Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 05 năm 2024,
Hy vọng nhiều ứng viên trẻ sẽ là đại biểu Quốc hội
Mạnh Bôn - 22/05/2016 07:36
 
Hôm nay, 22/5, cử tri cả nước đi bầu cử để lựa chọn ra 500 đại biểu Quốc hội khóa XIV trong số 870 ứng cử viên. Ông Trương Minh Hoàng, đại biểu, ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XIII, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV hy vọng sẽ có nhiều ứng viên trẻ được bầu vào cơ quan lập pháp.

Quốc hội khóa XIV dự kiến có 50 đại biểu trẻ (dưới 40 tuổi). Ông có cho rằng, số lượng đại biểu trẻ như vậy là quá ít?

Theo Nghị quyết 1135/2016/UBTVQH13 về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIV, cơ quan lập pháp khóa tới dự kiến có 50 đại biểu trẻ, tức là chiếm 10% tổng số đại biểu Quốc hội. So với các khóa trước đây, thì tỷ lệ đại biểu trẻ giảm. Cụ thể, tỷ lệ đại biểu trẻ ở khóa XIII đạt 12,4%, khóa XII đạt 13,79%, khóa XI đạt 11,24%...

Tuy nhiên, đây chỉ là con số dự kiến, còn số đại biểu Quốc hội cụ thể bao nhiêu do cử tri quyết định bằng lá phiếu của mình. Tôi tin rằng, cử tri sẽ sáng suốt lựa chọn được những người xứng đáng nhất, trong đó có các ứng viên trẻ làm đại diện cho mình ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Nếu số lượng ứng viên dưới 40 tuổi trúng cử đạt cao, thì tỷ lệ đại biểu trẻ trong Quốc hội khóa XIV có thể tăng lên.

.
Ông Trương Minh Hoàng, đại biểu, ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XIII, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV

Tuổi trẻ có nhiều lợi thế, nhưng hạn chế là thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức thực tế, vì vậy, tỷ lệ đại biểu Quốc hội trẻ chỉ nên để ở mức hợp lý. Ông có nghĩ như vậy?

Không có định lượng tỷ lệ đại biểu trẻ bao nhiêu là hợp lý, mà tất cả do cử tri quyết định. Ví dụ, tỷ lệ đại biểu trẻ ở Quốc hội khóa IV chiếm 19,5%, khóa V chiếm 33%, khóa VII chiếm 18,14%, nhưng khóa VI và khóa VIII chỉ chiếm 11,7% và 11,2%, song tất cả đều là hợp lý vì cử tri đã lựa chọn như vậy.

Tuổi trẻ đúng là hạn chế về kinh nghiệm sống, chưa trải nghiệm nhiều thực tế, nhưng có lợi thế là rất nhiệt huyết, mạnh mẽ, cầu tiến, đặc biệt là được đào tạo bài bản, có trình độ ngoại ngữ và tin học - những thứ vô cùng cần thiết trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập với thế giới trên tất cả các mặt trận từ ngoại giao, văn hóa… đến kinh tế, thương mại, đầu tư.

Đại biểu trẻ khóa XIII thường rất ít đóng góp ý kiến vào các vấn đề Quốc hội thảo luận, thưa ông?

Tham gia trực tiếp vào mọi hoạt động của Quốc hội khóa XIII, tôi thấy rằng, nhiều đại biểu Quốc hội mặc dù tuổi đời còn trẻ, nhưng đóng góp ý kiến tích cực, với lập luận sắc sảo, sâu sắc, bám sát cả thực tiễn cuộc sống lẫn lý thuyết mà họ được học vào rất nhiều vấn đề mà Quốc hội thảo luận, như các đại biểu Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Thành Tâm, Trần Khắc Tâm, Đinh Công Sỹ, Nguyễn Thái Học, Lê Công Đỉnh, Hồ Thị Cẩm Đào, Nguyễn Thị Bích Nhiệm…

Như vậy, đáng tiếc là, sau 5 năm, các đại biểu trẻ đã có kinh nghiệm làm việc lại hết tuổi để ứng cử Quốc hội khóa sau?

Nếu tất cả đại biểu trẻ ở những khóa trước có đóng góp nhất định cho cơ quan dân cử mà đều ra tranh cử và trúng cử ở khóa sau thì không bảo đảm tỷ lệ đại biểu trẻ trong các cơ quan dân cử. Vì lý do đó,  có một số đại biểu không ra tranh cử nữa, một số đại biểu ra tranh cử nhưng ở cơ cấu khác, thành phần khác như người ngoài đảng, đại biểu tái cử, đại biểu nữ giới, đại biểu các dân tộc thiểu số…

Quốc hội chính là trường học tổng hợp, sau 5 năm làm đại biểu, từng thành viên thực hiện rất nhiều công việc như tham gia đóng góp ý kiến, chất vấn, hội thảo, hội nghị, thực hiện giám sát chuyên đề, đi thực tế, tiếp xúc cử tri…

Đại biểu Quốc hội đã được rèn luyện bản lĩnh, trải nghiệm thực tế cuộc sống, tích lũy kinh nghiệm, thông tin, trí tuệ, nên sau khi không tham gia Quốc hội nữa, họ đã trưởng thành rất nhiều khi trở về làm công việc chuyên môn, nghiên cứu, kinh doanh.

Tôi cho rằng, không cứ gì Quốc hội, mà ở đâu cũng cần những người có bản lĩnh, trình độ, chuyên môn, kinh nghiệm, đạo đức, nên không có gì đáng tiếc nếu những đại biểu hết cơ cấu trẻ không còn tham Quốc hội khóa sau, vì họ vẫn tiếp tục đóng góp trí tuệ, tâm huyết cho xã hội.

Đã từng có 5 năm tham gia nghị trường, ông có chia sẻ gì với ứng viên Quốc hội khóa XIV?

Với 5 năm làm việc ở cơ quan lập pháp, tôi muốn nói thêm rằng, để trở thành đại diện cho cử tri ở cơ quan dân cử, dù đó là cơ quan lập pháp hay HĐND các cấp, thì tất cả ứng viên không phân biệt cơ cấu, thành phần, lứa tuổi, công việc, trình độ… đều phải đi sâu, đi sát với đời sống thực tế, với hoạt động sản xuất - kinh doanh, gần gũi với người dân, đặc biệt là những người dân bình thường, những người yếu thế trong xã hội, để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cử tri nơi bầu mình.

Là đại diện cho người dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại biểu phải coi người dân là bạn, là người thầy của mình, lắng nghe, chia sẻ ý kiến của người dân, từ đó mới có  những đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành nhằm đưa ra các giải pháp, chính sách phù hợp với thực tế.

Đại biểu Dương Trung Quốc: “Quốc hội là trường đại học lớn”
Gần 1 năm sau ngày đất nước thu về một dải, ngày 25/4/1976, hơn 23 triệu cử tri (chiếm 98,8%) đã đi bầu ra Quốc hội thống nhất đầu tiên (khóa VI)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư