Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 10 tháng 02 năm 2025,
Khai mạc Lễ hội Xuân Tam Chúc 2025 - Linh thiêng hội tụ
Phương Liên - 09/02/2025 14:51
 
Sáng 9/2 (12 tháng Giêng), Lễ Khai hội Xuân Tam Chúc 2025 chính thức khai mạc tại Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ Phật tử và du khách thập phương.

Với chủ đề “Linh thiêng hội tụ”, lễ hội không chỉ là sự kiện tôn vinh giá trị tâm linh, mà còn là cơ hội để kết nối các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Đại biểu Trung ương và địa phương cùng hàng nghìn tăng ni, phật tử, du khách thập phương tham dự Lễ Khai hội Xuân Tam Chúc 2025.

Dù tiết trời rét buốt, nhưng từ sáng sớm, hàng nghìn người đã tập trung về khu vực sân khấu trước nhà Thủy Đình, nơi diễn ra các nghi lễ chính thức của buổi lễ khai hội.

Buổi lễ khai hội được chủ trì bởi Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong không gian linh thiêng, trang trọng với các nghi thức dâng hương, tụng niệm cầu cho quốc gia thịnh vượng, người dân an lạc.

Hòa thượng Thích Minh Quang, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu tại Lễ khai mạc.

Trong bài phát biểu khai hội, Hòa thượng Thích Minh Quang, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã chia sẻ một thông điệp hết sức ý nghĩa về những phát hiện khảo cổ học đáng chú ý trong khu vực Tam Chúc. Cụ thể, các di cốt của người Việt cổ có niên đại khoảng 10.000 năm đã được tìm thấy trong hang Đội 4, cùng các hiện vật giá trị như cột gỗ lim, chân tảng đá hình hoa sen dưới lòng hồ Tam Chúc. Những phát hiện này không chỉ khẳng định rằng Tam Chúc là vùng đất Phật linh thiêng, mà còn là chứng tích của một nền văn hóa cổ xưa, góp phần làm sáng tỏ vị trí quan trọng của nơi đây trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Thực tế, hơn 1.000 năm trước, vào thời kỳ nhà Đinh, Tam Chúc không chỉ là một trung tâm Phật giáo, mà còn là nơi khởi nguồn của nền văn minh sớm của người Việt.

Lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Nam và các đại biểu thực hiện nghi thức dâng hương, tụng niệm cầu cho quốc gia thịnh vượng, người dân an lạc.

Lễ hội Xuân Tam Chúc, tổ chức hằng năm vào đầu xuân, trở thành dịp để tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt. Hòa thượng Thích Minh Quang nhấn mạnh: "Lễ khai hội xuân tại chùa Tam Chúc không chỉ là niềm mong đợi của người dân và tín đồ Phật tử, mà còn là cơ hội để chúng ta bảo tồn những giá trị văn hóa quý báu, giới thiệu hình ảnh quê hương, đất nước tới bạn bè quốc tế. Đây cũng là dịp để Phật tử trong và ngoài nước về chiêm bái, lễ Phật tại một trong những kỳ quan Phật giáo lớn nhất của đất nước".

Trong phần phát biểu tại lễ khai hội, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy khẳng định khu du lịch Tam Chúc là một trong những điểm đến đặc biệt, mang giá trị văn hóa và du lịch nổi bật của tỉnh. Không chỉ nổi bật với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, Tam Chúc còn là trung tâm văn hóa tâm linh của Việt Nam, thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm. Tỉnh Hà Nam cam kết tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ để Tam Chúc trở thành một điểm đến hấp dẫn, góp phần phát triển du lịch bền vững, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của vùng đất này.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trao hoa và Cúp giải thưởng Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á, Giải thưởng thành tựu đặc biệt năm 2024 cho tỉnh Hà Nam.

Lễ khai hội Xuân Tam Chúc 2025 đã chứng kiến một số hoạt động ý nghĩa như lễ trao giải "Hà Nam - Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á" và giải thưởng "Thành tựu đặc biệt" do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trao tặng. Những giải thưởng này là sự ghi nhận cho những nỗ lực không ngừng của tỉnh Hà Nam trong việc phát triển du lịch, bảo tồn di sản và quảng bá hình ảnh của Tam Chúc nói riêng, cũng như của cả tỉnh Hà Nam nói chung.

Một trong những nghi lễ không thể thiếu tại lễ hội chính là nghi thức rước nước thiêng. Nước được lấy từ giữa hồ Tam Chúc, sau đó được đưa đến các địa điểm linh thiêng như Điện Tam Thế, chùa Ngọc và chùa cổ Ba Sao.

Các đại biểu thực hiện nghi thức rước nước.

Song song với các nghi lễ trang trọng, lễ hội còn bao gồm những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, tôn vinh vẻ đẹp hùng vĩ của cảnh sắc Tam Chúc và những giá trị vĩnh hằng của Phật giáo. Chương trình nghệ thuật không chỉ mang lại không gian văn hóa phong phú cho người tham dự, mà còn giúp du khách hiểu thêm về lịch sử và ý nghĩa tâm linh của ngôi chùa Tam Chúc, từ đó thêm trân trọng và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa.

Chương trinh nghệ thuật đặc sắc tại Lễ khai hội Xuân Tam Chúc 2025.

Công tác tổ chức lễ hội được triển khai rất chu đáo, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách và Phật tử. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã phối hợp nhịp nhàng để tạo ra một môi trường lễ hội an toàn, thuận lợi cho mọi người đến tham gia và thực hiện các nghi thức tôn kính, góp phần mang đến cho mọi người một kỳ lễ tràn ngập niềm vui, sự hoan hỉ và bình an.

Năm 2025 là năm thứ 7 chùa Tam Chúc tổ chức Hội Xuân. Năm nay, du khách còn được trải nghiệm nhiều sự kiện đặc sắc, trong đó có Đại nhạc hội "Tết concert: Say Hi 2025" quy tụ nhiều ngôi sao lớn trong showbiz Việt tổ chức trong buổi tối ngày khai hội 9/2.

Du ngoạn 5 châu, đón Tết 4 phương tại Lễ hội Xuân lớn nhất Việt Nam
Văn hóa truyền thống của 5 quốc gia cùng sản vật, ẩm thực 5 châu hội tụ tại Lễ hội Ánh sáng phương Đông đã biến sự kiện kéo dài 58 ngày tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư