Thứ Bảy, Ngày 26 tháng 04 năm 2025,
Katinat, Starbucks, KOI Thé, Cheese Coffee tạo sóng mùa lễ hội cuối năm
Anh Hoa - 05/12/2024 08:42
 
Cuộc đua ra mắt bộ sưu tập đồ uống phiên bản giới hạn mùa lễ hội cuối năm của các thương hiệu F&B (thực phẩm và đồ uống) đã khơi dậy hành vi sưu tầm, đặc biệt trong nhóm khách hàng trẻ.
Các thương hiệu F&B đang đua nhau ra mắt bộ sưu tập đồ uống phiên bản giới hạn
Các thương hiệu F&B đang đua nhau ra mắt bộ sưu tập đồ uống phiên bản giới hạn.

Nỗ lực duy trì vị thế

Như thường lệ, vào dịp mùa lễ hội cuối năm, các thương hiệu F&B lại tung ra bộ sưu tập đồ uống phiên bản giới hạn. Hàng loạt tên tuổi lớn như Katinat, Starbucks, KOI Thé hay Cheese Coffee đều tham gia vào cuộc đua sáng tạo những mẫu độc đáo để chinh phục người tiêu dùng. Những nỗ lực này không chỉ hứa hẹn mang lại sự bùng nổ doanh thu, mà còn tiếp tục định hình xu hướng tiêu dùng mùa cuối năm trong cộng đồng giới trẻ Việt.

Ngay từ đầu tháng 11 vừa qua, Starbucks ra mắt bộ sưu tập “Charcoal Grey Glittery” - các sản phẩm được chế tác từ thép không gỉ cao cấp, mang đến cảm giác sang trọng và cá tính. Những thiết kế này vừa bắt mắt, vừa khơi gợi cảm xúc sâu sắc về sự kết nối và di sản cà phê của thương hiệu.

Một “truyền thống” vào mùa lễ hội cuối năm, những chiếc ly giấy của Starbucks lại được khoác lên mình tấm áo mới với họa tiết độc đáo. Năm nay, Kristy Cameron, Giám đốc sáng tạo của Starbucks kết hợp thêm tông màu vui nhộn lấy cảm hứng từ kẹo đường fondant, bên cạnh sắc đỏ quen thuộc, tạo điểm nhấn bằng những họa tiết giáng sinh cổ điển, nhưng không kém phần sang trọng.

Trong khi đó, chuỗi đồ uống Katinat đang có lượng đơn đặt hàng tăng đột biến, được cho là bởi thương hiệu này vừa ra mắt phiên bản ly giới hạn cho mùa lễ hội 2024.

Theo số liệu từ Euromonitor, giá trị thị trường ngành F&B Việt Nam năm 2024 tăng khoảng 10,92% so với năm 2023. Ngành F&B phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2023 - 2027 là 10,25%, dự kiến đạt 872.916 tỷ đồng vào năm 2027.

Sự cuồng nhiệt của khách hàng dành cho ly hồng sapphire không chỉ phản ánh sức hấp dẫn của sản phẩm, mà còn là minh chứng cho chiến lược định vị thương hiệu của Katinat.

Việc gắn tên tuổi thương hiệu với các thiết kế phiên bản giới hạn đã khơi dậy hành vi sưu tầm, đặc biệt trong nhóm khách hàng trẻ. Những sản phẩm phiên bản giới hạn như ly hồng sapphire còn đóng vai trò như cơn sóng marketing, thúc đẩy sự tương tác xã hội và truyền thông lan tỏa. Nhiều người xếp hàng để săn lùng sản phẩm trong thời gian ngắn không chỉ giúp tăng doanh thu, mà còn tạo hiệu ứng FOMO (tâm lý sợ bị bỏ lỡ), khiến khách hàng luôn mong chờ những đợt phát hành kế tiếp.

Với Katinat, đây là bước đi chiến lược, không chỉ xây dựng phong cách thương hiệu riêng, mà còn định hình văn hóa sưu tầm trong cộng đồng người tiêu dùng trẻ tuổi.

Đón mùa lễ hội năm nay, KOI Thé - thương hiệu trà sữa đình đám từ Đài Loan cũng khiến người hâm mộ bất ngờ khi kết hợp cùng bộ truyện tranh huyền thoại Peanuts của Charles Schulz.

Điểm sáng của chiến dịch này là tạo hình của các nhân vật Peanuts vô cùng đáng yêu và ngộ nghĩnh. Hình ảnh Snoopy, Charlie Brown và các nhân vật khác trong trang phục lễ hội đã thổi hồn vào các sản phẩm của KOI Thé, biến mỗi món đồ uống thành một ký ức trở về tuổi thơ đầy hoài niệm.

Hợp tác với Peanuts là một bước đi thông minh của KOI Thé trong việc củng cố sự khác biệt trên thị trường trà sữa vốn đã bão hòa.

Nắm “thóp” gen Z

Thị trường F&B Việt Nam năm 2024 trong giai đoạn phân hóa mạnh. Các thương hiệu nội địa khá thành công trong việc tận dụng lợi thế bản địa và xu hướng tiêu dùng hiện đại. Trong khi đó, những thương hiệu quốc tế phải đối mặt với nhiều thách thức về giá cả và sự cạnh tranh. Việc nắm bắt đúng xu hướng tiêu dùng, đặc biệt là sản phẩm lành mạnh và thân thiện với môi trường, sẽ là yếu tố quyết định sự sống còn của các thương hiệu đồ uống trong tương lai.

Có thể thấy rõ, cuộc đua tung ra các bộ sưu tập mùa lễ hội cuối năm đều nhắm vào phân khúc giới trẻ, chủ yếu là gen Z.

Gen Z (sinh năm 1997-2012) nhanh chóng nổi lên như một lực lượng tiêu dùng quan trọng và đang định hình lại nhiều lĩnh vực trên thị trường, trong đó có ngành F&B. Gen Z với thói quen mới trong tiêu dùng của mình sẽ trở thành đối tượng mục tiêu với các thương hiệu thực phẩm và đồ uống trong những năm tới.

Theo giới phân tích, giá cả là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của gen Z, dù họ đạt tự do tài chính ngày càng sớm. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, thế hệ gen Z đang đạt được tự do tài chính ở độ tuổi trẻ hơn so với các thế hệ trước. Mặc dù độ tuổi đạt tự do tài chính ở gen Z ngày càng “trẻ hóa”, nhưng gen Z vẫn cho thấy sự thận trọng trong chi tiêu cho các sản phẩm thực phẩm và đồ uống.

Thế hệ gen Z quan tâm đến sức khỏe, tính bền vững, sự tiện lợi và tính chân thực. Những điều này đã biến họ thành nhóm đối tượng mục tiêu đầy thú vị, nhưng cũng vô cùng thách thức cho các thương hiệu thực phẩm và đồ uống.

Đối với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực F&B, việc nhận ra và thích ứng với xu hướng thực phẩm và đồ uống của thế hệ gen Z sẽ là bước ngoặt lớn trong đổi mới sản phẩm và các chiến lược tiếp thị.

Theo giới phân tích, trong năm 2025, gen Z sẽ ưa chuộng hương vị đa dạng từ các nền văn hóa khác nhau. Trong đó, matcha - một loại trà xanh xay mịn nguồn gốc từ Nhật Bản, có lẽ là ví dụ điển hình cho sự ưa chuộng các hương vị đa dạng từ nhiều nền văn hóa khác nhau của gen Z. Họ cũng ưu tiên tìm kiếm các loại đồ ăn nhanh, đóng gói sẵn, đồ uống bổ sung năng lượng và các loại thực phẩm đông lạnh …

Dù yêu thích sự tiện lợi, nhưng gen Z cũng đặc biệt chú trọng tới sức khỏe. Đây có lẽ là một thách thức với các thương hiệu khi phải nghiên cứu tạo ra sản phẩm tiện lợi, có thành phần tự nhiên, giá trị dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu về tính tiện lợi.

Bên cạnh đó, công nghệ giao đồ ăn, đặc biệt là các ứng dụng và các nền tảng khác, đã và đang thay đổi thói quen tiêu dùng của gen Z. Họ không chỉ mong muốn sự tiện lợi, mà còn đánh giá cao khả năng tiếp cận với dịch vụ F&B ngay tại nhà hoặc văn phòng một cách nhanh chóng - điều mà các mô hình truyền thống không đáp ứng được.

Đối với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực F&B, việc nhận ra và thích ứng với xu hướng F&B của thế hệ gen Z sẽ là bước ngoặt lớn trong đổi mới sản phẩm và các chiến lược tiếp thị.

Dậy sóng M&A trong ngành thực phẩm và đồ uống
Nhu cầu gọi vốn sôi động của giới khởi nghiệp, xu hướng sang nhượng để dựa hơi “ông lớn” cùng động thái sẵn sàng đổ vốn để mở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư