Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Họp báo khẩn: Doanh nghiệp nguy cơ mất trắng 36 container hạt điều trị giá hơn 160 tỷ đồng
Ngô Nguyên - 09/03/2022 19:40
 
Tại họp báo chiều 9/3, Vinacas cho hay trong 100 container hạt điều xuất sang Italy, doanh nghiệp và các ngân hàng Việt Nam đã mất quyền kiểm soát 36 container trị giá hơn 160 tỷ đồng.

Đã mất quyền kiểm soát 36 container hạt điều trị giá hơn 160 tỷ đồng

Liên quan vụ doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều Việt Nam kêu cứu, sau khi làm việc với tất cả các bên liên quan, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã tổ chức họp báo khẩn ngay chiều tối ngày hôm nay 9/3.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực Vinacas cho hay, thông qua môi giới của Công ty TNHH MTV Kim Hạnh Việt, 5 doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu đi Italy với số lượng 100 container hạt điều với, trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp phát hiện hồ sơ nhờ thu từ ngân hàng Việt Nam tới các ngân hàng của người mua có sự thay đổi về số SWIFT (mã số định danh ngân hàng được cung cấp bởi  Hiệp hội Viễn thông tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu - một tổ chức cung cấp một mạng lưới cho phép các tổ chức tài chính trên toàn thế giới gửi và nhận thông tin về các giao dịch tài chính); Ngân hàng của người mua tại Thổ Nhĩ Kỳ nhận được bộ chứng từ thì họ thông báo người mua không phải khách hàng của họ và họ đã trả lại bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào, không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam, cho dù ngân hàng Việt Nam đã gửi rất nhiều điện liên hệ nhưng vẫn không trả lời; Ngân hàng tại Italy thì thông báo cho ngân hàng Việt Nam rằng họ đã nhận được bộ chứng từ nhưng là các bản copy không phải bản gốc; chứng từ gốc thất lạc không biết nơi đâu.

Trước những dấu hiệu trên, một số doanh nghiệp còn hàng đã đóng chưa kịp vận chuyển đã khẩn cấp đề nghị ngân hàng ngăn chặn thu hồi chứng từ để dừng vận chuyển container. Có doanh nghiệp ký xuất hơn 40 container kịp thu hồi 17 container hàng, mất quyền kiểm soát số còn lại.

Tổng cộng, trong 100 container ký xuất, tới thời điểm này, các doanh nghiệp và ngân hàng mất quyền kiểm soát 36 container hạt điều, trị giá hơn 7 triệu USD, tương đương hơn 160 tỷ đồng.

Thế nên với việc không rõ bộ chứng từ gốc ở đâu, cũng với việc một số lô hàng đã đến cảng, số khác sắp cập bến trong khi chứng từ gốc mất tích, Vinacas đánh giá “doanh nghiệp có nguy cơ mất hàng” và cho rằng là “tình huống cấp bách”. Đáng nói các cảng sẽ đón tàu lại không phải cảng lớn mà nhỏ lẻ, rải rác.

"Đồng loạt trong vòng một tháng xảy ra trường hợp này với cùng 5 doanh nghiệp, cùng một phương thức. Cho nên các thành viên và doanh nghiệp đều nhận định, có một tổ chức tội phạm quốc tế tổ chức việc làm này. Và Hiệp hội chúng tôi, doanh nghiệp và kể cả ngân hàng không thể nào tìm ra được tổ chức đó", ông Nhựt nói. 

Nguy cơ…mất trắng

Cũng tại họp báo khẩn, đại diện Vinacas cho hay đã đề nghị Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Italy quan tâm, hỗ trợ Vinacas cùng các doanh nghiệp bằng cách: Làm việc với các cơ quan có thẩm quyền và hãng tàu tại Italy, đề nghị các hãng tàu trên áp dụng biện pháp “Khẩn cấp” tạm thời giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng; không giải phóng hàng cho người nhận ngay cả trong trường hợp họ trình vận đơn gốc. Chỉ cho phép giải phóng hàng khi nhận được xác nhận từ các công ty chủ hàng (người bán). Mọi thông tin hãng tàu nhận được từ phía người nhận hàng phải thông báo ngay cho công ty chủ hàng (người bán).

Kể cả…ăn cướp mà có chứng từ gốc cũng buộc phải giao hàng

Theo đại diện một hãng tàu vận chuyển thì họ buộc phải làm theo thông lệ quốc tế. Tức người nào có chứng từ gốc đến nhận hàng thì họ buộc phải giao hàng. Cho dù doanh nghiệp Việt hay bất cứ doanh nghiệp nào đã phản ánh, yêu cầu ngưng hoặc người mang chứng từ gốc tới có là…cướp thì hãng tàu vẫn phải giao hàng. Nếu không theo luật thì họ sẽ bị kiện. Tình huống này rất khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cho nên chúng tôi sẽ phải gửi đơn đến văn phòng chính của hãng tàu để can thiệp chứ các chi nhánh cũng không thể can thiệp.

 Ông Bạch Khánh Nhựt  cũng cho hay, Vinacas cũng “chạy” tới các chuyên gia pháp lý và được tư vấn, trường hợp tranh chấp thương mại thì phải có thời gian để bổ sung chứng từ làm việc các bên. Cho nên với thời gian quá gấp, quá ngắn (dự kiến trong tháng 3 nhiều tàu chở container hạt điều sẽ cập bến ở Italia giao khách) nên các doanh nghiệp Việt Nam khó đáp ứng được.

Các doanh nghiệp đề xuất có thể kêu tới các Trung tâm trọng tài để ra phán quyết khẩn cấp, nhưng cũng nhận trả lời không thể kịp.

Trách nhiệm các ngân hàng Việt Nam?

Ông Bạch Khánh Nhựt cho hay, các ngân hàng trả lời ông rằng, trong điều khoản, ngân hàng sẽ thực hiện theo đúng yêu cầu của chủ hàng. Và ở vụ việc này, theo điều khoản trên, ngân hàng đã thực hiện đủ, đúng khi chuyển chứng từ gốc tới đúng nơi, đúng địa chỉ mà chủ hàng yêu cầu..

Trong khi đó, 5 doanh nghiệp cầu cứu thì đã không còn đủ sức lực để tự giải quyết. Kể cả các ngân hàng Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp cũng vậy, cũng đều mất liên lạc với ngân hàng bên Italy, hoặc được trả lời không được minh bạch. Cụ thể, các ngân hàng Việt Nam gửi ngân hàng bên Italy là chứng từ gốc. Tuy nhiên khi doanh nghiệp phát hiện, các ngân hàng Việt Nam yêu cầu trả lại chứng từ gốc thì được ngân hàng bên Itali trả lời kiểu “đá bóng” hoặc không minh bạch như: họ đã chuyển lô hàng thừa thụ hưởng sang ngân hàng khác. Ngân hàng Việt Nam liên lạc với ngân hàng kia thì lại nhận được trả lời là không có khả năng thanh toán quốc tế nên đã trả lại ngân hàng gửi. Hỏi lại ngân hàng gửi thì nói là chỉ là bản photocopy.

Nên Vinacas cũng đã gửi đơn cầu cứu tới cả Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... để mong muốn các tổ chức nhà nước có phương thức hỗ trợ. Thương vụ thương mại Việt Nam ở Itali đã trực tiếp làm việc với hải quan bến cảng nơi mà hàng hóa Việt Nam đang chuẩn bị đến để làm việc.

Đại diện Vụ Thị trường (Bộ Công thương) cũng đã đến đại sứ quán Italy tại Hà Nội để tác động tới cơ quan chức năng Italia có biện pháp bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Hiệp hội sẽ gửi văn bản tới các hãng tàu để có những chia sẻ trách nhiệm với doanh nghiệp Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư