Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Khẩn trương đưa Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch
Tuấn Tùng - 02/04/2020 09:27
 
Tỉnh Đồng Nai đang đẩy nhanh các thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định đưa Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch KCN của cả nước. Đây là cơ sở pháp lý cần thiết để địa phương thực hiện di dời các doanh nghiệp, chuyển đổi công năng KCN này.
TIN LIÊN QUAN
.
Đồng Nai dự kiến đóng cửa KCN Biên Hòa 1 vào năm 2022.

Gỡ nút thắt đề án chuyển đổi công năng

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý cho UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Đề án chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ. Đồng Nai dự kiến đóng cửa KCN này vào năm 2022.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, sau khi nghiên cứu các quy định, văn bản pháp luật liên quan, UBND tỉnh nhận thấy không có cơ sở pháp lý cho việc đóng cửa KCN Biên Hòa 1. Tháng 8/2019, UBND tỉnh Đồng Nai đã có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định đưa KCN Biên Hòa I ra khỏi quy hoạch KCN Việt Nam đến năm 2020. “Đây là cơ sở pháp lý cần thiết để di dời các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại KCN Biên Hòa 1 và thực hiện chuyển đổi công năng”, ông Nguyên nói.

Mặc dù vậy, việc “loại bỏ” KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch hiện vẫn gặp một số vướng mắc. Cụ thể, thời điểm UBND tỉnh Đồng Nai có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư là thời điểm Luật Quy hoạch đã có hiệu lực. Do đó, việc đưa KCN Biên Hòa 1 lúc này bắt buộc phải tích hợp vào quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh. Điều này dẫn đến nguy cơ thực hiện việc đóng cửa, chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 sẽ tiếp tục bị chậm trễ. Bởi lẽ, ở thời điểm hiện tại, quy hoạch chung kinh tế - xã hội của tỉnh mới chỉ thực hiện lập nhiệm vụ quy hoạch, việc phê duyệt quy hoạch này dự kiến còn kéo dài.

Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hướng dẫn Đồng Nai thực hiện việc đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch vào trường hợp cần thiết, cấp bách để áp dụng theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. “Khi đưa vào trường hợp cần thiết, cấp bách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch KCN Việt Nam trong năm 2020, chứ không thực hiện tích hợp vào quy hoạch tỉnh”, ông Nguyên cho biết.

Sớm hoàn thiện chính sách bồi thường, hỗ trợ

Theo thống kê, hiện nay, KCN Biên Hòa 1 có 152 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 17 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Số lao động đang làm việc tại đây là hơn 21.000 người. Ngoài ra, trong phạm vi thực hiện Đề án, còn khoảng 300 hộ dân đang sinh sống.

Việc thực hiện đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 đã rất chậm trễ. Để rút ngắn thời gian, các cơ quan chức năng cần thực hiện song song các công việc.

Để thực hiện Đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1, Đồng Nai sẽ di dời tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hộ dân đang sinh sống trong khu vực này.

UBND tỉnh Đồng Nai đã giao nhiệm vụ cho Sở Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách, chế độ bồi thường, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người lao động và người dân khi thực hiện di dời. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Sở Tài chính vẫn chưa đưa ra được khung chính sách bồi thường, hỗ trợ cụ thể. Nguyên nhân là do việc di dời các doanh nghiệp để đóng cửa một KCN chưa từng có tiền lệ, nên chưa biết phải xây dựng cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ ra sao.

Trước thực trạng này, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, cùng với việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch để có cơ sở pháp lý thực hiện Đề án, các cơ quan chức năng cũng phải chủ động thực hiện các nhiệm vụ khác, trong đó có việc dự kiến khung chính sách đền bù, hỗ trợ, thời gian dự kiến di dời. Sau khi định hình được khung công việc, cần phải tiến hành làm việc và thông báo cho các doanh nghiệp biết để doanh nghiệp chủ động di dời.

“Hiện tại, dù chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện, nhưng phải dự kiến thời gian và thông báo cho các doanh nghiệp chủ động. Không thể để đến lúc có quyết định chính thức đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch mới làm việc với doanh nghiệp thì sẽ bị chậm tiến độ, doanh nghiệp cũng bị động khi thực hiện di dời”, ông Vĩnh nói.

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, việc thực hiện đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 hiện nay đã rất chậm trễ. Do đó, để rút ngắn thời gian, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai phải thực hiện song song các công việc. Cùng với hoàn thiện các thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch, cũng phải thực hiện các phần việc khác, nhất là việc hoàn thiện cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động và người dân khi di dời.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư