Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kế hoạch phục hồi kinh tế cần được ban hành ngay trong năm nay
Nguyễn Lê - 21/10/2021 11:44
 
Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
.
Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại tổ - (Ảnh HD). 

Theo đại biểu Quốc hội, kế hoạch phục hồi kinh tế cần phải có thời hạn ban hành và nên ban hành ngay trong năm 2021.

Sáng 21/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV.

Ý kiến chung của nhiều đại biểu đều đánh giá cao báo cáo về kinh tế, xã hội của Chính phủ, thẳng thắn nhìn nhận hạn chế và đưa ra 12 nhóm giải pháp rất đầy đủ, toàn diện. Tuy nhiên, thực hiện thế nào cho hiệu quả các giải pháp đó thì đại biểu vẫn lo.

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì cả Quốc hội và Chính phủ thời gian vừa qua rất nỗ lực, có nhiều nghị quyết rất tốt như các nghị quyết số 105,128, 168... nhưng thực thi rất đáng quan tâm.

Đơn cử Nghị quyết số 105 có nhiều giải pháp giao cho bộ, ngành chức năng phải thực hiện trong tháng 9/2021, nhưng nếu những nơi này không thực hiện thì kết quả thực thi không có và niềm tin có thể bị xói mòn. Không phải vô cớ mà nhiều người nói muốn hưởng chính sách hỗ trợ thì lên báo đài, lên ti vi.

Trong số các giải pháp được cho là rất tốt, ông Hiếu có kể đến giải pháp cắt giảm phí công đoàn được Chính phủ yêu cầu. Và theo thông tin đáng tin cậy, giải pháp này đến ngày 21/10 chưa được thực hiện.

Nghị quyết của Chính phủ thì rất tốt, nhưng nếu chậm được thực thi thì thậm chí có tác dụng ngược, nên cần báo cáo rất đầy đủ, rất rõ ở đây, nếu không thì nỗ lực của cả Chính phủ và Quốc hội sớm ban hành ra các nghị quyết đó không còn ý nghĩa, ông Hiếu bày tỏ quan điểm.

Góp ý về giải pháp, ông Hiếu cho rằng rất đầy đủ, ông không thể nghĩ được thêm giải pháp nào nữa. Nhưng, một vấn đề theo ông cần đặc biệt quan tâm, được đề cập ngay nhiệm vụ, giải pháp thứ nhất tại báo cáo của Chính phủ. Đó là triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.  

Nhấn mạnh báo cáo của các Ủy ban của Quốc hội đều nói đến điều này, ông Hiếu cho rằng, chiến lược nói trên phải được ban sớm và phải có thời hạn. Nên ban hành trong năm 2021, bởi chiến lược này có hai ý nghĩa, phục hồi kinh tế là trực tiếp và ý nghĩa rất quan trọng là thể hiện cam kết rất cao với các nhà đầu tư để họ khôi phục kế hoạch kinh doanh.

Đây là việc rất khó nhưng có lẽ nên tính là chương trình này cũng có thể phải điều chỉnh, các nước khác thì kế hoạch tương tự họ cũng điều chỉnh hàng tháng hàng quý nên của ta cũng ban hành sớm và có thể điều chỉnh để thích ứng, ông Hiếu góp ý.

Đồng tình với đại biểu Hiếu, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, với 12 giải pháp được nêu tại báo cáo của Chính phủ thì để nghĩ thêm giải pháp bổ sung rất khó. Nhưng cụ thể hoá 12 giải pháp đó là cả vấn đề, nếu không cụ thể hoá thì các quyết tâm thể hiện qua nghị qyết chỉ là trên giấy, bà Hoa nhấn mạnh.

Góp ý về đầu tư công, đại biểu Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằn,g nếu chậm giải ngân 1.000 tỷ đồng trong một ngày thì có thể lãng phí hàng trăm triệu, nên tới đây cần có giải pháp để tiết kiệm những lãng phí vô hình, phải có kịch bản linh hoạt để thích ứng, đừng để đến khi có dịch mới giật mình.

Cùng tổ thảo luận, đại biểu Phan Đức Hiếu hỏi đại biểu Lê Minh Nam: Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế chắc chắn sẽ làm, nhưng dự toán ngân sách năm 2022 chưa nhìn thấy có 1 dòng ngân sách nào cho gói này, như các nước thì họ đều tính theo GDP, ở nước ta ví dụ từ 2-3% GDP, nếu không dự toán sau này không biết đi tìm nguồn ở đâu.

Trả lời, đại biểu Lê Minh Nam nói số liệu đại biểu Hiếu hỏi thì chưa cung cấp được, hiện có nhiều cuộc họp để thảo luận về các gói hỗ trợ sẽ được Chính phủ xem xét đề xuất. Về phía Quốc hội thì đã tham vấn ý kiến chuyên gia để đồng hành với Chính phủ, Quan trọng là sử dụng chính sách tài khoá và tiền tệ như thế nào cho hiệu quả. Trả lời được ngay thì khó, ông Nam nhấn mạnh.

Cũng góp ý về giải pháp, đại biểu Lê Tiến Châu, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng cần nhấn mạnh thêm gói dành hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Ông Châu cho biết, vừa rồi, Mặt trận có toạ đàm, các chuyên gia nói là gói này cần đủ lớn. Bày tỏ nhất trí rất là cao cần có gói này nhưng để hỗ trợ cho đúng ông Châu đề xuất là cần tập trung vào đảm bảo an toàn cho sản xuất kinh doanh, dành dư địa cho doanh nghiệp đầu tư cho an toàn sản xuất, đặc biệt là cho công nhân.

Người dân đã về quê quay lại nhà máy không phải dễ đâu, không gian sống rất là khó khăn, nên hỗ trợ phải vừa tiết kiệm vừa đúng vừa trúng, đại biểu góp ý.

Bên cạnh phục hồi kinh tế, nhiều đại biểu cho rằng cần quan tâm đánh giá sâu sắc các vấn đề xã hội để có giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Chính thức ban hành nghị quyết miễn, giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư