Thứ Hai, Ngày 14 tháng 04 năm 2025,
Hỗn mang thế giới “cò” bất động sản - Bài 3: “Cò đội”, “cò đạp” và sự uất nghẹn của chính chủ
Ngô Nguyên - 13/04/2025 09:08
 
“Cò đạp”, “cò đội”, “cò vờn” chưa đáng sợ bằng “cò bất động sản đa cấp”.
Không chỉ môi giới bất động sản chuyên nghiệp và nghiêm túc, “cò” đất ngày nay khá rành công nghệ, pháp lý, quy hoạch, thậm chí cả kỹ năng marketing, khả năng hiểu tài chính từ lãi suất, dòng tiền, tỷ suất sinh lời, chi phí cơ hội. Trong thế giới “cò”, càng công nghệ cao, càng kỹ năng mềm, thì lại càng “hỗn mang” với đủ cung bậc hỉ, nộ, ái, ố, đủ chiêu trò luồn cò, kênh giá, tạo sóng, giật mối; đủ bẫy giữa “cò” với nhau, với khách, với chủ đất.

Bài 3: “Cò đội”, “cò đạp” và sự uất nghẹn của chính chủ   

Tuổi cao, sức yếu, vợ chồng ông N.V.Phú quyết định rao bán căn nhà của mình và uất nghẹn khi dính bẫy của “cò”. “Họ đã làm tổn thương niềm tin của tôi, tổn thất cơ hội của tôi, rồi đi về nhẹ tênh, dù tất cả đều giới thiệu là trí thức, có vẻ ngoài bóng bẩy, giàu có, thành đạt”, ông Phú nói.

Chiêu rao khống, bán ảo

Mới đây, anh L.T.Tuấn (TP.HCM) tá hỏa khi đối tác, bạn bè gọi điện tới tấp hỏi, có vấn đề gì mà bán căn nhà số 829 - đường Hoàng Sa (quận 3, TP.HCM) gấp gáp và loạn giá như vậy.

Theo chỉ dẫn của bạn bè, anh lên mạng gõ từ khóa và phát hiện nhiều trang web bất động sản rao bán căn nhà của mình với nhiều mức giá khác nhau, khi thì 41 tỷ đồng, lúc là 45 tỷ đồng. Các lời rao đều rất chi tiết và hấp dẫn, như: mặt tiền số 829 - Hoàng Sa, đường trước nhà 20 m, sổ hồng, đang có dòng tiền 100 triệu đồng/tháng vì cho nha khoa thuê…

Tuấn lập tức phải đăng bài trên Facebook cá nhân và cả các hội/nhóm bất động sản lớn để công bố: “Tôi là chính chủ bất động sản tại 829 - Hoàng Sa. Tất cả thông tin trên mạng về mua bán, chuyển nhượng bất động sản này đều không đúng sự thật. Việc quảng cáo có thông tin không đúng là vi phạm Luật Quảng cáo…”.

Theo anh L.Sáng (giám đốc một công ty môi giới bất động sản), rao khống, bán ảo là chiêu của “cò” hoặc một nhóm “cò” bất động sản.

Một cò đất dẫn khách TP.HCM đi xem nền ở... tỉnh khác
Một cò đất dẫn khách TP.HCM đi xem nền ở... tỉnh khác.

Cụ thể, nếu tin rao trộm, rao bán ảo nhà cửa, nền đất của người khác với giá rẻ hơn giá thị trường 50%, hoặc rẻ hơn nữa, thì đó là chiêu “cò lùa gà”. Khách hàng đọc được thông tin rao bán nhà đất quá rẻ sẽ liên hệ ngay theo số điện thoại đính kèm và sẽ bị “cò” dụ tới công ty, rồi “ốp” lên xe che rèm chạy xuống các vùng ven để ép khách đặt cọc.

Không riêng “cò”, cả nhân viên kinh doanh, môi giới của các sàn nhỏ lẻ cũng dùng chiêu này để bổ sung giỏ khách hàng tiềm năng. “Hiệu quả tương tác của loại tin này là cao nhất, vì giá rẻ, ai mà không ham, nên sẽ gọi điện liên lạc ngay”, anh Sáng phân tích.

Các tin rao bán nhà đất với giá rẻ hơn so với giá thị trường khoảng 5 - 15% thường là chiêu kéo khách đỉnh cao, với mục tiêu “câu view”, câu khách. Giả sử có khách đồng ý mua, thì cò sẽ ép giá chủ nhà/chủ đất. Nếu họ không bán, không ép được, thì “cò” sẽ nói với khách là chủ không bán nữa, rồi “lái” sang căn khác tương tự, giá cao hơn.

Cái “ác” của những dạng rao khống, bán ảo nói trên là nhiều chủ nhà đang làm ăn với đối tác, bỗng đối tác thấy họ đăng tin bán nhà, thì cũng hoang mang khi hạ bút ký kết hợp tác…

Chiêu này của “cò đạp” cũng khiến không ít nhân viên kinh doanh bất động sản dở khóc, dở cười. “Không ít lần em rao bán căn nhà hay nền đất, khách gửi cho em ảnh chụp màn hình căn khác ở cùng khu vực bị rao giá ảo và bảo: nhà ở khu này chỉ bán 2 tỷ đồng, sao em lại rao tới 5 tỷ đồng, rồi block (chặn liên lạc - P.V) luôn!”, N.T.Ánh, một nhân viên kinh doanh bất động sản ở TP.HCM chua chát kể.

Quảng báo bán... trộm nhà của người dân
Quảng báo bán... trộm nhà của người dân.

Triệt cơ hội của chủ nhà rồi phá bằng lỗi tâm linh

Rao khống, bán ảo chỉ là một trong rất nhiều chiêu “đạp đội giá”. Chiêu “kinh điển” nhất mà “cò” hay dùng, vừa để triệt tiêu hy vọng tự bán của chủ nhà, lại đạp được giá, là mượn lỗi phong thủy, tâm linh.

Tuổi cao, sức yếu, cần tiền, mới đây, vợ chồng ông N.V.Phú (TP. Thủ Đức, TP.HCM) quyết định rao bán căn nhà ở phường Trường Thọ (TP. Thủ Đức) rộng gần 300 m2, đang cho nguồn thu khoảng 100 triệu đồng/tháng, với giá 18 tỷ đồng.

Chỉ sau vài giờ đăng tải thông tin lên Facebook, rất nhiều người từ khắp TP.HCM, Hà Nội và cả nước ngoài gọi điện cho ông Phú để hỏi mua, có nhiều người tới tận nơi xem nhà.

Do sức khỏe không tốt, không thể tiếp hết người này đến người khác trong một ngày, ông Phú cử người trực ở căn nhà để khách thoải mái vào xem, nếu quyết định mua thì mới tới gặp ông trực tiếp.

Có một người xưng là giám đốc công ty xây dựng cùng vợ ăn mặc rất sang trọng đã tìm tới căn nhà trên. Sau 30 phút, giữa trưa nắng nóng, người này gọi điện cho ông Phú, cho biết đã xem nhà, đã suy nghĩ kỹ và chốt mua, chỉ còn tìm hiểu tình trạng pháp lý của căn nhà, nên quyết gặp ông.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về việc bị “cò” đất bẫy tâm lý để phải bán nhà với giá rẻ, ông N.V.Phú (TP. Thủ Đức, TP.HCM) uất nghẹn nói: “Cả đời, tôi chưa từng làm hại ai, tôi đã trực tiếp cứu ít nhất 5 mạng người, từ nhỏ tới lớn. Vậy mà họ đã làm tổn thương niềm tin của tôi, đã làm tổn thất cơ hội của tôi, rồi đi về nhẹ tênh.

Tại sao người ta dễ dàng làm tổn thương, gây thiệt hại cho người khác một cách thản nhiên, vô tư, vô trách nhiệm rồi bỏ đi, tiếp tục tự hào, ngạo mạn về sự thành đạt của mình mà không hề lăn tăn chút gì về việc mình đã vô tình hay cố ý có hành vi gây tổn hại cho người khác?”.

Ông Phú cố gắng gượng dậy để tiếp khách. Sau khi kiểm tra giấy tờ pháp lý hợp lệ, vợ chồng vị giám đốc thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm mua nhà.

“Sau đó, họ nói sẽ đặt cọc ngay trong vòng một giờ và yêu cầu tôi phải gọi điện thoại ngưng mọi giao dịch tiềm năng trước đây của tôi trước mặt họ. Rồi người vợ về công ty để viết giấy đặt cọc, người chồng ngồi lại nhà tôi nói chuyện. Mọi chuyện tưởng chừng đã có kết quả tốt, nào ngờ, một giờ sau, người vợ gọi điện cho chồng thông báo là không tiến hành giao dịch nữa, với lý do là… tâm linh!”, ông Phú uất nghẹn.

Theo phân tích của dân bất động sản, ông Phú đã gặp phải loại cò “đa năng”, vừa vờn, vừa triệt đầu ra của chủ nhà, vừa đạp giá bằng chiêu “bùng” ở phút 89.

Các thủ đoạn này khiến ông Phú vốn ốm yếu sẽ nhanh chóng bị “hạ gục”, bởi rơi vào trạng thái tâm lý chỉ muốn hạ giá để bán cho nhanh và phải thông qua “cò”. Sau đó, “cò” rao kênh giá lên để bán, “ăn” 2 đầu, vừa nhận phí môi giới từ chủ nhà, vừa kiếm được khoản chênh lệch có khi cả nửa tỷ đồng, tùy giá trị căn nhà.

Đối với khách mua, “cò” lại thường đẩy giá với bằng chiêu “chân gỗ”. “Đó là những trường hợp, khách đã ưng và muốn mua, nhưng còn lưỡng lự vì giá cao hơn so với thị trường, thì đột nhiên có một người khác tới hỏi mua nền đó với giá cao hơn, khiến khách sợ bị giật mất ‘miếng ngon’ và chốt đặt cọc ngay. Hoặc khi bạn trả giá, ‘cò’ sẽ cho bạn xem hàng loạt tin nhắn có người trả giá cao hơn, rồi nói rằng ưu tiên anh đến trước…, khiến bạn quyết định xuống tiền ngay! Xin thưa, những vị ‘khách’ đó đều cùng hội, cùng thuyền với cò”, N.V.Long, một nhân viên kinh doanh bất động sản lấy ví dụ để phân tích cho tôi hiểu thêm về chiêu trò của giới “cò đất”.

Sự đáng sợ của “cò đa cấp”

“Cò đạp”, “cò đội”, “cò vờn” chưa đáng sợ bằng “cò bất động sản đa cấp”. “Không khó để nhận ra một số sàn và đại lý môi giới bất động sản đang hoạt động thực chất là áp dụng mô hình đa cấp biến tướng, trá hình dưới sự dẫn dắt của các tướng đầu đàn đến từ lò đa cấp nguyên thủy”, anh H. (xin không nêu tên thật), một chuyên gia bất động sản cho biết.

Theo anh H., đặc điểm chung của loại “cò” này là “tay không bắt giặc”, cần đám đông càng nhiều càng tốt. Nhóm này thường tìm cách hô hào, lôi kéo các lực lượng lao động khác vào sàn bất động sản trong vai trò là cộng tác viên, nhân viên chính thức. Ai giới thiệu được người vào, sẽ được hưởng phần trăm lương của người mới.

CON SÂU LÀM RẦU NỒI CANH

“Không phải môi giới bất động sản nào cũng xấu. Cũng như bất kỳ ngành nghề nào khác, nghề môi giới bất động sản có người này, người kia. Trong một thị trường đã quá nhiều cạm bẫy, đáng buồn thay, một số người, thay vì làm nghề bằng cái tâm, lại chọn lối tắt, dối trá, lươn lẹo, cố tình tô vẽ viễn cảnh trên nền đất chết - nơi không thể xin giấy phép, không thể xây dựng, không thể sinh lời. Mọi lời cảnh báo đều bị bóp méo thành dìm hàng”.


(Tâm sự của một môi giới bất động sản)

Mồi nhử của chúng là những “bánh vẽ” về dự án, quy hoạch, cao tốc, vành đai; “bánh vẽ” về lương, thưởng hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng/tháng để dụ người vào làm.

Thực tế, hầu hết “nhân viên” đều không có lương. Nhóm này tinh vi, ma mãnh ở chỗ, không mất một xu nào để trả lương cho đội ngũ lao động làm “loa phường”, đem lợi nhuận kếch xù về cho mình hàng ngày.

Món “khoái khẩu” của nhóm đa cấp bất động sản là tổ chức hội thảo, hội nghị liên miên, dùng văn mẫu bất động sản sơ đẳng thao thao bất tuyệt trên sân khấu. Còn ở dưới sân khấu, đội “loa phường” vỗ tay rào rào, hò reo ầm ĩ.

Sau đó, chúng áp dụng tối đa hiệu ứng Fomo (tâm lý sợ bị bỏ lỡ thời cơ), khi bố trí “quân xanh, quân đỏ”, thậm chỉ cả “đầu đàn” tự chuyển cọc tham gia mua bán, để thôi thúc, “lùa gà”. Kết quả, chính nhân viên của băng nhóm “cò bất động sản đa cấp” kia tự chui vào rọ.

“Đa cấp bất động sản tinh vi hơn, kín đáo hơn, hàn lâm hơn, công nghệ hơn, kỹ xảo hơn”, anh H. nói.

(Còn tiếp)

Hỗn mang thế giới “cò” bất động sản - Bài 2: Miếng ngon không dễ tới tay khách
Hàng trăm chiêu thức được “cò” bất động sản gây náo loạn thị trường, mang lại sự ấm ức cho cả người bán và người mua.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư