huyện Ba Chẽ) với diện tích 47,55ha. Các CCN này thu hút được 423 dự án thứ cấp với 5.100 lao động, tỷ lệ lấp đầy bình quân là 65,38%.
Hiện 3 CCN còn lại đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật như CCN Phương Nam tại TP. Uông Bí với diện tích 62,25 ha, CCN Đông Mai tại thị xã Quảng Yên với diện tích 16 ha, CCN Vân Đồn tại huyện Vân Đồn có diện tích 52,58 ha.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ có thêm 28 CCN mới với tổng diện tích dự kiến 1.626,31 ha, bao gồm CCN: Tràng An (25,52 ha), Yên Thọ (44,57 ha), Phương Nam 2 (75 ha), Phương Nam 3 (21,06 ha), Liên Hòa (53,09 ha), phục vụ ngành CN hỗ trợ (72,8 ha), Hoành Bồ 1 (70 ha), Hoành Bồ 2 (70 ha), Dương Huy (75 ha), Đạp Thanh (75 ha), Nam Sơn 2 (75 ha), Thanh Lâm 1 (75 ha), Yên Thang (70 ha), Hải Lạng (20,05 ha), Đồng Tâm (74,7 ha), Vô Ngại (75 ha), phía Tây Đầm Hà A (55 ha), Tân Tiến ( 60 ha), phía Tây Đầm Hà B (50 ha), Tân Hà 2 (35 ha), phía Đông Đầm Hà B (75 ha), Quảng Đức (70 ha), Quảng Thành (65 ha), Quảng Phong (33 ha), Hải Yên (58,1 ha), Số 1 (75 ha), Số 2 (67,94 ha), Nam Âu cảng (10 ha).
Những CCN này sẽ tập trung tại các xã, phường thuộc TP. Uông Bí, TP. Hạ Long, TP. Móng Cái, huyện Ba Chẽ, huyện Tiên Yên, huyện Bình Liêu. Ngành nghề thu hút chủ yếu là công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản, sửa chữa cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp dệt may, chế biến thực phẩm...
Quảng Ninh đang xây dựng kế hoạch về ban hành nghị quyết riêng về phát triển các KKT, KCN, CCN đến năm 2030 tầm nhìn 2040. Trong đó, đặt mục tiêu giai đoạn đến năm 2025, thu hút đầu tư vào các KCN, CCN tăng bình quân 10%/năm, đạt 1,25 tỷ USD/năm, tạo ra khoảng 22.000 việc làm mới, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 60%.
Ba tập đoàn nước ngoài cam kết đầu tư 3,7 tỷ USD trong năm nay
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong Hội nghị này, đã có 3 tập đoàn trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ đầu tư mới và mở rộng đầu tư trong năm nay với tổng vốn đầu tư lên đến 3,7 tỷ USD.
Đó là các nhà đầu tư của Cộng hòa Liên bang Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong các lĩnh vực như sản xuất xanh, sản xuất năng lượng tái tạo, sản xuất trong lĩnh vực thiết bị y tế. Cụ thể, sản xuất xanh, sản xuất năng lượng tái tạo khoảng 1,5 tỷ USD, sản xuất trang thiết bị y tế khoảng 600 triệu USD; sản xuất năng lượng, logictics khoảng 1,6 tỷ USD.
Đây cũng chính là những lĩnh vực mà Việt Nam đang đặt trọng tâm ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài và dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.
Theo ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến và thương mại Nhật Bản (Jetro) Hà Nội, các doanh nghiệp Nhật Bản rất sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam. Thep khảo sát của JETRO, 47% số người được hỏi cho biết họ sẽ mở rộng kinh doanh trong 1 - 2 năm tới. Trước đó, con số này là 55% vào năm 2021 và 60% vào năm 2022.
Còn theo ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), từ sau khi kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng Chính phủ cũng như rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc coi Việt Nam là đối tác hợp tác tốt nhất của mình. Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đang đa dạng hóa cơ cấu đầu tư từ sản xuất chế tạo sang công nghiệp dịch vụ, gần đây đã tăng tỷ trọng đầu tư vào các ngành công nghệ cao, vốn trước đây chỉ tập trung vào các ngành thâm dụng lao động nên chúng ta có thể kỳ vọng vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh và các cơ hội đầu tư mới sẽ tiếp tục tăng lên.
Trước đó, trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác.
Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự nhưng xử lý nghiêm những người vi phạm pháp luật theo quy định để bảo đảm, bảo vệ những người làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm với cộng đồng, với sự phát triển chung.
Thủ tướng đánh giá cao sự quyết tâm, nghiêm túc và hiệu quả của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua trên tinh thần tin cậy, chân thành, chia sẻ, trách nhiệm, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành. Những yếu tố quyết định này là chìa khóa cho sự hợp tác thành công giữa đôi bên - khi chúng ta có những yếu tố này thì những khó khăn, vướng mắc sẽ được giải quyết dễ dàng, kịp thời và hiệu quả hơn.
-
Bộ Công thương góp ý gì về dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Nam? -
TP.HCM: 3 dự án giao thông trọng điểm được giao vốn "khủng" nhưng giải ngân ì ạch -
Thông tin quy mô đầu tư xây dựng 15 tuyến đường sắt đô thị Thủ đô Hà Nội -
Long An trở thành điểm hút đầu tư ngành năng lượng tái tạo -
Hitachi và MAUR "tháo ngòi nổ" để metro Bến Thành - Suối Tiên về đích -
Khánh Hòa sẽ hợp tác với Hiroshima đào tạo chuyên gia ngành bán dẫn -
Quảng Nam: Chấm dứt dự án khu phố chợ sau 4 năm "nằm trên giấy"
-
1 Tin vắn Đầu tư Online ngày 13/9 -
2 Kỳ họp Quốc hội thứ 8: Bố trí làm nhân sự ngay chiều 21/10 -
3 Đề nghị trình Quốc hội chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam -
4 Điều kiện tiên quyết cho việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành -
5 Thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam: Gojek rút lui, cuộc đua “tam hùng” thêm khốc liệt
- Ông Andrew Khan làm Tổng giám đốc Carlsberg Việt Nam
- Bảo hiểm PJICO kịp thời tạm ứng quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi bão Yagi
- TKV: Các đơn vị đã cơ bản sản xuất trở lại sau bão số 3
- Agribank chung sức cùng các địa phương và người dân khắc phục hậu quả của cơn bão số 3
- Cần thúc đẩy nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam
- Nhiều giải pháp cần triển khai nhằm thúc đẩy dòng vốn xanh