Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 05 năm 2024,
Huyện Mê Linh đẩy mạnh sản xuất vùng nông nghiệp chuyên canh
Nguyễn Linh - 17/10/2023 16:08
 
Ðể công cuộc xây dựng nông thôn mới được hiệu quả và bền vững, huyện Mê Linh đã và đang chú trọng phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.

“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa"

Vốn có lợi thế về đất canh tác, hiện tại Huyện đã phát triển được nhiều mô hình và xây dựng thành công các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, với diện tích tự nhiên hơn 14.000 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm tới 8.000 ha, huyện Mê Linh đã và đang chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh cho nông sản trên thị trường.

Người dân huyện Mê Linh chia sẻ, những ngày này, trên vùng chuyên canh rau của thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, các hộ nông dân đang tất bật làm đất, xuống giống lứa rau mới để kịp phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Điển hình, bà Trần Thị Dần ở thôn Đông Cao cho biết, gia đình đang gieo trồng 1,5 mẫu rau cải chíp, cải ngồng, cải Đông Dư, củ cải... Tùy vào thời tiết và loại giống, sau khoảng 45 - 50 ngày, mỗi sào sẽ thu hoạch được 6 - 8 tạ rau. Với giá bán 5.000 - 6.000 đồng/kg, trừ các loại chi phí, gia đình bà Dần thu về từ 8 đến 12 triệu đồng/sào/lứa.

Về năng suất và chất lượng sản phẩm của một số hợp tác xã tại Huyện, ông Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao thông tin, hợp tác xã của ông có khoảng 800 hộ thành viên, sản xuất chuyên canh hơn 200 ha rau, củ, quả. Hiện nay, đa phần diện tích trồng rau của hợp tác xã sẽ sản xuất theo nhu cầu đặt hàng của thị trường, nên không còn tình trạng “khủng hoảng thừa rau, củ, quả” như trước đây. 

Mô hình trồng dưa vàng ứng dụng công nghệ cao tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh.

Đặc biệt, nhờ vào ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng cây trồng tăng cao. Trung bình mỗi năm, hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 40.000 tấn rau, củ, quả, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho mỗi hộ nông dân, thậm chí có hộ thu nhập hàng tỷ đồng từ cây rau…

Cũng sản xuất theo hướng chuyên canh, nông dân huyện Mê Linh tập trung trồng hoa các loại trên diện tích 236,5 ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng triệu cành hoa hồng, cúc, ly đem lại nguồn thu nhập cho người dân 450 - 650 triệu đồng/ha/năm…

Ngoài các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, trên địa bàn huyện Mê Linh còn phát triển được nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiêu biểu là mô hình trồng chuối tiêu hồng và chuối tây hồng quy mô 70 ha của ông Sái Công Triệu (xã Hoàng Kim), xuất khẩu sang Trung Quốc; mô hình trồng hoa ly chất lượng cao, diện tích khoảng 20 ha của gia đình ông Lê Văn Ngà (xã Tự Lập); mô hình trồng sen ướp trà, diện tích 50 ha của gia đình ông Lã Quang Khanh (xã Mê Linh)... 

Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao này đã đem lại nguồn thu nhập hàng chục tỷ đồng/mô hình/năm. Hiệu quả kinh tế từ các mô hình này đã, đang khẳng định được hướng đi đúng của ngành Nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mê Linh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Có thể thấy, huyện Mê Linh đã thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đảm bảo phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương. Đồng thời đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất, xây dựng các khu sản xuất chuyên canh tập trung, quy mô lớn theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng. 

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Huyện cũng duy trì và phát triển các chuỗi liên kết, các vùng sản xuất phát triển các sản phẩm sạch, an toàn có chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc.

Tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh

Ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết, để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, huyện đã làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất và chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo lợi thế thổ nhưỡng của từng địa phương. 

Trong đó, huyện đã phê duyệt quy hoạch 13 vùng sản xuất trọng điểm phát triển sản xuất nông nghiệp ở các xã; hình thành 135 vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, như: vùng sản xuất hoa, cây cảnh tại các xã Mê Linh, Văn Khê, Đại Thịnh, Tự Lập, có diện tích gần 1.000 ha; vùng sản xuất rau an toàn tại các xã Tráng Việt, Văn Khê, Tiền Phong, Tiến Thắng, có diện tích hơn 700 ha; vùng trồng chuối tiêu, chuối tây hồng tại các xã Hoàng Kim, Chu Phan, có diện tích gần 300 ha;...

Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cũng cho biết, thời gian tới, huyện Mê Linh tiếp tục chú trọng đầu tư, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, sản xuất theo hướng an toàn, VietGap,...

Đồng thời, các sản phẩm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường, qua đó duy trì và nhân rộng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp người dân yên tâm sản xuất. 

Về kế hoạch và nhiệm vụ sắp tới, Huyện đang chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Ngoài ra, tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn, làm tiền đề phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, tiến tới xây dựng "Kinh tế xanh - nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh".

Đền Hai Bà Trưng và hoa hồng: Hai "mũi nhọn" phát triển du lịch Mê Linh, Hà Nội
Sở hữu Khu di tích quốc gia đặc biệt Hai Bà Trương cùng nghề trồng hoa hồng nức tiếng, huyện Mê Linh (Hà Nội) đang đầu tư phát triển các sản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư