Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Khánh Hòa loại 4 dự án thủy điện vừa và nhỏ chiếm dụng nhiều đất rừng
Việt Hương - 23/10/2020 15:16
 
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng thống nhất không phát triển thêm các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn, nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, UBND tỉnh đã đồng ý với đề xuất của Sở Công thương, sẽ không phát triển thêm các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Theo thống kê từ Sở Công thương Khánh Hòa, trên địa bàn tỉnh có 8 dự án thủy điện vừa và nhỏ được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch với tổng công suất lắp máy là 113MW, không có dự án nào có hồ, đập liên quan nằm trên địa bàn tỉnh khác. Cụ thể các dự án gồm: Ea Krong Rou, Sông Giang 2, Sông Giang 1, Sông Chò 2, Sông Cái, Hoa Sơn, Sông Trang, Khánh Thượng. 

Lo ngại mất rừng, Khánh Hòa
Lo ngại mất đất rừng, Khánh Hòa "gạch tên" 4 dự án thủy điện nhỏ và vừa. Ảnh minh họa 

Trong số 8 dự án nêu trên có 3 dự án đang vận hành phát điện gồm: Nhà máy thủy điện Ea Krong Rou (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa), công suất 28MW do Công ty Cổ phần Đầu tư miền Trung làm chủ đầu tư; Nhà máy thủy điện sông Giang (xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh), công suất 37MW do Công ty Cổ phần Khai thác thủy điện Sông Giang làm chủ đầu tư; Nhà máy thủy điện Sông Chò 2 (xã Khánh Hiệp, Khánh Vĩnh), công suất 37MW do Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Chò làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, hiện nay, Công ty Cổ phần Khai thác thủy điện Sông Giang đang đầu tư xây dựng dự án Nhà máy thủy điện Sông Giang 1, công suất 12MW tại xã Khánh Trung, Khánh Vĩnh.

Lo ngại mất đất rừng, loại 4 dự án thủy điện

Theo lãnh đạo Sở Công thương Khánh Hòa, trước đó thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương, sau khi rà soát, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi thỏa thuận đầu tư, đưa 4 dự án ra khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ toàn quốc gồm: Sông Trang (công suất 5W), Khánh Thượng (công suất 18MW), Sông Cái (công suất 2MW), Hoa Sơn (công suất 4W) với lý do hiệu quả kinh tế thấp, diện tích rừng bị ảnh hưởng nhiều, chậm triển khai và chưa có nhà đầu tư đăng ký.

Đối chiếu Quy hoạch phát triển Điện lực Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2025 có xét đến năm 2035 đã được Bộ Công thương phê duyệt năm 2017, trên địa bàn tỉnh không có tiềm năng phát triển nguồn dự án thủy điện, vì các vị trí tiềm năng thủy điện để nghiên cứu, khảo sát không có hiệu quả kinh tế, chiếm dụng nhiều đất rừng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, phải đền bù di dân tái định cư và đấu nối nhà máy vào điện lưới quốc gia rất khó khăn.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, thời gian qua có nhiều nhà đầu tư đã đề nghị được khảo sát đầu tư các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh (tập trung tại Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Vạn Ninh) nhưng địa phương đều từ chối do tác động đến môi trường quá lớn.

Đơn cử, như tháng 9/2019, Công ty Cổ phần Đầu tư VSD (TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) có công văn về việc xin chủ trương đầu tư dự án và bổ sung quy hoạch dự án thủy điện tại Khánh Vĩnh. Cùng thời điểm này, Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á Thống Nhất cũng có công văn xin chủ trương khảo sát, đầu tư xây dựng thủy điện Sơn Thái (xã Suối Tân, huyện Cam Lâm). Nhưng cả hai dự án này đều không được UBND tỉnh đồng ý.

Theo lý giải của lãnh đạo tỉnh này, với đặc điểm các con sông ở Khánh Hòa đều bắt nguồn từ vùng cao, chủ yếu đi qua vùng rừng tự nhiên, chiều dài sông ngắn và đều đổ trực tiếp ra biển, vì vậy, những tháng mùa khô, các con sông này có nguy cơ bị xâm nhập mặn cao, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt…  Đó chính là lý do để Khánh Hòa không phát triển thêm dự án thủy điện nhỏ và vừa trên địa bàn.

Khánh Hòa từ chối dự án kho xăng dầu ngoại quan 2.000 tỷ đồng
UBND tỉnh Khánh Hòa đã từ chối đề xuất đầu tư kho xăng dầu ngoại quan tại Vân Phong của Công ty Cổ phần Kho cảng ngoại quan và thương mại dầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư