Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chính là “cây gậy” để kiểm soát quyền lực
Nguyễn Lê - 04/08/2023 16:58
 
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tham vấn ý kiến Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ sáu vào cuối năm nay.
.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Lê Minh Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh Ngọc Thắng.

Cho rằng, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chính là “cây gậy” để kiểm soát quyền lực đã được phân cấp, phân quyền cho địa phương trong thu hồi đất, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Lê Minh Ngân không đồng ý bỏ kế hoạch này.

Sáng 4/8, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp tham vấn ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ sáu.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội ở Kỳ họp thứ năm và ý kiến thẩm tra, Dự thảo mới nhất (phiên bản ngày 1/8/2023) đã lược bỏ những chỉ tiêu sử dụng đất không phù hợp với mục tiêu quản lý cấp quốc gia, bảo đảm tính khả khi, tránh vướng mắc, phải điều chỉnh nhiều lần trong quá trình thực hiện.

Theo đó, các chỉ tiêu sử dụng đất cần phân bổ, quản lý ở cấp quốc gia bao gồm: nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng. Trong đó, xác định diện tích một số loại đất gồm đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất quốc phòng, đất an ninh nhằm phục vụ cho mục đích quản lý bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh.

Đối với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện cũng đã chỉnh sửa bước đầu, tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục rà soát để lược bỏ chỉ tiêu không cần thiết, không phù hợp; tránh việc ban hành nhiều chỉ tiêu không hợp lý tại nội dung quy hoạch, gây khó khăn trong việc quản lý, đầu tư phát triển của các địa phương.

Theo cơ quan thẩm tra, một số chỉ tiêu quy định tại dự thảo luật về quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, huyện hiện nay như đất ở nông thôn, đất ở đô thị, đất công trình giao thông, đất công trình công cộng, đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản, đất xây dựng công trình ngầm trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm, đất chăn nuôi tập trung, đất phục vụ cho hoạt động khoáng sản… vẫn còn chưa hợp lý.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung nguyên tắc thực hiện đối với các chỉ tiêu sử dụng đất để tránh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Về kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, cơ quạn thẩm tra nêu rõ, thực tế hiện nay, kế hoạch sử dụng đất được quy định là căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất.

Về bản chất chất kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là việc kế thừa, tổng hợp các các công trình, dự án đã có chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, thực tế kế hoạch sử dụng đất thường được ban hành chậm so với quy định, dẫn đến không có căn cứ thu hồi đất làm chậm tiến độ hoàn thành dự án. Do đó, dự thảo sẽ tiếp tục được rà soát để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua.

Phát biểu cuối phiên họp, đại diện Ban soạn thảo, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nói, bản chất của quy hoạch đất đai là quản lý việc chuyển từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Khi xây dựng quy định này tại Dự thảo, ngoài đất nông nghiệp, đất quốc phòng, an ninh, thì ban đầu dự kiến đưa cả về đất ở vào chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia, song cũng có những “cái trăn trở”, ông Ngân cho biết.

Thứ trưởng Ngân cũng dẫn  số liệu hiện nay, cả nước có 740.000 ha đất ở. “Nếu tính trên 100 triệu dân thì mỗi người có khoảng 74 m2 đất ở. Như vậy, thực tế bất động sản vừa rồi không phải thiếu cung. Báo cáo các đồng chí như thế”, ông Ngân phát biểu.

Vẫn theo Thứ trưởng Ngân, bình quân diện tích nhà ở của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 20 m2, mục tiêu phấn đấu tới năm 2030 mới đạt 25 - 30 m2 mỗi người.

Ông Ngân nhận định, vừa qua, bất động sản trầm lắng là quy luật của kinh tế thị trường do chúng ta đầu tư nhiều tới mức cung vượt quá cầu. Cái cầu thời gian vừa qua là cầu đầu cơ chứ không phải cầu để người dân có đất xây dựng nhà ở.

Bởi vậy, nếu quy định chỉ tiêu đất ở vào quy hoạch quản lý ở cấp quốc gia thì sẽ ách tắc thêm cho bất động sản.

“Chỗ này, chúng tôi cũng thống nhất với Ủy ban Kinh tế là giao cho các địa phương”, ông Ngân nêu quan điểm của quan soạn thảo.

Ông Ngân cũng không đồng ý với nhiều kiến nghị đề xuất bỏ quy định về kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Dù từ năm 2000 tới nay, nhiều cán bộ trong ngành, nhất là các giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường  lúc nào cũng đề xuất bỏ kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chính là “cây gậy” để kiểm soát quyền lực đã được phân cấp, phân quyền cho địa phương trong thu hồi đất.

Sau nhận định trên, ông Ngân nói: “Không có kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì anh muốn lấy chỗ nào thì lấy, người dân rất bị động. Mà cái đó rất tùy tiện cho quan chức”.

Theo Thứ trưởng, nếu làm chậm thì phải đẩy nhanh tiến độ, thay đổi thủ tục chứ không nên vì thế mà đề nghị bỏ “cái đã đi cùng năm tháng”, ở lần sửa đổi này.

Giải bài toán chênh lệch địa tô khi thu hồi đất làm hạ tầng
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, để hoàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư