Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
"Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 được chuẩn bị công phu, nghiêm túc"
Hữu Tuấn - 20/10/2016 15:59
 
Chiều 20/10, ngay sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Theo Báo cáo, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế nhất trí với đánh giá của Chính phủ trong Đề án về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế về 05 kết quả đạt được, 06 hạn chế trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015. Kinh tế vĩ mô ổn định, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,9% lên 82,6%, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 20,1% xuống 17,4%.

Quá trình cơ cấu lại đã bước đầu nâng cao kỷ cương trong đầu tư công; hệ thống các tổ chức tín dụng được giám sát chặt chẽ hơn và có một số biện pháp để xử lý các tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém, khoanh vùng nợ xấu; thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được hoàn thiện; cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã được triển khai thực hiện; tái cơ cấu công nghiệp, dịch vụ đang được triển khai từng bước.

Ông Vũ Hồng
Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020

Tuy nhiên, kết quả tái cơ cấu nền kinh tế chưa thực sự rõ nét, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; chưa làm rõ mô hình tăng trưởng, phương thức phân bổ nguồn lực xã hội về cơ bản chưa thay đổi. Tái cơ cấu vẫn chưa được quán triệt, triển khai sâu rộng ở các bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Mục tiêu “đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế” theo Nghị quyết số 86/2014/QH13 của Quốc hội chưa hoàn thành. Đặc biệt, các vấn đề tồn đọng trong quá trình tái cơ cấu giai đoạn vừa qua còn nhiều, những vấn đề mấu chốt trong từng trọng tâm tái cơ cấu vẫn chưa được tháo gỡ, tiếp tục là những yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

UBKT "nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020".

Về Kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020, ý kiến chung trong UBKT đánh giá cao việc chuẩn bị Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, báo cáo của Chính phủ được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bao gồm quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ. Có ý kiến đề nghị thay đổi bố cục cần nêu quan điểm trước, sau đó mới đến các nội dung khác. Một số ý kiến cho rằng Đề án cần bổ sung các phân tích mặt được, chưa được, tác động cụ thể, mức độ rủi ro, tính khả thi và nguồn lực để thực hiện ba kịch bản tái cơ cấu được nêu trong Đề án, trong đó nhấn mạnh vấn đề huy động nguồn lực xã hội nhất là từ khu vực tư nhân trong các nội dung của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Đề xuất cho các chỉ tiêu cụ thể!

Về các chỉ tiêu của Kế hoạch, có 2 luồng ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với quan điểm của Chính phủ là bên cạnh các chỉ tiêu cho phát triển kinh tế-xã hội, cần bổ sung một số chỉ tiêu khác để nâng cao hiệu quả của quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng không cần thiết phải đề ra các chỉ tiêu cụ thể trong Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, mà căn cứ trực tiếp vào các chỉ tiêu cụ thể trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Ủy ban Kinh tế cho rằng bên cạnh các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã được Quốc hội quyết định trong Nghị quyết 5 năm, việc lượng hóa thêm một số chỉ tiêu phản ánh nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế là cần thiết, vừa thuận tiện trong triển khai thực hiện, vừa giúp việc đánh giá kết quả được sát thực hơn. Đây cũng là yêu cầu đặt ra đối với mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế được nêu trong Nghị quyết số 86/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị không lặp lại các chỉ tiêu đã có, chỉ đề xuất các chỉ tiêu mới hoặc được điều chỉnh theo hướng tích cực hơn so với các chỉ tiêu đã được Quốc hội quyết định.

Đối chiếu với hệ thống các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Chính phủ đề xuất điều chỉnh 01 chỉ tiêu (chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,5-6%/năm trong khi chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội là 5%/năm) và bổ sung một số chỉ tiêu định lượng. Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ cơ sở xây dựng và tính khả thi của các chỉ tiêu mới được đề xuất, cụ thể:

Về chỉ tiêu tăng năng suất lao động tăng từ 0,5-1%/năm so mức Quốc hội đã quyết định trong khi mục tiêu GDP bình quân 5 năm vẫn giữ nguyên là 6,5-7%/năm. Đồng thời, đề nghị làm rõ hơn các giải pháp khả thi để tăng năng suất lao động, đặc biệt là tăng năng suất nội ngành.  

UBKT cũng đề nghị phân tích rõ cơ sở tính toán chỉ tiêu tỷ trọng đầu tư nhà nước khoảng 31-34% tổng đầu tư xã hội (theo thống kê, tỷ trọng này ước thực hiện năm 2016 là 36%, kế hoạch năm 2017 giảm xuống còn 34,2%) trong bối ngân sách nhà nước khó khăn, xu hướng giảm dần đầu tư từ ngân sách, là phù hợp nhưng mức giảm liệu có được bù đắp bởi việc tăng vốn từ khu vực tư nhân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn để vẫn đạt được mức tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị báo cáo rõ cơ sở đề xuất mục tiêu “dành 24-25% dự toán chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 cho đầu tư phát triển” trong bối cảnh tái cơ cấu đầu tư công, chuyển đổi mô hình tăng trường từ chiều rộng (tăng về lượng, phạm vi dàn trải nhiều lĩnh vực) sang kết hợp với chiều sâu (tăng về chất lượng, tập trung trọng điểm); việc tăng tỷ trọng dự toán chi ngân sách cho đầu tư phát triển cần gắn với các giải pháp để đầu tư trọng điểm, tăng cường hiệu quả, chất lượng đầu tư. Có ý kiến đề xuất tăng chi ngân sách cho đầu tư phát triển cần sử dụng để đầu tư mạnh cho các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm mà khó khăn trong huy động vốn của tư nhân nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Về việc đặt mục tiêu các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh xây dựng được thương hiệu trên trường quốc tế cần hướng tới vào các sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn, bền vững, có hàm lượng chế biến chế tạo cao thay vì đưa các nông sản xuất khẩu có sản lượng phụ thuộc vào thiên nhiên, giá cả không ổn định vào danh sách 10 sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như mục tiêu tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 như đề xuất của Chính phủ.

Một số chỉ tiêu được Chính phủ dự kiến trình trước đây như “cắt giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức chênh lệch hợp lý ở mức cụ thể là từ 2-3% so với mức lạm phát”, “dự trữ ngoại hối khoảng 4-5 tháng nhập khẩu”, Ủy ban Kinh tế cho rằng quy định cụ thể như vậy là khó khả thi, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Kinh tế và không thể hiện trong dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp này. Định hướng giảm lãi suất cho vay là cần thiết nhưng cần tuân thủ nguyên tắc thị trường, không nên có quyết định can thiệp hành chính, đề nghị cần có các giải pháp quyết liệt xử lý nợ xấu và tăng cường quản trị ngân hàng để các tổ chức tín dụng có thể giảm chi phí trong hoạt động, từ đó tác động giảm lãi suất cho vay.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ cơ sở xác định con số cụ thể đặt mục tiêu: tăng năng suất nội ngành đóng góp hơn 60% vào tăng trưởng năng suất lao động, hình thành ít nhất 2 khu hành chính-kinh tế đặc biệt, danh mục ngành, sản phẩm ưu tiên (11 sản phẩm nông nghiệp, 07 dịch vụ ưu tiên, 13 ngành công nghiệp)… Một số chỉ tiêu được đề xuất còn chung chung, cần cân nhắc lượng hóa về chỉ tiêu và có mốc thời gian hoàn thành nếu xác định đây là các chỉ tiêu cụ thể, gồm: gia tăng tỷ trọng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ, nâng dần tỷ trọng chi của doanh nghiệp trong tổng chi cho nghiên cứu và triển khai (R&D); thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước ASEAN-4; nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận của các nước ASEAN-4 theo đánh giá, phân loại của tổ chức quốc tế.

Có ý kiến đề nghị cần tiếp cận một số chỉ tiêu theo hướng mạnh dạn đặt mục tiêu là Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu trong ASEAN (ASEAN-4), thay vì cách thể hiện “thu hẹp khoảng cách” và “tiếp cận” nhóm ASEAN-4, đề nghị Chính phủ xem xét ý kiến này để bảo đảm các chỉ tiêu dễ xác định, nhận biết và đánh giá thực hiện.   

 Các kịch bản tái cơ cấu nền kinh tế

Theo 3 kịch bản tái cơ cấu, kịch bản 1 có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất (7,01%/năm), kịch bản 2 là 6,86%/năm và kịch bản cơ sở là 6,55%/năm; lạm phát bình quân hàng năm tương ứng với 3 kịch bản này là 3,5%; 4,5% và 5%. Trong nội dung Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Chính phủ tiếp cận các mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế “theo kịch bản 2 (đẩy nhanh tái cơ cấu), tuy nhiên có tiếp cận kịch bản 1 (tái cơ cấu quyết liệt) ở những nội dung tái cơ cấu có khả năng đẩy nhanh tốc độ”.

Đối chiếu với chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, mức tăng trưởng kinh tế trong cả ba kịch bản đều phù hợp với mục tiêu mà Quốc hội đề ra (6,5-7%/năm) nhưng chỉ có kịch bản 1 có mức lạm phát đáp ứng được yêu cầu trong Kế hoạch (“phấn đấu kiểm soát lạm phát dưới 4% các năm đầu kỳ kế hoạch và 3% vào năm 2020”, nên lạm phát bình quân hàng năm sẽ trong khoảng 3-4%). Bên cạnh đó, trong khi tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đối với tăng trưởng của kịch bản 1 (32,38%) và kịch bản 2 (30,9%) đều đáp ứng mục tiêu đề ra (30-35%) thì chỉ có kịch bản 1 có mức bội chi ngân sách trung bình khoảng 4% (kịch bản 2 là quá cao, 4,89%) nhưng phản ánh rõ dự báo năm 2020 vì mục tiêu đề ra là “bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 dưới 4% GDP”.

Do vậy, việc tiếp cận chủ yếu theo kịch bản 2 và có tiếp cận kịch bản 1 ở một số nội dung tái cơ cấu kinh tế như đề xuất của Chính phủ chưa bảo đảm tính thuyết phục để đạt được các mục tiêu kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020. Đề nghị phân tích và lựa chọn kịch bản phù hợp; báo cáo rõ sự kết hợp giữa các mục tiêu cụ thể nào nếu có sự kết hợp, đan xen giữa các kịch bản.

Có ý kiến đề nghị bổ sung trong nội dung của Đề án việc đánh giá tác động cụ thể, phân tích mức độ rủi ro, tính khả thi và nguồn lực thực hiện của cả ba kịch bản tái cơ cấu nền kinh tế (cơ bản, quyết liệt, đẩy mạnh) để bảo đảm tính thuyết phục cao hơn trong việc lựa chọn phương án phù hợp.

Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: "Nhân dân đặt niềm tin lớn vào Quốc hội, Chính phủ"
Sáng 20/10, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày trình bày trước Quốc hội Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư