Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Khách sạn 5 sao lẫm chẫm kinh doanh ẩm thực trực tuyến
Phi Vũ - 28/05/2020 14:21
 
Nhiều khách sạn 5 sao bắt đầu cung cấp dịch vụ giao đồ ăn tận nơi.

Một phần để kiếm thêm nguồn thu khi ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, một phần để tìm cơ hội trong sân chơi ẩm thực trực tuyến, với quy mô đã cán mốc hơn 300 triệu USD ở Việt Nam.

.
Nhiều khách sạn 5 sao bắt đầu cung cấp dịch vụ giao đồ ăn tận nơi. 

Thị trường ngàn tỷ

Các khách sạn trực thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) có thể xem là nhóm đầu tiên tham gia cung cấp dịch vụ giao đồ ăn tận nơi, từ tháng 4/2020. Tất cả các khách sạn là thành viên của đơn vị này đều tham gia như Khách sạn Rex, Park Hyatt Saigon, Đồng Khánh…

Không chỉ TP.HCM, các khách sạn 5 sao ở Hà Nội cũng tham gia cung cấp dịch vụ này với những cái tên quen thuộc như Lotte Hà Nội, JW Marriott…

Mức giá các bữa ăn dao động từ 200.000 đồng trở lên, phần lớn áp dụng chính sách miễn phí giao hàng trong bán kính từ 3 đến 5 km từ khách sạn. Đối với khách hàng có số lượng 20 người trong văn phòng, bộ phận ẩm thực của các khách sạn này sẽ đến phục vụ tận nơi với đầy đủ tiêu chuẩn tại khách sạn.

Điển hình như Park Hyatt Saigon. Đơn vị này đưa ra chương trình gửi đầu bếp đến nhà để phục vụ món bò Wellington cho 6 người ăn theo phong cách của khách sạn.

Thế mạnh của dịch vụ giao hàng tận nơi, hay còn gọi là “outside cartering” là sản phẩm và chất lượng dịch vụ đã được kiểm chứng theo quy trình nghiêm khắc của các khách sạn 5 sao. Ưu điểm này đã được các khách sạn ở Hồng Kông khai thác để tồn tại do ảnh hưởng của dịch SARS từ năm 2003. Khi nguồn cung từ khách du lịch bị cắt đứt, các bếp ăn của khách sạn được tận dụng tối đa cho việc phục vụ các bữa tiệc tại nhà, hoặc cung cấp các thực đơn ẩm thực với giá cạnh tranh so với bình thường để kích cầu khách nội địa.

Các khách sạn ở Việt Nam hiện nay còn có thêm cơ hội nhờ vào thị trường ẩm thực trực tuyến đang phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của Statista (cổng thông tin thống kê trực tuyến của Đức), thị trường giao thức ăn trực tuyến ở Việt Nam năm 2020 có quy mô hơn 300 triệu USD, con số này không bao gồm việc giao thực phẩm chưa qua xử lý và đặt hàng qua điện thoại.

Tốc độ tăng trưởng hàng năm của thị trường giao thức ăn trực tuyến của Việt Nam vào khoảng 16,5% và dự kiến đạt quy mô hơn 550 triệu USD vào năm 2024.

Chưa chuẩn bị kỹ

Trên thực tế, dù có lợi thế về thương hiệu, đội ngũ nấu ăn và quy trình sản xuất được kiểm soát gắt gao, nhưng dường như, các khách sạn vẫn chưa thực sự chuẩn bị để tham gia thị trường ẩm thực trực tuyến.

Nhân dịp cuối tuần, chị Phương Trinh (quận Phú Nhuận, TP.HCM) đặt dịch vụ giao thức ăn của Khách sạn Rex. Tìm trên website không thấy chức năng đặt món, chị Trinh gọi vào tổng đài của khách sạn và được tư vấn xem menu và đặt món ăn qua tin nhắn trên Facebook.

Khách sạn chưa kịp trả lời tin nhắn Facebook, nên sau khi xem menu, chọn món, chị Trinh được tư vấn… gọi lại tổng đài lần nữa. Quy trình khá phức tạp nên chị Trinh chọn nhà cung cấp khác.

Phần lớn các khách sạn vẫn sử dụng cách đặt hàng truyền thống là gọi điện thoại và email. Park Hyatt là đơn vị hiếm hoi có mở cửa dịch vụ trên các ứng dụng giao thức ăn hiện nay.

Theo Khảo sát thị trường về nhu cầu tiêu dùng ngành ẩm thực Việt Nam, do GoViet tiến hành tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, với gần 4.000 người trong độ tuổi từ 15-45 tham gia. Hơn 60% người được khảo sát cho biết, đã từng sử dụng dịch vụ đặt món trực tuyến để mua đồ ăn. Tại cả 2 thành phố, hơn 3/4 số người này có dùng dịch vụ đặt món trực tuyến ít nhất một lần một tuần. Gần 30% người dùng đặt đồ ăn trực tuyến 2-3 lần mỗi tuần và khoảng 5-6% người dùng đặt đồ ăn trực tuyến hơn 10 lần trong 1 tuần.

Ông Võ Quốc Hưng, cựu trưởng bộ phận truyền thông tiếp thị của Công ty Ureka Media cho rằng, nhiều khả năng các khách sạn chỉ phục vụ tập khách lâu năm là chính, vì chi phí tiếp thị để thu hút khách hàng mới khá đắt đỏ.

“Việc mở dịch vụ giao hàng tận nhà chủ yếu để giữ chân đầu bếp trong mùa dịch, bởi tuyển dụng và đào tạo đầu bếp phù hợp với gu khách sạn khá mất thời gian”, ông Hưng nói.

Do dịch vụ mang tính chất tạm thời, nên không nhiều khách sạn mặn mà với việc kết nối với các ứng dụng giao thức ăn, mà chủ yếu sử dụng nhân lực tại chỗ để tiết kiệm chi phí.

Phần rủi ro có thể xảy ra, theo ông Hưng, nằm ở khâu giao hàng. Việc không chuyên xử lý đồ ăn đem đi có thể khiến chất lượng sản phẩm không như mong đợi.

Ngoài ra, nhóm này còn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt đến từ các chuỗi quán ăn của Golden Gate. Đơn vị này đang đẩy mạnh dịch vụ giao lẩu tại nhà vốn dễ đóng gói và ít bị ảnh hưởng bởi vận chuyển.

Ông Dương Quốc Nam, Giám đốc điều hành Hoàng Nam Group, chủ thương hiệu Con gà trống cho rằng, để tham gia vào thị trường ẩm thực trực tuyến, doanh nghiệp cần đầu tư khá nhiều. Đầu tiên là cân bằng lợi ích giữa mua mang đi và đến quán ăn, Hoàng Nam Group đang nghiên cứu một nhóm menu riêng dành cho việc bán mang đi với các đặc tính như dễ vận chuyển, mức giá phù hợp với mặt bằng chung của thị trường.

Về việc giao nhận, ông Nam cho biết, sẽ kết hợp với các ứng dụng giao nhận trong trường hợp sản phẩm đó dễ vận chuyển; còn với các sản phẩm khó hơn, đòi hỏi phải đầu tư vào các dụng cụ đóng gói thì nhân viên công ty sẽ tự giao.

“Thời gian qua, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy rất nhiều nghệ sỹ nổi tiếng kinh doanh ẩm thực bị phàn nàn vì chất lượng sản phẩm không tương xứng với giá thành sản phẩm. Tất cả là do khâu vận chuyển”, ông Nam nói.

Thị trường gọi đồ ăn trực tuyến có thêm tân binh từ Hàn Quốc
Woowa Brothers (Hàn Quốc) đã triển khai ứng dụng giao đồ ăn Baemin tại Việt Nam sau khi thâu tóm Vietnammm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư