Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Cơ hội đầu tư từ tầm nhìn quy hoạch
Khánh Hòa khơi thông nguồn lực, hiện thực hóa mục tiêu
Hoàn Nhân - 02/04/2023 08:14
 
Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Khánh Hòa đã thực hiện nhiều giải pháp, huy động mọi nguồn lực, trong đó chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đoàn công tác của Bộ y tế và Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (thứ 5 từ trái sang) kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Công ty TNHH Rapexco Đại Nam
Đoàn công tác của Bộ Y tế và Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (thứ 5 từ trái sang) kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Công ty TNHH Rapexco Đại Nam

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư

Để góp phần thực hiện các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về xây dựng Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chuẩn bị phương án giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh dự kiến hơn 6.814 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương hơn 3.617 tỷ đồng, vốn từ nguồn bội chi hơn 1.219 tỷ đồng, nguồn vốn trung ương hỗ trợ gần 1.725 tỷ đồng, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài gần 253 tỷ đồng.

Mới đây, HĐND tỉnh Khánh Hòa có văn bản yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của Chính phủ.

Khánh Hòa sẽ phát triển dựa trên đa dạng hóa các nguồn lực, coi nội lực là nền tảng, lấy ngoại lực để tạo đột phá, chú trọng hài hòa giữa các động lực phát triển. Phát huy tối đa nhân tố con người gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời tích cực hoàn thiện các điều kiện về thể chế và hạ tầng để huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, để triển khai kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các chủ đầu tư quán triệt và thực hiện tốt công tác tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của Chính phủ. UBND tỉnh có chủ trương không yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt hoặc chưa được bố trí vốn kế hoạch.

Huy động hiệu quả nguồn lực

Theo tờ trình của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc thông qua Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa rất chú trọng đến việc huy động nguồn lực. Cụ thể, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển mạnh các loại thị trường để tăng cường thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Khánh Hòa ưu tiên phát triển mạnh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào những ngành quan trọng như du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ logistics, cảng biển, thủy sản và hậu cần nghề cá, công nghệ thông tin. Đồng thời, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội để tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Để thực hiện hóa các mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Khánh Hòa đã đưa ra nhiều giải pháp để phát huy các nguồn lực. Cụ thể, về nguồn vốn đầu tư, tỉnh sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lập và triển khai các kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm. Từng bước có quy trình, cơ chế phù hợp để tham vấn rộng rãi cộng đồng dân cư, doanh nghiệp về các chương trình, dự án đầu tư công nhằm tạo điều kiện phối hợp nguồn lực giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân.

Cùng với đó, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, quản lý chi ngân sách thiết thực và hiệu quả. Theo đó, tỉnh ưu tiên tăng chi cho đầu tư phát triển, tăng tỷ trọng các khoản chi cho các lĩnh vực đột phá phát triển, có tác động lâu dài và phù hợp với xu thế như hạ tầng, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Đồng thời, Khánh Hòa thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh để nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách và mở rộng cơ sở thu; khai thác hợp lý nguồn lực từ đất đai trên cơ sở thực hiện công khai, minh bạch trong đấu giá quyền sử dụng đất. Đặc biệt, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao thứ hạng của tỉnh trong bảng xếp hạng các chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Cải cách hành chính…

Khánh Hòa khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách (bao gồm cả vốn nước ngoài) để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; chú trọng thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp như y tế, giáo dục, đào tạo nghề..., qua đó huy động thêm nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực.

Đối với nguồn nhân lực, tỉnh xây dựng các chế độ, chính sách đãi ngộ, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao; thu hút và giữ chân lực lượng tri thức, lực lượng lao động có tay nghề cao tới làm việc tại Khánh Hòa. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thường xuyên rà soát, bổ sung những ngành, nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng giai đoạn phát triển; kết hợp linh hoạt giữa học lý thuyết và thực hành, hướng tới tăng dần thời lượng thực hành.

Ngoài ra, Khánh Hòa còn đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; huy động mọi nguồn lực trong xã hội, từ người dân từ các doanh nghiệp và tổ chức, từ các nguồn vốn nước ngoài..., nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp trong phát triển nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ công tác đào tạo lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Khánh Hoà sẽ là đô thị ven biển đáng sống hàng đầu châu Á
Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định Khánh Hoà là trung tâm kinh tế biển lớn của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư