Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nền kinh tế châu Á sẽ định hình giai đoạn toàn cầu hóa tiếp theo
K.T - 16/12/2022 21:52
 
Ngày 16/12/2022, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức hội thảo quốc tế “Các vấn đề kinh tế đương đại tại các quốc gia châu Á” (CEIAC 2022).
Hội thảo quốc tế “Các vấn đề kinh tế đương đại tại các quốc gia châu Á”.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cho biết, châu Á là nền kinh tế khu vực lớn nhất thế giới và đang dần trở thành trung tâm của nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh ngày càng hội nhập, nền kinh tế châu Á có tiềm năng thúc đẩy và định hình giai đoạn toàn cầu hóa tiếp theo. Trong những năm gần đây, kinh tế thế giới và kinh tế châu Á nói riêng trải qua nhiều biến động do đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại và sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Do đó, hội thảo lần này do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với nhà xuất bản Springer Nature, Đại học Sungkyunkwan, Đại học Tamkang tổ chức, là cơ hội để các nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận về các nghiên cứu liên quan tới mọi mặt các vấn đề kinh tế Châu Á hiện nay cũng như các cơ hội và thách thức trong tương lai. Từ thực trạng đó, các chuyên gia sẽ bàn giải pháp tháo gỡ các rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế; cung cấp những luận cứ khoa học, các giải pháp chính sách, tài chính, kỹ thuật và xã hội hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại châu Á nói chung và đề xuất giải pháp cho các vấn đề phát triển bền vững kinh tế tại Việt Nam nói riêng.

Theo đánh giá các chuyên gia tại hội thảo, trong tương lai, châu Á sẽ đối mặt với 2 thách thức, đó là sự già hóa dân số và tốc độ tăng năng suất lao động giảm.

Với việc tốc độ già hóa đang tăng nhanh so với châu Âu và Hoa Kỳ, bên cạnh việc phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, các nước châu Á sẽ phải chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ y tế và an sinh xã hội. Đây là những yếu tố sẽ tạo áp lực lớn tới ngân sách và giảm tốc độ tăng trưởng. Dự báo trong vòng 3 thập kỷ tới, xu hướng này sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia như tại Châu Á giảm từ 0,5 - 1%.

Một mối lo khác là tình trạng giảm tốc độ tăng năng suất lao động, khi IMF nhận định khu vực châu Á đang dần không bắt kịp với năng suất lao động cao của các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, dẫn tới nguy cơ thụt lùi về tăng trưởng kinh tế.

Tại hội thảo, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã trao đổi, thảo luận về các nghiên cứu liên quan tới mọi mặt các vấn đề kinh tế Châu Á hiện nay.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã thảo luận những vấn đề có ý nghĩa lớn trong liên kết học thuật đa quốc gia. Trong đó có các vấn đề như Quá trình xây dựng, phát triển bộ chỉ số và quá trình khảo sát, tính toán chỉ số PAPI của Việt Nam; mở rộng giáo dục đại học và việc làm cho thanh niên; Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP): Thương mại và đầu tư tự do ở Đông Á theo một Quy tắc chung.

Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học cũng thảo luận, phân tích, chia sẻ các vấn đề về kinh tế và kinh doanh gồm thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, phát triển bền vững du lịch nông thôn, bảo vệ bản quyền âm nhạc trên internet, thực phẩm có nguồn gốc từ công nghệ chỉnh sửa bộ gien. Liên quan đến kinh tế xanh và phát triển bền vững, các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận về các chính sách và quy định của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính hướng tới nền kinh tế phát thải carbon thấp; Tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp; Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua sản phẩm xanh của người tiêu dùng tại Việt Nam; Thúc đẩy quan hệ đối tác công-tư trong giải quyết ô nhiễm không khí tại các đô thị ở Việt Nam; Chính sách tăng trưởng xanh tại Hàn Quốc.

Về Thương mại và đầu tư quốc tế, các chủ đề được giới chuyên gia tại hội thảo quan tâm là Nhập khẩu thủy sản của Việt Nam dưới tác động của Hiệp định thương mại tự do Vương quốc Anh - Việt Nam; Lợi ích kinh tế cho các cường quốc thông qua các thỏa thuận thương mại lớn; Mối quan hệ giữa tiêu thụ năng lượng và tăng trưởng kinh tế...

Già hóa dân số nhanh, nhu cầu phục hồi chức năng tại Việt Nam tăng cao
Theo các lãnh đạo bệnh viện, hiện nhu cầu thực hiện phục hồi chức năng tại Việt Nam hiện rất lớn, song nhân lực cho ngành còn khiêm tốn, chưa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư