Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Khách quan, công tâm chọn người tự ứng cử đại biểu Quốc hội
Nguyễn Lê - 23/02/2021 12:40
 
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã lên kế hoạch cho 3 đợt giám sát từ nay cho tới khi kết thúc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV.
.
Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác kiểm tra, giám sát bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Sáng 23/2, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác kiểm tra, giám sát bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, Đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Thông tin tại đây cho biết, tính đến hết ngày 17/2/2021, tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Qua tổng hợp báo cáo, tổng số người được Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cả trung ương và địa phương) là: 1.045 người; đạt tỷ lệ bình quân là 2,09 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu.

Theo hướng dẫn, thời hạn nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND vào giờ hành chính các ngày trong tuần, bắt đầu từ ngày 22/2, kết thúc lúc 17h ngày 14/3.  Riêng thứ Bảy, ngày 13/3/2021 và Chủ nhật, ngày 14/3/2021, Tiểu ban nhân sự của Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp cử người trực để nhận hồ sơ ứng cử.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Ngô Sách Thực mong muốn Mặt trận các cấp phải khách quan, công tâm, chặt chẽ trong việc kiểm tra lý lịch đại biểu để lựa chọn được những người xứng đáng tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ này.

Lưu ý ứng xử với người ứng cử không đạt 50% tín nhiệm cử tri   

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã lên kế hoạch cho 3 đợt giám sát từ nay cho tới khi kết thúc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026,

Theo đó, hoạt động kiểm tra, giám sát phải được tiến hành kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đúng nội dung. Những vi phạm phát hiện được phải kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, khắc phục. Chủ thể kiểm tra, giám sát (Thường trực UB Trung ương MTTQ, Thường trực UB MTTQ các cấp, cán bộ Mặt trận) chịu trách nhiệm về những kiến nghị của Đoàn kiểm tra, giám sát hoặc của cá nhân cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ban Thường trực Mặt trận các cấp lập các đoàn kiểm tra, giám sát trong quá trình tổ chức cuộc bầu cử với thành phần gồm đại diện Ban Thường trực làm trưởng đoàn, thành viên đoàn có đại diện ban Dân chủ - Pháp luật, đại diện một số tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cơ quan tư vấn… Hoạt động của các đoàn kiểm tra, giám sát chia làm 3 đợt. Đợt 1 có thời gian từ 20/2 đến 13/4/2021. Đợt 2 từ 13/4 đến 22/5/2021. Đợt 3 giám sát trong ngày tổ chức bầu cử (23/5/2021).

Lãnh đạo Mặt trận có những hướng dẫn cụ thể với việc thực hiện các quy định pháp luật về bầu cử, các tổ chức phụ trách bầu cử, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong cuộc bầu cử. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành giám sát cuộc bầu cử thông qua việc tham gia các tổ chức bầu cử, việc tổ chức hội nghị hiệp thương giới thiệu người ứng cử, tổ chức các hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú, tổ chức vận động bầu cử để người ứng cử tiếp xúc cử tri, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và giám sát trực tiếp tại tổ bầu cử trong ngày bầu cử (23/5/2021).

Nội dung cụ thể, Ban Thường trực UB Trung ương Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát việc thành lập và hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia, các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương.

Về việc giới thiệu người ứng cử, hoạt động này được xác định thực hiện trong khoảng thời gian từ 22/2/2021 tới 17h chiều ngày 14/3/2021 (kết thúc vòng hiệp thương lần 3). Các nội dung tập trung kiểm tra, giám sát gồm việc phân bổ cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu, việc tổ chức các hội nghị hiệp thương, việc lãnh đạo, chỉ huy đơn vị dự kiến người để giới thiệu ứng cử, việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi công tác của người được giới thiệu ứng cử.

Cơ quan giám sát lưu ý việc ứng xử với những người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử không đạt trên 50% tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi công tác hoặc nơi làm việc. Hoạt động giám sát cũng hướng tới xem xét số lượng người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử so với số lượng đại biểu được bầu.

Hoạt động kiểm tra, giám sát việc  tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử sẽ được thực hiện từ thời điểm bắt đầu tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử (ngày 20/3/2021) đến ngày 13/4/2021. Nội dung giám sát gồm thành phần, số lượng cử tri, chương trình hội nghị cử tri, việc ứng xử với những người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử không đạt trên 50% tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi cư trú, việc xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử.

Đảm bảo công bằng trong vận động bầu cử

Nội dung nữa được nêu tại tập huấn là giám sát việc lập, niêm yết danh sách cử tri thực hiện từ sau vòng hiệp thương lần 3 tới ngày bầu cử, 23/5/2021. Việc lập, niêm yết danh sách người ứng cử thì được thực hiện trong khoảng thời gian từ 23/4 đến 13/5, trước khi bước vào ngày bầu cử chính thức.

Các nội dung được tập trung kiểm tra, giám sát là thời gian công bố, lập, niêm yết danh sách, đảm bảo danh sách chính thức những người ứng cử được niêm yết là người đủ tiêu chuẩn ứng cử sau hội nghị hiệp thương lần 3.

Cơ quan giám sát cũng xem xét việc đảm bảo về số dư người ứng cử, đảm bảo việc xử lý, xoá tên người ứng cử trong thời gian Hội đồng bầu cử quốc gia, uỷ ban Bầu cử các cấp chưa công bố danh sách mà người ứng cử bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử. Việc giám sát đảm bảo đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu, người có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đã được công bố mà rơi vào những trường hợp nêu trên phải bị xóa tên.

Mặt trận tổ quốc cũng sẽ tập trung kiểm tra, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử của cơ quan có thẩm quyền.

Hoạt động kiểm tra, giám sát việc tuyên tuyền, vận động bầu cử thực hiện từ khi triển khai, tổ chức bầu cử đến khi kết thúc cuộc bầu cử, nhắm tới việc đảm bảo đúng nguyên tắc, thời gian, hình thức vận động bầu cử cho người ứng cử, trách nhiệm của người ứng cử, những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử.

Việc kiểm tra hoạt động vận động bầu cử thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri, qua phương tiện thông tin đại chúng  thực hiện từ ngày 29/4 đến 7h sáng ngày 22/5, để đảm bảo công bằng về số lượng các hội nghị tiếp xúc cử tri, công bằng về số lượng các lần trả lời phỏng vấn, đăng tải chương trình hành động giữa những người ứng cử.

Tiếp theo, giám sát trình tự bỏ phiếu, việc kiểm phiếu thực hiện từ 5h sáng tới 21h đêm ngày bầu cử, tập trung vào thời điểm bắt đầu và kết thúc bỏ phiếu, việc chấp hành nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, đảm bảo không có trường hợp bỏ phiếu hộ, việc niêm phong hòm phiếu và kiểm phiếu để bảo bảo quy định về chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu, ghi biên bản kiểm phiếu…

Cuối cùng, hoạt động kiểm tra, giám sát sát việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác bầu cử, cơ quan giám sát hướng dẫn thực hiện việc này kéo dài từ ngày 17/2 tới 30/6/2021.

Thành viên Chính phủ ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá XV có thể giảm
Các cơ quan Trung ương được giới thiệu 207 người ứng cử, trong đó có 15 thành viên Chính phủ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư