Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Honda thận trọng, Mazda vút ga
Thanh Hương - 28/05/2015 06:34
 
Thị trường ô tô đang ấm lên trông thấy, nhưng hai nhãn hiệu xe cùng đến từ Nhật Bản là Honda và Mazda lại đang có chiến lược và sách lược kinh doanh khác nhau.

Theo kế hoạch vừa công bố mới đây, trong năm tài chính 2016 (tính từ ngày 1/4/2015 đến ngày 31/3/2016), Công ty Honda Việt Nam sẽ bán 7.200 xe ô tô các loại, tăng khoảng 10% so với doanh số đạt được của năm tài chính 2015 (6.610 xe ô tô). So với mức 5.583 xe ô tô đạt được trong năm tài chính 2014, số xe ô tô bán ra trong năm tài chính 2015 của Honda không có sự tăng đột biến.

Nếu tính riêng trong 4 tháng đầu năm nay, Công ty Honda Việt Nam đã bán được 2.425 xe, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014.

 

Ông Minoru Kato, Tổng giám đốc Honda Việt Nam cũng thẳng thắn thừa nhận, mẫu Honda Civic đã xuất hiện khá lâu ở thị trường Việt Nam và khả năng cạnh tranh không còn cao, trong khi đó, sức tiêu thụ của Honda Accord nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan còn hạn chế. Vì vậy, thời gian tới, Công ty sẽ chỉ tập trung vào hai mẫu xe là City và CR-V. Dường như Honda Việt Nam cũng chưa sẵn sàng bổ sung thêm một số dòng xe mới như HR-V (loại SUV đô thị) hay các model ở phân  khúc động cơ 1.0L nhằm đa dạng hóa sản phẩm với người tiêu dùng.

Để tăng doanh số bán hàng, Ban lãnh đạo Honda Việt Nam cũng có kế hoạch cụ thể như mở rộng số lượng đại lý hiện có…

Trao đổi với báo giới tuần qua, ông Minoru Kato cho hay, đến năm 2018, khi thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước ASEAN sẽ giảm về 0%, với chi phí sản xuất ô tô hiện nay tại Việt Nam, xe lắp ráp trong nước không thể cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc.

“Với các doanh nghiệp ô tô, thuế nhập khẩu giảm về mức 0% vào năm 2018 không còn là vấn đề của năm 2018, mà hiện tại đã có tác động nhất định. Muốn đưa ra xe mới cần có thời gian 2-3 năm để triển khai, nên ngay năm nay, phải đưa ra các quyết định rõ ràng. Nếu tình hình hiện tại vẫn tiếp tục duy trì và không có thay đổi, thì các hãng hiện có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước buộc phải chuyển sang nhập khẩu, vì chi phí rẻ hơn hẳn. Và đó là kịch bản xấu nhất mà Honda Việt Nam không mong muốn”, ông Minoru Kato nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Tổng giám đốc của Công ty Honda Việt Nam cũng cho hay, tỷ trọng doanh số bán ô tô trong năm tài chính 2015 đạt mức 6% tổng doanh thu của Công ty. Trong năm tài chính trước,  con số này là 5%. Thực tế này cho thấy chưa có sự đột phá bất ngờ mà người tiêu dùng Việt Nam muốn nhìn thấy tại một thương hiệu Nhật Bản được ưa chuộng như Honda.

Điều đáng nói là, trong khi Honda Việt Nam tỏ ra cẩn trọng với các kế hoạch mở rộng sự hiện diện của mình và đa dạng hóa sản phẩm ở thị trường Việt Nam, thì Mazda, một nhãn hiệu xe nổi tiếng khác cũng đến từ Nhật Bản lại có sự đột phá mạnh mẽ.

Quay trở lại thị trường Việt Nam thông qua Công ty VinaMazda thuộc Trường Hải Group (Thaco) vào năm 2010, hai năm trở lại đây, Mazda đã ghi nhận bước đột phá liên tục cả về doanh số bán lẫn số lượng các mẫu xe.

Năm 2014, Mazda đã bán được 9.438 xe với 6 dòng sản phẩm được cho là đa dạng, gồm cả xe sedan, xe nhỏ, SUV và bán tải, tăng đáng kể so với con số 4.089 xe bán ra của năm 2013. Như vậy, trong năm 2014, Mazda đã thực sự bùng nổ về doanh số và đã vươn lên vị trí thứ 4 về lượng xe ô tô bán ra, chỉ sau Toyota, Ford và KIA. 

Tuy nhiên, theo kế hoạch năm 2015, Thaco còn đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là tiêu thụ 16.745 xe Mazda. Trong 4 tháng đầu năm nay, đã có  5.527 xe Mazda được bán ra. Thực tế này cho thấy, khả năng đạt được kế hoạch tiêu thụ xe Mazda của Thaco là không quá xa tầm tay.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Thaco Group cho biết, Mazda có được giá tốt để cạnh tranh là do sản lượng lớn. Đại lý bán được nhiều xe, nên không cần lời nhiều. Về phía doanh nghiệp, sản lượng tăng cũng khiến chi phí khấu hao, chi phí sản xuất giảm mạnh.

Dĩ nhiên, lợi thế về chi phí của Mazda nói riêng và các nhãn hiệu ô tô khác do Thaco Group kinh doanh nói chung còn là bởi một bộ máy quản lý phục vụ tới 5 nhãn hiệu riêng, gồm 3 nhãn hiệu xe du lịch, xe tải và xe bus. 

Khác biệt với Honda Việt Nam là Công ty liên doanh (mà phía nước ngoài nắm cổ phần chi phối), thì Công ty VinaMazda hiện thuần túy là doanh nghiệp trong nước và có các quan hệ hợp tác nhất định về công nghệ, kỹ thuật với Tập đoàn Mazda. Tuy nhiên, rất có thể sự hợp tác này trong thời gian tới sẽ được nâng cấp lên mức cao hơn và sâu rộng hơn. Với thực tế tăng trưởng nhanh chóng về doanh số bán hàng này, nhãn hiệu Mazda không chỉ qua mặt Honda, mà còn tạo ra cạnh tranh nhất định với doanh nghiệp ô tô đứng đầu là Toyota Việt Nam.

Bắt nhiều phụ tùng xe máy Honda giả
Công ty Honda Việt Nam và lực lượng quản lý thị trường, công an kinh tế đã bắt giữ các mẫu phụ tùng giả tại Yên Bái.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư