Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 05 tháng 08 năm 2024,
Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn
D.Ngân - 02/08/2024 21:48
 
Lĩnh vực vi mạch bán dẫn đang giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới trong bối cảnh nhân loại bước sang giai đoạn bùng nổ công nghệ thông tin như vũ bão hiện nay.

Đại sứ Hoa Kỳ - Ngài Marc Evans Knapper đã tới thăm, làm việc với Trường Đại học Phenikaa trong chuyến công tác của ông tại Việt Nam ngày 2/8.

Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã trải qua một hành trình đáng chú ý từ khi bình thường hóa vào năm 1995. Trong gần ba thập kỷ, hai nước đã không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ song phương, từng bước vượt qua những khác biệt để trở thành đối tác toàn diện trong nhiều lĩnh vực, đánh dấu bằng việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023.  

Đoàn Đại sứ quán Hoa Kỳ và ban lãnh đạo Đại học Phenikaa tại buổi làm việc.

Trong dòng chảy mối quan hệ chiến lược này, giáo dục đào tạo là một trong những trọng tâm giữa hai quốc gia. Tính đến cuối năm 2023, Việt Nam đã có khoảng 50 chương trình liên kết đào tạo với Hoa Kỳ. Việt Nam hiện đang đứng đầu trong số các nước ASEAN và đứng thứ 8 trên thế giới về số lượng lưu học sinh học tập tại Hoa Kỳ. 

Chính phủ Hoa Kỳ có khoảng 30 chương trình trao đổi học tập với Việt Nam. Hợp tác hai bên không chỉ dừng lại ở tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ học tập. Thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Hoa Kỳ còn triển khai nhiều chương trình hỗ trợ và phát triển giáo dục Việt Nam.  

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc, Ngài Marc Evans Knapper đã thăm quan cơ sở vật chất, Trung tâm Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học y sinh của Trường Đại học Phenikaa. 

Trường Đại học Phenikaa hợp tác đa phương diện với các tổ chức/doanh nghiệp Hoa Kỳ. Trong những năm gần đây, Trường Đại học Phenikaa đang dần khẳng định vị thế của mình trên bản đồ giáo dục trong nước và quốc tế với những đóng góp tích cực vào sự phát triển của giáo dục và nghiên cứu khoa học công nghệ.

Đặc biệt, sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác Hoa Kỳ đã mang lại những thành quả đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu của Trường.

Chẳng hạn, về nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học của Phenikaa đã phối kết hợp với các nhà khoa học của hai trường đại học là Đại học Georgia và Đại học Nam Florida để đưa ra công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học uy tín thế giới như: Advanced Optical Materials, Material Horizons, Scientific report... 

Một trong những lĩnh vực được coi là thế mạnh của Phenikaa là Dự án Bệnh viện Đại học Phenikaa với hệ thống trang bị các thiết bị, máy móc hiện đại từ các nhà sản xuất Hoa Kỳ, tổng kinh phí hơn 6 triệu USD.  

Năm 2022 - 2023, Tổ chức Seeding Lab đã tài trợ 500.000 USD bằng hiện vật (gần 200 thiết bị) để xây dựng Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Y sinh. Hiện các thiết bị hiện nay đang được sử dụng để nghiên cứu và đào tạo. 

Trong khối ngành Khoa học Sức khỏe, năm 2023, Trường Đại học Phenikaa đã ký Biên bản thỏa thuận hợp tác với Đại học Bang Michigan (MSU).

Với lĩnh vực vi mạch bán dẫn, đây được xem là nền tảng của tính toán hiện đại, giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh thế giới bước sang giai đoạn bùng nổ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data)...

Việt Nam có triển vọng lớn để trở thành một trung tâm bán dẫn mới của thế giới khi: có nguồn nhân lực phù hợp, với đội ngũ nhân sự trẻ có năng lực về khoa học và toán học; các công ty công nghệ trong nước ngày càng lớn mạnh, các Tập đoàn lớn quốc tế dịch chuyển sản xuất về Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực ở những khâu giá trị cao và nắm bắt công nghệ mới; Chính phủ có quyết sách phát triển ngành. 

Với những đặc thù yêu cầu cao về tính chính xác và chất lượng sản phẩm, năng suất và trình độ lao động… của ngành, đào tạo nhân lực ngành Vi mạch bán dẫn không thể chỉ dừng lại ở chương trình cơ bản bậc đào tạo đại học, mà cần nhiều nỗ lực triển khai các trình độ cao hơn.  

Tháng 5 vừa qua, Liên minh đào tạo nhân lực và nghiên cứu bán dẫn (VASA) được thành lập bởi Trường Đại học Phenikaa (đại diện bởi Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn) và Thành phố Đà Nẵng (đại diện bởi Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo thiết kế Vi mạch và AI), theo hình thức đối tác công - tư.

Đồng thời, Trường cũng ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác với Đại học Bang Arizona - trường đào tạo về ngành chip bán dẫn lớn nhất trên thế giới, để xây dựng các chương trình đào tạo, tận dụng các nguồn lực mà Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam để triển khai các chương trình đào tạo. 

Trường Đại học Bang Arizona đồng ý hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn (thiết kế mạch tích hợp IC, ATP), Kỹ thuật hàng không, Kỹ thuật năng lượng sạch; đồng thời sẽ hợp tác với Trung tâm Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn tổ chức các khóa đào tạo về bán dẫn cho giảng viên (thiết kết IC nâng cao, ATP), và thúc đẩy phối hợp đào tạo sau đại học. 

Đặc biệt, Phenikaa còn ký kết với Synopsys - là một công ty tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), cung cấp các công cụ và dịch vụ cho ngành sản xuất và thiết kế chất bán dẫn.

Các sản phẩm bao gồm các công cụ tổng hợp logic và thiết kế vật lý của mạch tích hợp, trình mô phỏng để phát triển và môi trường gỡ lỗi hỗ trợ thiết kế logic cho chip và hệ thống máy tính. 

Chia sẻ về mối quan hệ hợp tác này, Ngài Marc Evans Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết ông rất vui mừng khi Phenikaa đã có những bước tiến trong quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, điển hình như Synopsys.

Những mô hình hợp tác và đối tác mang tính chiến lược này sẽ mở đường cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Điều này không chỉ giúp hai nước củng cố mối quan hệ kinh tế, mà còn giúp đa dạng hóa và củng cố chuỗi cung ứng, nhằm đảm bảo rằng Việt Nam là một trung tâm quan trọng về sản xuất bán dẫn và các sản phẩm công nghệ cao khác. Đồng thời, đảm bảo rằng hai quốc gia đều hướng tới tương lai thịnh vượng, hòa bình và ổn định”. 

Với sự đầu tư nghiêm túc, bài bản cho đào tạo chuyên ngành vi mạch, mục tiêu của Tập đoàn Phenikaa và Trường Đại học Phenikaa không chỉ là tham gia giải bài toán thiếu nhân lực bán dẫn trong nước mà hướng tới chuẩn mực quốc tế, để các học viên sẵn sàng tham gia thị trường toàn cầu.  

Chuyến thăm của Ngài Đại sứ Hoa Kỳ không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia mà còn là cơ hội để củng cố và mở rộng những nỗ lực chung trong lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn. 

Năm học 2024 - 2025, Trường Đại học Phenikaa công bố tuyển sinh mới 2 chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn gồm: Thiết kế vi mạch bán dẫn, Chip bán dẫn và công nghệ đóng gói.

Sinh viên theo học các chương trình này sẽ được trang bị kiến thức cơ sở cốt lõi và chuyên sâu về thiết kế mạch tương tự, mạch số và mạch hỗn hợp; thực hành đóng gói và kiểm chuẩn chip tại các phòng thí nghiệm của Trường; được giới thiệu thực tập tại các tập đoàn đóng gói và kiểm chuẩn chip hàng đầu tại Việt Nam.

Các học phần về thiết kế chip bán dẫn được xây dựng trên cơ sở hệ thống bài giảng của Synopsys, sử dụng hệ thống siêu máy tính và phần mềm thiết kế chip hiện đại của Synopsys.

Các học phần về đóng gói và kiểm chuẩn chip bán dẫn được thiết kế trên cơ sở tham khảo và đối sánh với các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới như chương trình của Arizona State University, Purdue University (Hoa Kỳ), Chip Integration Technology Center (Hà Lan)…
Việt Nam và Ấn Độ mở rộng hợp tác lĩnh vực công nghệ lõi, chip bán dẫn, AI
Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Phạm Minh Chính khuyến khích các tập đoàn lớn, tỷ phú công nghệ của Ấn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư