Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Kế hoạch kiểm toán 2017 có gì đáng chú ý?
Mạnh Bôn - 03/10/2016 07:51
 
Hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Kế hoạch kiểm toán năm 2017. “Năm 2017 - năm đầu tiên thực hiện Luật Ngân sách nhà nước 2015, hy vọng, các sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước sẽ không còn lặp đi, lặp lại”, TS. Bùi Đức Thụ, Phó trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội chia sẻ.

Năm nào Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm, vi phạm trong điều hành, quản lý, sử dụng tiền, tài sản nhà nước. Nhưng vấn đề là sai phạm, vi phạm năm nào cũng giống năm nào, thưa ông?

Đúng là có tình trạng này. Ngay như Báo cáo kiểm toán niên độ 2015 mới được KTNN trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ nhất, nhiều đại biểu Quốc hội nói rằng, các sai phạm, vi phạm nghe quen quen, giống các báo cáo trước đây. Đó là các sai phạm như tình trạng hạch toán thiếu doanh thu, xác định sai chi phí tính thuế, tính thiếu số thuế phải nộp… vẫn diễn ra phổ biến; nợ đọng thuế còn cao; hầu hết các bộ ngành, địa phương chi thường xuyên còn có tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, vượt dự toán được duyệt…

.
TS. Bùi Đức Thụ, Phó trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội 

Khi đọc qua, đúng là thấy quen quen, vì báo cáo kiểm toán dường như năm nào cũng na ná nhau, nhưng nghiên cứu kỹ thì thấy không hẳn như vậy vì những sai phạm, vi phạm kể trên năm trước diễn ra ở địa phương, bộ ngành này, đơn vị này, thì năm sau lại diễn ra ở bộ, ngành, địa phương, đơn vị khác. Năm trước khắc phục được sai phạm, vi phạm ở chỗ này, thì năm sau lại phát sinh sai phạm, vi phạm ở chỗ khác.

Có nghĩa là kỷ luật, kỷ cương tài chính vẫn chưa nghiêm mặc dù kỳ họp nào các đại biểu Quốc hội cũng nhắc đến?

“Kỷ luật, kỷ cương tài chính chưa nghiêm” có lẽ là một trong những cụm từ được đại biểu Quốc hội các khóa nhắc lại nhiều nhất. Tình trạng này có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

Nguyên nhân khách quan là hệ thống pháp luật của chúng ta chưa đầy đủ, chưa đồng bộ và liên tục sửa đổi, bổ sung, trong khi chế tài xử lý vi phạm, sai phạm chưa nghiêm và còn phụ thuộc vào điều kiện sản xuất, kinh doanh từng thời kỳ. Ví dụ, tình trạng nợ đọng thuế cao và tiếp tục gia tăng, ngoài nguyên nhân có một bộ phận doanh nghiệp cố tình chây ỳ, thì thực tế nợ đọng mấy năm vừa qua tăng cao là do hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, doanh nghiệp buộc phải nợ thuế.

Nguyên nhân chủ quan là không ít bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước chưa thực sự nghiêm túc, chế tài xử lý cũng chưa nghiêm, nên cơ quan, đơn vị, tổ chức vi phạm không sợ.

Luật Kiểm toán Nhà nước đã có hiệu lực từ năm nay, Luật Ngân sách nhà nước sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017, cùng với nhiều chế tài xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm, hy vọng công tác điều hành, quản lý, sử dụng tiền, tài sản nhà nước được thắt chặt.

Thiết lập kỷ luật, kỷ cương tài chính làm sao được, vì các vi phạm, sai phạm được các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chỉ ra vẫn còn chung chung, đại loại như “vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chưa chấp hành…”?

Nhiều người cho rằng, việc chỉ ra sai phạm, vi phạm rất chung chung, nên xử lý vi phạm, sai phạm chẳng khác gì “bắn vào không trung”. Tôi cho rằng, nhận xét này chưa thực sự khách quan. Cụ thể, báo cáo quyết toán năm 2014 vừa được Quốc hội phê chuẩn chỉ rõ từng địa chỉ vi phạm rất rõ ràng, như hoạt động giám sát doanh nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa đầy đủ, chậm so với quy định; công tác quản lý, sử dụng kinh phí Dự án Phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh và Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng kém hiệu quả, thiếu tính liên kết và bền vững; hoạt động cải tạo và phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường…

Địa chỉ vi phạm, sai phạm đã được chỉ ra, các chế tài xử lý, kể cả xử lý hình sự cũng đã có, hy vọng kỷ luật, kỷ cương tài chính sớm được thiết lập.

Nói thì dễ, nhưng thực hiện vô cùng khó. Có đại biểu Quốc hội khóa XIII khi thảo luận trên diễn đàn Quốc hội lúc nào cũng kêu gọi tiết kiệm chi, hạn chế đi nước ngoài, lễ tân, khánh thành, động thổ…, nhưng thực tế, vị này cũng có những chuyến đi nước ngoài không liên quan gì đến công việc?

Trước thực trạng thu không đủ chi, chi trả nợ hàng năm chiếm tới 25 - 27% tổng thu, trong nhiều năm gần đây, năm nào Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức phải triệt để tiết kiệm chi phí, nhất là đi nước ngoài học tập kinh nghiệm, công tác, nghiên cứu.

Tôi được biết, một số đại biểu Quốc hội đi nước ngoài không sử dụng ngân sách nhà nước, mà được doanh nghiệp, tổ chức mời tham gia đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm.

Tôi nhấn mạnh rằng, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có toàn quyền sử dụng, định đoạt tiền, tài sản của mình, nên họ cho ai, tặng ai, mời ai đi nước ngoài là quyền của họ, Nhà nước chỉ tuyên truyền, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phải tiết kiệm.

Nhưng cử tri chỉ biết, vị đại biểu Quốc hội này vừa kêu gọi mọi người tiết kiệm thì lại bị phát hiện là có đi nước ngoài với doanh nghiệp?

Phải khẳng định rằng, đại biểu Quốc hội hoặc cán bộ, công chức, viên chức nào đó được các cơ quan, tổ chức mời đi công tác nước ngoài mà không sử dụng ngân sách nhà nước và được đơn vị chủ quản đồng ý thì không vi phạm. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội phải hết sức cân nhắc trước khi nhận lời mời. Nếu việc tham gia đoàn công tác nước ngoài có thể học hỏi được kinh nghiệm thiết thực phục vụ trực tiếp công việc của mình thì đi, còn không thì nên từ chối để làm gương.

"Kiểm toán Nhà nước cần kiểm tra công trình đầu tư xây dựng BOT"
Quy định hiện tại về khung lợi nhuận cho nhà đầu tư các dự án BOT chưa có khiến các mức lợi nhuận dự án chỗ được 12%, có nơi lại lên tới...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư