Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Hợp tác công tư: Chìa khóa thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0
Chi Mai - 23/05/2019 15:49
 
Cùng với xu hướng số hóa nền kinh tế trên toàn cầu, Việt Nam đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Câu hỏi đặt ra là: ai nên là người tiên phong trong việc dẫn dắt Việt Nam vào môi trường số hóa mới? Nghiên cứu của PwC cho rằng hợp tác công – tư có thể là câu trả lời.
Grant Dennis – Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn PwC Việt Nam.
Ông Grant Dennis – Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn PwC Việt Nam.

Với mục đích đưa ra góc nhìn chung về những tác động mà CMCN 4.0 mang đến và nêu bật những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt, PwC đã thực hiện cuộc Khảo sát Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam vào năm 2018. Nhìn chung, những người trả lời khảo sát của PwC dự đoán rằng CMCN 4.0 sẽ mang lại những lợi ích đáng kể như hiệu quả hoạt động cao hơn và khả năng tiếp cận khách hàng tốt hơn nhờ vào số hóa và tự động hóa. Họ đón nhận CMCN 4.0 một cách tích cực mặc dù chưa có đầy đủ nhận thức về các tác động cụ thể của xu hướng này.

Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp phải những thách thức riêng so với các quốc gia khác trên thế giới trên hành trình chuyển đổi theo CMCN 4.0, xuất phát từ mức độ trưởng thành của thị trường. Cụ thể, những người tham gia khảo sát của PwC tại Việt Nam lo ngại nhất về tình trạng thiếu kỹ năng của lực lượng lao động trong nước, thiếu các tiêu chuẩn kỹ thuật số, cũng như an ninh thông tin và bảo mật dữ liệu.

Đứng trước những thách thức này, phần lớn (64%) những người tham gia khảo sát đồng tình với ý kiến rằng doanh nghiệp cần là người tiên phong trong việc thúc đẩy thành công của Việt Nam trong thời đại 4.0 và 32% mong đợi Chính phủ cùng tham gia vào quá trình này. Sự hợp tác hiệu quả giữa khu vực công và khu vực tư nhân có thể đem đến những giải pháp mang tính thực tiễn và năng động. Ví dụ, Chính phủ có thể thiết lập khung hợp tác công - tư, xây dựng khung kỹ năng cho từng ngành, đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, hoặc đưa ra các ưu đãi thuế phù hợp để các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

.
.

Dựa vào kinh nghiệm tư vấn các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ tại nhiều quốc gia Đông Nam Á, PwC đã đưa ra 5 đề xuất thực tiễn về hợp tác công – tư để giúp Việt Nam vững bước tiến vào thời đại CMCN 4.0:

Đầu tiên là nâng cao nhận thức. Nhận thức là nền tảng để tạo điều kiện và động lực cho các cá  nhân, các tập thể và các doanh nghiệp cùng hành động. Việc nâng cao nhận thức sẽ đem đến tác động tích cực tổng thể đối với sự sẵn sàng của Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0. Đối với nhiệm vụ này, các hiệp hội, tổ chức ngành nghề sẽ cần đóng vai trò tích cực trong công tác truyền thông về CMCN 4.0, góp phần mang đến hiểu biết sâu sắc hơn cho người dân. Các hiệp hội, tổ chức này cũng sẽ đại diện cho ngành nghề của họ để kết nối với các cơ quan Chính phủ liên quan.

Thứ hai là xây dựng các kỹ năng kỹ thuật số. Lực lượng lao động hiện tại và tương lai có thể được chia thành 3 nhóm: lao động đang có việc làm, những người mới đi làm, học sinh - sinh viên. Các doanh nghiệp nên đi đầu trong việc xác định các yêu cầu nâng cao trình độ của lực lượng lao động hiện tại và cung cấp cho họ cơ hội để được đào tạo. Đối với người mới đi làm, doanh nghiệp nên xác định yêu cầu cho Chính phủ để phát triển chương trình giảng dạy phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp. Đối với học sinh - sinh viên, trách nhiệm của Chính phủ là đảm bảo rằng hệ thống giáo dục cung cấp nền tảng giáo dục kỹ thuật số căn bản, giúp học sinh – sinh viên có được những kỹ năng cần thiết để đảm nhận được những công việc mới trong tương lai.

Tiếp đến, Việt Nam cần một kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng bài bản để tạo điều kiện cho CMCN 4.0. Kế hoạch này bao gồm việc xây dựng mạng lưới băng thông di động an toàn và ổn định để cung cấp internet cho tất cả các ngành nghề và cho toàn xã hội. Vai trò của doanh nghiệp là xác định các yêu cầu cơ sở hạ tầng và thực hiện nhiệm vụ truyền thông, trong khi vai trò của Chính phủ là xác định các chính sách và quy định để quản lý sự phát triển bền vững của cơ sở hạ tầng thông tin.

Cùng với đó là việc đảm bảo an ninh mạng và an toàn thông tin. Để thực hiện nhiệm vụ thiết yếu này, Chính phủ nên có các chính sách ưu đãi cho các nhà khai thác mạng di động để đẩy nhanh triển khai mạng 4G, mạng 5G và Internet vạn vật trên toàn quốc, đồng thời tuân thủ các giao thức và cơ chế an ninh mạng nghiêm ngặt, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Cuối cùng là xây dựng các trung tâm sáng tạo. Các trung tâm này nên được thành lập tại các địa phương có tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng tốt nhất. Các tiêu chí bao gồm: khả năng tiếp cận các kỹ năng cần thiết, hành lang quy định thuận lợi, cơ hội tiếp cận tài chính, khả năng bổ trợ giữa các ngành giống nhau. Tại các trung tâm sáng tạo này, Chính phủ có thể đưa ra các chính sách ưu đãi (như giảm thuế, miễn lệ phí thời gian thuê, trợ cấp của Chính phủ,…) cho các công ty trong nước và quốc tế trong các ngành công nghiệp then chốt (như CNTT, Truyền thông, Giao thông Vận tải, Sản xuất, Nông nghiệp, Năng lượng, Y tế, Giáo dục) để họ đầu tư vào các dự án sáng tạo và các sáng kiến góp phần tạo ra việc làm trong tương lai.

Cuộc CMCN 4.0 về bản chất là một quá trình tiến hóa dần dần chứ không phải là một sự thay đổi một sớm một chiều. Mỗi ngành nghề cũng sẽ có tiến độ khác nhau trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số này. Nếu biết khai thác hiệu quả những nguồn lực từ cả khu vực công và tư, Việt Nam có cơ hội vượt xa các thị trường khác, đảm bảo phát triển bao trùm, và tiến từ nền kinh tế có mức thu nhập trung bình sang thu nhập cao thông qua CMCN 4.0.

Cách mạng 4.0: Doanh nghiệp lo ngại nhất rào cản chất lượng nguồn nhân lực
Cuộc khảo sát hơn 200 lãnh đạo doanh nghiệp, giám đốc nhân sự đang cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực đang là rào cản khó vượt qua nhất trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư