Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 11 tháng 10 năm 2024,
Khánh Hòa: Định vị thương hiệu du lịch biển
Nguyễn Toàn - 02/04/2023 08:21
 
Để khẳng định thương hiệu là trung tâm du lịch biển quốc gia, Khánh Hòa vừa nỗ lực tự làm mới mình, vừa chú trọng thu hút nguồn lực đầu tư về hạ tầng, các sản phẩm du lịch.
Khánh Hòa đã từng bước phát triển thành một điểm đến du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, vui chơi giải trí biển hấp dẫn
Khánh Hòa đã từng bước phát triển thành một điểm đến du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, vui chơi giải trí biển hấp dẫn.

Nhiều sản phẩm mới

Trong Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022, Bộ Chính trị đánh giá, trong vòng 10 năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã khai thác và phát huy tương đối tốt các tiềm năng, nhất là lợi thế về biển trong phát triển kinh tế - xã hội, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khánh Hòa là trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế; từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực.

Khánh Hòa đã từng bước phát triển thành một điểm đến du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, vui chơi giải trí biển hấp dẫn với nhiều khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi cao cấp, như

Vinpearl, Vinwonders Nha Trang, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh...

Năm 2023, ngành du lịch Khánh Hòa đặt mục tiêu phấn đấu đón khoảng 4 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 2,5 triệu lượt khách nội địa và 1,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch ước đạt 21.000 tỷ đồng.

Quý I/2023, ngành du lịch Khánh Hòa có tổng lượt khách lưu trú ước đạt 784.657 lượt (bằng 20% kế hoạch); khách nội địa ước đạt 527.217 lượt (bằng 21,1% kế hoạch); khách quốc tế ước đạt 257.440 lượt (bằng 17,2% kế hoạch); doanh thu du lịch ước đạt gần 4.559,4 tỷ đồng (bằng 21,7% kế hoạch).

Ngoài ra, tỉnh cũng thu hút sự tham gia của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như InterContinental, Best Western, Six Senses, Radisson, Movenpick, Eastin Grand, Accor Hotels & Resorts..., góp phần nâng cao giá trị du lịch Khánh Hòa.

Thực tế, thời gian qua, bên cạnh các cuộc xúc tiến thị trường mới như Ấn Độ, Hàn Quốc…, Khánh Hòa cũng đang tự làm mới mình bằng nhiều sản phẩm du lịch biển mới lạ, đặc sắc như tàu ngầm du lịch toàn kính với tầm nhìn vô cực 360 độ của VinWonders Nha Trang, du lịch mạo hiểm dù lượn ngắm toàn cảnh Nha Trang…

Tháng 3/2023, tỉnh Khánh Hòa đón nhận sự trở lại của dòng khách du lịch bằng tàu biển đến từ các quốc gia trên thế giới.

Cụ thể, ngày 1/3, Nha Trang đã đón chuyến tàu biển đầu tiên cập bến là tàu biển Seven Seas Explorer (quốc tịch quần đảo Marshall) với 637 khách đến từ nhiều quốc gia, như Mỹ, New Zealand, Mexico, Tây Ban Nha, Canada, Thụy Sĩ, Philippines, Thái Lan...

Tiếp đến, ngày 5/3, tàu du lịch cao cấp SILVER MUSE (quốc tịch Bahamas) đã cập cảng Nha Trang với 333 khách đến từ các quốc gia như Đức, Canada, Australia, Colombia, Thái Lan, Trung Quốc…

Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, đây là tín hiệu tốt, qua đó khẳng định, Nha Trang - Khánh Hòa vẫn là điểm đến được du khách quốc tế lựa chọn. Dự kiến đến hết năm 2023, có 27 chuyến tàu du lịch biển đến Nha Trang, trong đó có nhiều tàu có số lượng 2.000 - 4.000 khách.

Dưới góc độ doanh nghiệp, nhiều đơn vị đều khẳng định, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục quảng bá, xúc tiến, xây dựng những chương trình tour hấp dẫn để phục vụ thị trường khách du lịch bằng tàu biển, bởi đây là một trong những nguồn khách quan trọng đóng góp vào thị trường khách quốc tế đến Khánh Hòa.

"Du lịch Khánh Hòa cần hướng đến phát triển đa dạng, bền vững."
- Ông Lê Hữu Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

Trong năm 2023, ngành du lịch cần tập trung thu hút, phát triển đa dạng thị trường khách du lịch quốc tế; đẩy mạnh thực hiện liên kết vùng để hướng đến sự phát triển bền vững theo định hướng của Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.


"Cần tổ chức các chương trình liên kết, xúc tiến du lịch Việt Nam - Ấn Độ."
- Ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM

Khánh Hòa có nhiều tiềm năng du lịch được người dân Ấn Độ quan tâm, nên chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp Khánh Hòa cần tiếp tục quan tâm, tăng cường tổ chức các chương trình liên kết, xúc tiến du lịch giữa hai bên và xây dựng các dịch vụ phục vụ du khách Ấn Độ.


"Tăng cường phối hợp xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức."
- Ông Phạm Minh Nhựt, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa

Để hoạt động kinh doanh du lịch tỉnh Khánh Hòa có bước đi vững chắc và hiệu quả hơn, cần có sự tăng cường sự phối hợp giữa Sở Du lịch với Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp trong khâu tổ chức xúc tiến du lịch dưới nhiều hình thức nhằm đa dạng nguồn khách.



"Xây dựng sản phẩm về du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch văn hóa."
- Bà Nguyễn Hoài Thu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giải pháp kinh doanh Corex


Ngoài du lịch về biển đảo, tỉnh Khánh Hòa cần xây dựng, khai thác các sản phẩm về du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch văn hóa.
Địa phương là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, có dấu ấn văn hóa Chăm rất mạnh mẽ, vì vậy, tỉnh có thể khai thác các show diễn, loại hình nghệ thuật liên quan đến văn hóa Chăm.

Bên cạnh thu hút, đón dòng khách hạng sang này, ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa cũng đang thí điểm loại hình du lịch được xem là lần đầu tiên, đó là lưu trú qua đêm trên vịnh Nha Trang.

Vào tháng 5/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý cho Công ty TNHH Sealife Group được triển khai thí điểm hoạt động du lịch lưu trú qua đêm trên vịnh Nha Trang với thời gian 12 tháng kể từ ngày 2/6/2022.

Công ty Sealife Nha Trang cho biết, đã chính thức đưa tàu biển Sea Aroma đi vào thí điểm hoạt động lưu trú ngủ đêm trên vịnh Nha Trang từ ngày 10/9/2022.

Theo bà Trần Đặng Mai Trang, Giám đốc Chi nhánh Nha Trang (Công ty TNHH Sealife Group), Công ty rất tâm đắc với sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn và hoàn toàn mới lạ trên vịnh Nha Trang, mong muốn góp một phần nhỏ công sức để cùng ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa phát triển, thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và kéo dài thời gian lưu trú.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đạt được những thành công quan trọng trong phát triển du lịch khi tăng trưởng lượng khách duy trì ở mức cao (gấp 2-3 lần tốc độ tăng trưởng du lịch trung bình cả nước); thu nhập từ du lịch tăng nhanh; là một trong những địa phương thu hút mạnh, hiệu quả về đầu tư phát triển du lịch tại Việt Nam.

Tuy nhiên, du lịch Khánh Hòa cũng được đánh giá là phát triển chưa bền vững. Điều này thể hiện qua thu nhập từ du lịch của Khánh Hòa chủ yếu từ hoạt động kinh doanh lưu trú và dịch vụ ăn uống (chiếm 50 - 55%), trong khi thu nhập từ hoạt động vui chơi giải trí và mua sắm chỉ chiếm 25 - 30% và không thay đổi nhiều trong các năm qua.

Trong một thời gian dài, du lịch Khánh Hòa bị động và phụ thuộc vào một vài thị trường lớn như Trung Quốc, Nga; trong khi khách từ các thị trường châu Âu, Australia, Mỹ, Canada... sụt giảm mạnh. Thực trạng này không chỉ làm mất cân đối thị trường khách quốc tế, mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh du lịch về lâu dài.

Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa có 3 địa bàn trọng điểm du lịch và tập trung các dự án đầu tư. Tuy nhiên, ngoài TP. Nha Trang, 2 khu vực còn lại là Vân Phong - Đại Lãnh và vịnh Cam Ranh dù có nhiều tiềm năng, nhưng hoạt động du lịch ở địa bàn này thời gian qua còn hạn chế.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, để du lịch phát triển, cần phải đẩy mạnh hợp tác công - tư trong đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới.

Theo ông Tuân, thời gian qua, các khu vực trọng điểm phát triển du lịch đã thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, như Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh thu hút 40 dự án, với tổng vốn đã đăng ký 29.341 tỷ đồng; Khu vực TP. Nha Trang thu hút đầu tư đưa vào khai thác 64 khách sạn nghỉ dưỡng 4-5 sao…

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tại khu vực Vân Phong (huyện Vạn Ninh), tỉnh đang triển khai đầu tư hạ tầng để thu hút phát triển du lịch sinh thái - vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, các hoạt động tham quan, du lịch trải nghiệm, các khu đô thị phục vụ du lịch, dịch vụ.

Tỉnh Khánh Hòa cũng đang thực hiện điều chỉnh không gian đô thị hợp lý, gắn với phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, trong đó, TP. Nha Trang là đô thị hạt nhân; TP. Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp…

“Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh Khánh Hòa tiếp tục thu hút nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực du lịch”, ông Tuân nhận định.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho hay, ngành du lịch tỉnh đang tập trung các giải pháp như ưu tiên đầu tư và khuyến khích mọi nguồn lực tham gia đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; khuyến khích phát triển sản phẩm mới, sản phẩm đặc thù, sản phẩm dịch vụ mang tính độc đáo, bền vững; xây dựng và triển khai thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn phù hợp quy hoạch tại Khu kinh tế Vân Phong.

“Chúng tôi tập trung thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, nhằm huy động mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển theo hướng ưu tiên trước hết cho dịch vụ du lịch biển, đảo chất lượng cao, hướng tới sự chọn lọc, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, từ đó từng bước chủ động cơ cấu được các dòng khách đến với Nha Trang - Khánh Hòa”, bà Thanh cho biết.

Cùng với đó, tỉnh Khánh Hòa cũng đang kiến nghị Chính phủ xem xét, có cơ chế hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối để tạo động lực thu hút đầu tư du lịch tại 3 vùng động lực phát triển của tỉnh; xem xét bổ sung Khánh Hòa vào danh mục các địa phương được phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau…

Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa có gì đặc biệt
Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa dự kiến tổ chức vào ngày 2/4 với sự tham gia của 1.000 đại biểu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư