Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
IMF: Châu Á cần tăng lãi suất thêm nếu lạm phát lõi vẫn cao
Đông Phong - 21/02/2023 10:38
 
Các ngân hàng trung ương ở châu Á có thể phải tăng lãi suất cao hơn nữa nếu lạm phát lõi không có dấu hiệu "hạ nhiệt" rõ rệt, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến cáo.
Bên ngoài trụ sở ngân hàng Trung ương Nhật Bản tại Tokyo. Ảnh: AFP
Bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tại Tokyo. Ảnh: AFP

Trong bài viết trên blog đăng tải ngày 21/2, ba chuyên gia của IMF, gồm: Krishna Srinivasan, Thomas Helbling và Shanaka J. Peiris, cùng khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách ở châu Á cần "cảnh giác" trước tình hình lạm phát toàn phần đang chậm lại, bởi thước đo lạm phát lõi (không bao gồm các mặt hàng tạm tính và biến động mạnh) - vẫn cao hơn mục tiêu đề ra.

Ba nhà phân tích của IMF nhận định châu Á đã được hưởng lợi từ sự phục hồi của đồng nội tệ và sự sụt giảm của chi phí vận chuyển và hàng hóa toàn cầu. Tuy nhiên, dữ liệu về hiệu ứng vòng hai (second-round effects) vẫn cho thấy những tác động trái chiều. Đồng thời, các nhà phân tích của IMF cho biết thêm rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng có thể khiến giá cả hàng hóa nóng lên.

"Điều này có nghĩa là các ngân hàng trung ương nên thận trọng bằng cách tái khẳng định cam kết ổn định giá cả. Thật vậy, họ có thể cần tăng lãi suất hơn nữa nếu lạm phát lõi không có dấu hiệu trở về mục tiêu một cách rõ ràng", IMF khuyến cáo.

Tổ chức này cũng lưu ý: "Đối với những rủi ro hai mặt từ lạm phát ở Nhật Bản, việc linh hoạt hơn trong lợi suất (trái phiếu - BTV) dài hạn sẽ giúp tránh được những thay đổi đột ngột sau đó".

Cảnh báo trên được đưa ra khi nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới quay lại lập trường "diều hâu" (tăng lãi suất mạnh mẽ - BTV) trong bối cảnh áp lực giá cả dai dẳng, khiến các cơ quan tiền tệ có thể phải tăng lãi suất.

Các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết các đợt tăng lãi suất lớn hơn đang được xem xét trở lại, do lạm phát đã tăng nóng hơn dự kiến. Trong khi đó, đầu tháng này Ngân hàng Trung ương Australia đã tăng chi phí lãi vay lên mức cao nhất trong 10 năm qua do lạm phát lập đỉnh 32 năm qua khi cán mốc 7,8% trong quý VI của năm tài chính 2022.

Tại quốc gia tỷ dân - Ấn Độ, những kêu gọi các nhà hoạch định chính sách thắt chặt chính sách đã được đưa ra sau khi lạm phát lõi trong tháng 1/2023 vẫn tiếp tục vượt mức 6% trong tháng thứ 16 liên tiếp.

Theo dự báo mới nhất của IMF, lạm phát gia tăng sẽ đe dọa đến 2023 - một năm đáng lẽ sẽ là một năm thay đổi đối với châu Á, với tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể đạt 4,7%, từ mức tăng trưởng 3,8% trong năm 2022.

"Điều này sẽ khiến châu Á trở thành khu vực năng động nhất trong các khu vực lớn trên thế giới và là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu đang chững lại", IMF kỳ vọng.

Kinh tế châu Á: Đô la Mỹ tăng giá còn đáng ngại hơn lạm phát
Đối với kinh tế châu Á, đô la Mỹ mạnh lên là điều còn đáng ngại hơn cả lạm phát, ông Taimur Baig, Giám đốc điều hành Ngân hàng DBS ở Singapore...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư