Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Huyện Thanh Oai, Hà Nội: Đưa khoa học kỹ thuật vào các làng nghề
Kiệt Vũ - 25/12/2018 19:22
 
Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các làng nghề truyền thống, huyện Thanh Oai, Hà Nội đang tiến vững chắc đến mục tiêu huyện nông thôn mới vào năm 2020.
TIN LIÊN QUAN

Nằm ở phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội, huyện Thanh Oai được biết đến là một vùng đất của những làng nghề cổ với nón lá làng Chuông, tương Cự Đà, giò chả Ước lễ, gạo Bồ nông Thanh Văn, mây tre đan làng Vác, nghề cơ khí ở làng Rùa, Đồ thờ Vũ Lăng... 

Ông Nguyễn Trọng Khiển, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Oai chia sẻ, cũng như nhiều huyện ngoại thành Hà Nội, từ năm 2012, Thanh Oai bước vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, các tiêu chí như đường giao thông nông thôn, trạm y tế, trường học, trụ sở ủy ban… tại nhiều xã cơ bản chưa đạt. 

Tuy nhiên, với sự tích cực vào cuộc của chính quyền và nhân dân, dự kiến hết năm 2018, huyện Thanh Oai có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 17/20 xã, đi cùng với đó sự thay đổi rõ nét trong đời sống người dân và diện mạo nông thôn.

Ông Khiển cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 12,5%, tổng giá trị sản xuất đạt 15.418 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước hơn 443,7 triệu đồng, đạt 135% kế hoạch Thành phố giao. Cơ cấu kinh tế huyện đang chuyển dịch theo hướng tích cực: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản 12%; công nghiệp - xây dựng 55,2%; thương mại, dịch vụ 32,8%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 40,8 triệu đồng/người/năm.

Trong sản xuất nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa được tích cực triển khai và phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiệu quả, bền vững. Đến nay, huyện đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh, hàng hóa có năng suất, chất lượng cao; chuyển dần vùng sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, rau an toàn và các cây trồng phù hợp khác, đưa sản xuất nông nghiệp tăng gấp 2 đến 3 lần so với trước đây.

Trên địa bàn huyện đã hình thành một số mô hình liên kết ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Có thể kể đến mô hình cây ăn quả áp dụng VietGAP tại xã Kim An; chuỗi trứng vịt Liên Châu thực hiện theo quy trình giám sát chăn nuôi bảo đảm an toàn, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, xử lý dịch bệnh; chuỗi thực phẩm an toàn với quy mô 4.000 con lợn được chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, liên kết bao tiêu sản phẩm do HTX Hoàng Long thực hiện tại xã Tân Ước... Chính sự đổi mới trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần tạo nên thành công trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Chia sẻ về nhiệm vụ năm 2018, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, ngoài việc phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, huyện tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai trồng và chăm sóc cây vụ Đông, gắn với phòng, chống dịch bệnh. “Đặc biệt, hướng tới mục tiêu năm 2020 sẽ có 100% các xã về đích nông thôn mới và đạt huyện nông thôn mới, huyện phải nỗ lực cải thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí, từ việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao, nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiệu quả, bền vững, đến tập trung đầu tư hạ tầng nông thôn, phát triển đồng bộ giáo dục… ”, ông Khiển nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư