Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 07 năm 2024,
IMF: Vốn chảy vào các thị trường mới nổi đã phục hồi về mức năm 2018
Đông Phong - 13/07/2024 21:18
 
Tổng nguồn vốn chảy vào các thị trường mới nổi (ngoại trừ Trung Quốc) đã tăng lên 110 tỷ USD vào năm 2023, tương đương 0,6% sản lượng của các nền kinh tế này, mức cao nhất kể từ năm 2018, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Logo bên ngoài tòa nhà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington, Mỹ. Ảnh: AFP
Logo bên ngoài tòa nhà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington, Mỹ. Ảnh: AFP

Thông tin trên là một phần nội dung của báo cáo thường niên "External Sector Report" được IMF công bố hôm 12/7. Theo báo cáo, dòng vốn và sự mất cân bằng tài chính cho thấy khả năng phục hồi nhất định của các thị trường mới nổi, bất chấp lãi suất tăng cao của Mỹ đã hút tiền đầu tư vào tài sản bằng đồng đô la Mỹ.

IMF cho biết các thị trường mới nổi đã chứng kiến sự suy giảm về các dòng vốn đầu tư ròng biến động, trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ròng lại ổn định hơn.

"Điều này một phần là do các yếu tố cơ bản mạnh mẽ hơn", IMF nhận định. "Thật vậy, nhiều quốc gia hiện đang được hưởng lợi từ các khuôn khổ chính sách tài chính, tiền tệ và tài chính mạnh mẽ hơn cũng như việc thực thi các chính sách và công cụ hiệu quả hơn".

Đồng thời, báo cáo của IMF cho biết Trung Quốc chứng kiến dòng vốn rút ròng trong giai đoạn 2022 - 2023, bao gồm cả dòng vốn FDI bị âm.

"Một số điều này có thể phản ánh việc các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận về nước. Nhưng nó cũng có thể phản ánh những kỳ vọng đang thay đổi về tăng trưởng của Trung Quốc và sự phân mảnh địa kinh tế", IMF nhận xét.

Nhìn chung, tổng dòng vốn chảy vào thị trường toàn cầu trong giai đoạn 2022 - 2023 đã giảm xuống còn bằng 4,4% GDP toàn cầu, tương đương 4,2 nghìn tỷ USD, từ mức 5,8% GDP toàn cầu (tương đương 4,5 nghìn tỷ USD) trong giai đoạn 2017-2019.

Cũng theo IMF, điều này phần nào phản ánh sự sụt giảm của dòng vốn, với việc nhà đầu tư nước ngoài mua ít tài sản ở các thị trường địa phương hơn và người dân ở các thị trường đó cũng mua ít tài sản ở nước ngoài hơn.

Thế nhưng, Mỹ có vẻ như được hưởng lợi mạnh mẽ từ những thay đổi này khi chiếm tới 41% tổng dòng vốn vào toàn cầu trong giai đoạn 2022 - 2023, gần gấp đôi tỷ trọng 23% trong giai đoạn 2017 - 2019. Tỷ trọng của tổng dòng vốn chảy ra toàn cầu của Mỹ trong kỳ 2022 - 2023 cũng tăng lên 21%, từ mức 14% trong giai đoạn 2017 - 2019. Điều này phản ánh sự phân mảnh tài chính ngày càng gia tăng, nhưng nó cũng có thể phản ánh nỗ lực của các tập đoàn đa quốc gia lớn đối với chiến lược thuế và pháp lý.

IMF cho biết, các nước nhập khẩu năng lượng phải chịu tác động bất lợi của những cú sốc tiêu cực về nguồn cung dầu, nhưng họ có thể áp dụng một số biện pháp chính sách để giảm bớt tác động này.

"Trong khi các quốc gia nhập khẩu năng lượng phải gánh chịu những cú sốc tiêu cực về nguồn cung dầu, những quốc gia này có thể sử dụng một số công cụ chính sách để giảm thiểu tác động bất lợi, bao gồm tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, nợ chính phủ thấp hơn và có bộ đệm bên ngoài mạnh mẽ hơn", IMF khuyến nghị trong báo cáo.

Cơ quan tiền tệ này lưu ý thêm rằng giá hàng hóa thấp hơn và sự đảo ngược liên quan đến thặng dư tài khoản vãng lai lớn ở các nước xuất khẩu hàng hóa đã góp phần đáng kể vào việc thu hẹp cán cân toàn cầu năm 2023.

Báo cáo của IMF cũng chỉ ra rằng tỷ giá hối đoái thực tế của đồng đô la Mỹ đã được định giá quá cao so với GDP của Mỹ ở mức trung bình 5,8% trong năm 2023. Trong khi đó, đồng euro bị định giá thấp 1,7%, đồng yên bị định giá cao tới 1,7%, còn đồng nhân dân tệ bị định giá cao 0,7%.

Thách thức với thị trường mới nổi nửa cuối năm 2024: Nội tệ mất giá, lạm phát đi lên
Thị trường mới nổi đối mặt rủi ro lạm phát gia tăng, trong khi chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế của Mỹ bắt đầu yếu đi, ảnh hưởng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư