Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Hợp tác công - tư: “Chìa khóa” giúp ngành du lịch nhanh chóng phục hồi
Hạnh Nguyên - 07/12/2020 08:46
 
Các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch khẳng định, hợp tác công - tư và ưu tiên sức khỏe cộng đồng là “chìa khóa” giúp phục hồi, phát triển ngành kinh tế xanh trong “kỷ nguyên Covid-19”.
.
.

121 triệu lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng

Đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến ngành du lịch Việt Nam. Năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019; khách nội địa đến hết tháng 11/2020 đạt 49 triệu lượt, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm, khoảng 40 - 60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động. Tổng thu du lịch của cả nước thiệt hại lên tới 530.000 tỷ đồng (23 tỷ USD).

Trên thế giới, Covid-19 cũng là “ác mộng” của ngành du lịch. Bà Gloria Guevara, CEO, Chủ tịch Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) cho biết: “Với kinh nghiệm 30 năm cung cấp các nghiên cứu về ảnh hưởng kinh tế cho 185 quốc gia, WTTC định lượng, du lịch, lữ hành chiếm 10% GDP toàn cầu”.

Theo Chủ tịch WTTC, Covid-19 đã ảnh hưởng đến 121 triệu lao động ngành du lịch. Nếu không kịp thời giải quyết, con số có thể còn tăng gần gấp đôi, với khoảng 200 triệu người.

Tăng cường các khối liên minh 3 bên

Không chỉ nghiên cứu để định lượng ảnh hưởng kinh tế, WTTC còn đi sâu vào các tiền lệ và những cuộc khủng hoảng. Nghiên cứu 90 trường hợp xảy ra trong 20 năm qua, WTTC rút ra 3 bài học quý giá.

“Đầu tiên, là vụ khủng bố tại nước Mỹ ngày 11/9/2001 khiến các quốc gia phải đưa ra những bộ quy ước riêng và không hợp tác với khu vực kinh tế tư nhân. Chúng gây nên nhiều bất trắc và sự thiếu nhất quán trong quy trình an ninh, đặc biệt là tại các sân bay, ảnh hưởng nặng nề đến kinh doanh lữ hành và du lịch. Quá trình phục hồi mất nhiều năm. Một trong những nguyên nhân chính là do công - tư hoạt động độc lập”, bà Gloria nói.

Sau 19 năm, với sự xuất hiện của Covid-19, việc ra vào các sân bay khắp thế giới có nhiều thay đổi và khó khăn hơn trước. Việc thiếu giao thức chuẩn hóa cũng ảnh hưởng lớn tới quá trình phục hồi du lịch.

Bài học thứ 2 đến từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Quá trình phục hồi diễn ra khá nhanh theo biểu đồ hình chữ V, bởi các bên đã nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác.

“Cuối cùng, là bài học từ các đợt bùng phát dịch trước đây như SARS, MERS, EBOLA. Tất cả cho thấy, chúng ta có thể đi lại ngay cả khi chưa có vắc-xin. Do vậy, truy dấu tiếp xúc là vô cùng quan trọng. Biện pháp này có hiệu quả tại nhiều quốc gia, giúp họ phục hồi nhanh hơn”, bà Gloria phân tích.

Góp ý để ngành du lịch Việt Nam sớm phục hồi, Chủ tịch WTTC gợi ý 4 nguyên tắc: phải có cách tiếp cận mang tính phối hợp công - tư cao hơn, mở cửa lại biên giới, gỡ bỏ các rào cản với sự điều phối chặt chẽ; đảm bảo an toàn bằng cách truy dấu tiếp xúc từ sân bay đến khách sạn; áp dụng các quy ước quốc tế để gây dựng lại niềm tin của du khách và duy trì hỗ trợ từ Chính phủ cả trong khủng hoảng lẫn quá trình hồi phục.

Những gợi mở của bà Gloria Guevara cũng chính là mong mỏi của các doanh nghiệp du lịch. Trong đó, đẩy mạnh phối hợp công - tư được xem là “chìa khóa” giúp ngành kinh tế xanh phục hồi nhanh chóng.

Ông Trần Trọng Kiên, thành viên Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), CEO Tập đoàn Thiên Minh đề xuất, nên có cơ chế đối thoại thường xuyên giữa Chính phủ với các doanh nghiệp. “TAB là cơ chế hết sức tiên tiến, hỗ trợ ngành du lịch Việt Nam, gồm hơn 20 thành viên là các tập đoàn du lịch, hàng không, lữ hành, khách sạn lớn. Do đó, tôi đề xuất sớm kiện toàn mô hình TAB theo hướng có cơ chế báo cáo trực tiếp và thường xuyên với bộ chủ quản và Phó thủ tướng phụ trách”, ông Kiên nhấn mạnh.

Trong bối cảnh hiện nay, ông Dương Phú Nam, CEO Tập đoàn Sun World cho rằng, sự nỗ lực của mỗi cá nhân, doanh nghiệp sẽ không thể khôi phục thị trường trở lại trạng thái “bình thường cũ”. Nền kinh tế cũng không thể chịu tổn thương kéo dài trong trạng thái “bình thường mới”. Vì vậy, cần phát huy sức mạnh tập thể, tạo thành sóng lớn để phục hồi thị trường.

“Việc cần làm là tăng cường các khối liên minh 3 bên phát triển du lịch, gồm doanh nghiệp - địa phương - Chính phủ, nhằm phát huy lợi thế của mỗi doanh nghiệp, mỗi điểm đến và mỗi địa phương, từ đó tạo nên những chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn cả về chất lượng và mức giá, thu hút du khách đi du lịch và chi tiêu. Cần tạo cơ chế trao quyền dẫn dắt cho địa phương hoặc doanh nghiệp thực hiện các chiến dịch liên kết này”, ông Nam đề xuất.

“Sự trỗi dậy nhanh chóng của Sa Pa hay Đà Nẵng trước đợt dịch Covid-19 lần thứ hai là một minh chứng cho sự chủ động của doanh nghiệp như Sun Group. Qua đó cũng cho thấy, khi có sự góp sức của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành, sự quan tâm định hướng của chính quyền sở tại như các sở du lịch và định hướng của Chính phủ, chúng ta sẽ phục hồi nhanh hơn”.

- Ông Dương Phú Nam, CEO Tập đoàn Sun World
Xử lý 102 trường hợp vi phạm hoạt động kinh doanh du lịch
Thanh tra Sở Du lịch các tỉnh, thành phố đã xử lý vi phạm, phạt tiền đối với 102 trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm hoạt động kinh doanh du...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư