Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 04 năm 2025,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua
Khánh thành dự án 1,3 tỷ USD tại Bình Dương; Bình Định có thêm dự án 52 triệu USD
Hạnh Nguyên (tổng hợp ) - 12/04/2025 08:29
 
LEGO chính thức khánh thành dự án 1,3 tỷ USD tại Bình Dương; Khu công nghiệp Becamex Bình Định thu hút dự án 52 triệu USD từ Đan Mạch… Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Chốt tiến độ thẩm định cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có vốn đầu tư 43.510 tỷ đồng

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có tổng chiều dài khoảng 125 km, trong đó 40 km đi qua tỉnh Bình Định và 85 km qua tỉnh Gia Lai. Đây là một tuyến giao thông trọng điểm, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án. Công tác thẩm định cần hoàn thành trước ngày 10/4/2025. Đồng thời, Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các bên liên quan để hoàn thiện hồ sơ, giải trình và trình Quốc hội chậm nhất vào ngày 15/4/2025.

UBND hai tỉnh Bình Định và Gia Lai được giao báo cáo Hội đồng Nhân dân tỉnh về phương án bố trí vốn ngân sách địa phương cho công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Hồ sơ hoàn chỉnh phải gửi về Văn phòng Chính phủ và các bộ liên quan trước ngày 9/4/2025.

Theo đề xuất, tuyến cao tốc có quy mô 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp, nền đường rộng 24,75 m, tốc độ thiết kế 100 km/h. Dự kiến có ba hầm lớn: An Khê 1, An Khê 2 và Mang Yang, với tổng chiều dài hơn 5.000 m.

Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 43.510 tỷ đồng, sử dụng hoàn toàn từ ngân sách nhà nước, gồm ngân sách trung ương và địa phương. Bộ Xây dựng dự kiến trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 5/2025, triển khai từ năm 2025 và hoàn thành vào năm 2029.

Trà Vinh đầu tư Dự án tuyến đường hành lang ven biển, vốn hơn 388,478 triệu USD

Hội đồng Nhân dân tỉnh Trà Vinh vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường hành lang ven biển, với tổng mức đầu tư hơn 9.186 tỷ đồng (tương đương 388,478 triệu USD). Dự án được tài trợ chủ yếu từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong đó ngân sách Trung ương cấp phát 90%, tỉnh Trà Vinh vay lại 10% và phần còn lại là vốn đối ứng.

Dự án tuyến đường hành lang ven biển sẽ đi qua địa bàn thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Nguồn: TTTĐT thị xã Duyên Hải
Dự án tuyến đường hành lang ven biển sẽ đi qua địa bàn thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Nguồn: TTTĐT thị xã Duyên Hải.

Dự án nhằm xây dựng tuyến đường hành lang ven biển dài 60,7 km theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, với mục tiêu kết nối tỉnh Trà Vinh với Bến Tre qua cầu Cổ Chiên 2 và Sóc Trăng qua cầu Đại Ngãi. Qua đó, giúp mở rộng không gian phát triển về hướng biển, nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên ven biển, thu hút đầu tư và thúc đẩy các ngành kinh tế mũi nhọn như thủy sản, du lịch, năng lượng và công nghiệp.

Dự án gồm hai hợp phần chính. Hợp phần 1 xây dựng tuyến đường và cầu cửa Cung Hầu dài 4,6 km. Hợp phần 2 hỗ trợ kỹ thuật, sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại của ADB. Dự án triển khai tại nhiều địa phương thuộc tỉnh Trà Vinh và sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2025–2030.

Ngoài ý nghĩa về giao thông và phát triển kinh tế, dự án còn góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng xanh, giảm phát thải và tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đề xuất bố trí vốn đầu tư tuyến đường 5.200 tỷ đồng kết nối TP.HCM với Long An

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM vừa đề xuất Sở Giao thông Công chánh tham mưu UBND Thành phố bố trí vốn trong năm 2025 để chuẩn bị đầu tư Dự án đường mở mới phía Tây Bắc, đoạn từ đường Vành đai 2 đến ranh tỉnh Long An. Mục tiêu là đảm bảo đủ điều kiện triển khai dự án ngay từ đầu kỳ trung hạn 2026 – 2030, nhằm đáp ứng tiến độ hạ tầng liên vùng.

Sơ đồ hướng tuyến đường mở mới Tây Bắc đoạn qua TP.HCM- Nguồn: Sở Giao thông Công chánh.
Sơ đồ hướng tuyến đường mở mới Tây Bắc đoạn qua TP.HCM- Nguồn: Sở Giao thông Công chánh.

Dự án này có chiều dài khoảng 9,9 km, quy mô 6 - 8 làn xe, nối từ đường Vành đai 2 qua khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) đến đường tỉnh 823D của Long An. Đây được xác định là tuyến đường xuyên tâm quan trọng, có vai trò kết nối giữa các vành đai giao thông trọng yếu của TP.HCM như Vành đai 2, Vành đai 3 và Vành đai 4.

Việc đầu tư tuyến đường mới không chỉ góp phần giải tỏa áp lực giao thông khu vực phía Tây và Tây Nam thành phố mà còn tạo động lực phát triển cho các khu công nghiệp dọc tuyến. Dự án được đề xuất triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với tổng mức đầu tư khoảng 5.200 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí giải phóng mặt bằng chiếm đến 3.900 tỷ đồng.

Việc sớm ghi vốn và hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư trong năm 2025 sẽ giúp TP.HCM chủ động hơn trong việc huy động nguồn lực, thúc đẩy liên kết vùng với tỉnh Long An, đồng thời hiện thực hóa chiến lược phát triển hạ tầng giao thông hiện đại và bền vững.

Trình Thủ tướng phương án mở rộng cao tốc Yên Bái - Lào Cai vốn 7.668 tỷ đồng

Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương bố trí vốn để đầu tư mở rộng đoạn cao tốc Yên Bái - Lào Cai thuộc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Đoạn tuyến này hiện có quy mô 2 làn xe, dài khoảng 121 km, trong đó mới chỉ có 40 km đã được mở rộng lên 4 làn. Việc nâng cấp đoạn còn lại khoảng 83 km là cần thiết nhằm đồng bộ hạ tầng với đoạn Nội Bài – Yên Bái vốn đã hoàn chỉnh 4 làn xe.

Một đoạn cao tốc Yên Bái - Lào Cai quy mô 2 làn xe.
Một đoạn cao tốc Yên Bái - Lào Cai quy mô 2 làn xe.

Dự án mở rộng sẽ nâng quy mô toàn tuyến lên 4 làn xe, phù hợp với quy hoạch phát triển mạng đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 7.668 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 3.055 tỷ đồng và VEC sẽ huy động 4.613 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có, vốn vay và lãi vay trong thời gian xây dựng. Thời gian thu phí hoàn vốn cho phần vốn VEC khoảng 20 năm, kết thúc vào năm 2045.

Bộ Xây dựng đề xuất VEC làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng dự án, cũng như khả năng huy động và hoàn trả nguồn vốn ODA của Chính phủ. Phương án tài chính được đánh giá là khả thi, đảm bảo dòng tiền dương và phù hợp với phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 của VEC.

Việc mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai là cấp bách trong bối cảnh lượng xe tăng nhanh, còn tuyến hiện tại chỉ có 2 làn xe và không có dải phân cách giữa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là vào dịp lễ, tết. Dự án nếu được phê duyệt sẽ khởi công trong năm 2025.

Khởi công tuyến cao tốc từ TP. Cà Mau đến Đất Mũi trước ngày 2/9/2025

Thường trực Chính phủ đã thống nhất chủ trương đầu tư tuyến đường cao tốc từ TP. Cà Mau đến Đất Mũi, với mục tiêu bảo đảm khởi công dự án trước ngày 2/9/2025. Tuyến đường này có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện kết nối thông suốt tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông đến cực Nam Tổ quốc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Dự án được giao cho Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư theo quy định pháp luật, trong khi UBND tỉnh Cà Mau chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện xây dựng và giải phóng mặt bằng đúng tiến độ. Bộ Tài chính được giao chủ trì phối hợp với các bên liên quan để hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Nguồn vốn cho dự án sẽ được bố trí từ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026–2030 và chuẩn bị đầu tư trong năm 2025 bằng nguồn điều chỉnh từ các dự án khác chưa phân bổ hoặc từ tăng thu ngân sách năm 2024.

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, tuyến cao tốc Cà Mau – Đất Mũi (CT.43) dài khoảng 90 km, điểm đầu tại TP. Cà Mau, điểm cuối tại huyện Ngọc Hiển, quy mô 4 làn xe, và được xác định sẽ hoàn thành trước năm 2030.

Bình Phước, Đắk Nông thống nhất khởi công một số gói thầu dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dịp 30/4

Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, sẽ chính thức khởi công một số gói thầu vào dịp 30/4/2025, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hai tỉnh Bình Phước và Đắk Nông đang phối hợp khẩn trương hoàn thiện thủ tục và giải phóng mặt bằng để triển khai các hạng mục thuộc dự án thành phần 3 như đường gom và cầu vượt.

Phối cảnh Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành .
Phối cảnh Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Tuy nhiên, khu tái định cư thuộc dự án thành phần 5 chưa thể khởi công trong dịp này do còn chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đánh giá tác động môi trường. Hai tỉnh thống nhất tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo tiến trình chung của toàn bộ dự án.

Dự án có tổng chiều dài 128,8 km, đầu tư giai đoạn I với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100-120 km/h, tổng vốn đầu tư khoảng 25.500 tỷ đồng. Trong đó, Dự án thành phần 1 thực hiện theo hình thức đối tác công – tư (PPP), với phần vốn huy động từ nhà đầu tư khoảng 12.770 tỷ đồng. UBND hai tỉnh phụ trách phần giải phóng mặt bằng và xây dựng các hạng mục phụ trợ trên địa bàn theo hình thức đầu tư công.

Hiện UBND tỉnh Bình Phước đã kiến nghị Chính phủ cho phép chuyển hình thức lựa chọn nhà đầu tư từ đấu thầu rộng rãi trong nước sang chỉ định nhà đầu tư để đẩy nhanh quá trình triển khai.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định phản hồi về đề xuất lập khu thương mại tự do

Tỉnh Bình Định đang nghiên cứu đề xuất của TS. Trần Du Lịch về việc xây dựng khu thương mại tự do (FTZ) gắn với Khu công nghiệp và Bến cảng Phù Mỹ. Đây được đánh giá là một ý tưởng đột phá, nhằm đưa khu vực này tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Lãnh đạo tỉnh và Sở Tài chính cho biết đang tiến hành các bước nghiên cứu khả thi, phù hợp với quy hoạch và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 Khu công nghiệp Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ. Nguồn: Sở Xây dựng tỉnh Bình Định.
Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 Khu công nghiệp Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ. Nguồn: Sở Xây dựng tỉnh Bình Định.

UBND tỉnh đã giao các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá kỹ lưỡng để có đề xuất cụ thể. Khi các yếu tố về cảng, khu công nghiệp và sân bay quốc tế hội tụ, Bình Định sẽ có điều kiện thuận lợi để triển khai mô hình FTZ. Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cũng bày tỏ sự ủng hộ, cho rằng FTZ có thể tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế khu vực miền Trung.

Trong khi đó, Dự án Khu công nghiệp Phù Mỹ giai đoạn 1 với vốn đầu tư hơn 4.569 tỷ đồng, diện tích gần 437 ha đang được chuẩn bị triển khai. Tuy nhiên, do một số thủ tục pháp lý chưa hoàn tất nên lễ khởi công bị lùi lại so với kế hoạch ban đầu (cuối tháng 3/2025). Tỉnh đã thành lập tổ công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong dân và thúc đẩy tiến độ dự án.

Bên cạnh đó, Dự án Bến cảng Phù Mỹ cũng đang chờ phê duyệt quy hoạch chi tiết để có thể khởi công vào cuối năm 2025 hoặc đầu 2026. Đây là cảng nước sâu với quy mô đón tàu trọng tải trên 150.000 tấn, góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã ký bản ghi nhớ với tỉnh, thể hiện sự quan tâm lớn đến khu vực Phù Mỹ.

Đề xuất bố trí 11.983 tỷ đồng để đầu tư đường Vành đai 4 đoạn qua TP.HCM

UBND TP.HCM vừa trình HĐND Thành phố đề xuất bố trí 11.983 tỷ đồng từ ngân sách để đầu tư đoạn đường Vành đai 4 dài 16,7 km đi qua địa bàn Thành phố. Nguồn vốn này chủ yếu dành cho công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Sơ đồ hướng tuyến đường Vành đai 4, TP.HCM.
Sơ đồ hướng tuyến đường Vành đai 4, TP.HCM.

Dự án được đề xuất phân kỳ đầu tư làm hai giai đoạn. Giai đoạn 2021 – 2025 bố trí 2.054 tỷ đồng, còn lại 9.929 tỷ đồng sẽ được bố trí trong giai đoạn 2026 – 2029. Trường hợp không kịp giải ngân phần chi phí giai đoạn đầu, khoản này sẽ được chuyển sang kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 – 2030.

TP.HCM khẳng định đủ khả năng cân đối vốn ngân sách cho dự án, cả trong giai đoạn hiện tại và dự kiến giai đoạn tiếp theo. UBND Thành phố đã đề nghị HĐND xem xét thông qua nghị quyết về việc bố trí vốn để đảm bảo tiến độ dự án.

Đường Vành đai 4 là một trong những tuyến giao thông trọng điểm của vùng, với tổng chiều dài hơn 159 km, đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 122.774 tỷ đồng, trong đó 53.109 tỷ đồng do nhà đầu tư tham gia theo hình thức BOT, phần còn lại là vốn Nhà nước.

Tư lệnh ngành Xây dựng ra công điện yêu cầu khởi công 5 dự án trong tháng 6/2025

Tính đến hết tháng 3/2025, các dự án hạ tầng sử dụng vốn đầu tư công do Bộ Xây dựng quản lý đã giải ngân khoảng 8.302 tỷ đồng, đạt 9,98% tổng kế hoạch năm, cao hơn mức bình quân cả nước (9,53%). Tuy vậy, tiến độ giải ngân vẫn chậm khoảng 3.360 tỷ đồng so với kế hoạch. Bộ Xây dựng đã phân bổ 83.151 tỷ đồng trong tổng số 83.746 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công năm 2025, đạt 99,29%.

Thi công xây dựng hầm Phượng Hoàng tại Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Thi công xây dựng hầm Phượng Hoàng tại Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân, và chuẩn bị cho các đợt khởi công, khánh thành đồng loạt vào ngày 19/4/2025. Các đơn vị cũng phải gửi danh sách công trình có kế hoạch khởi công trong tháng 4 về Bộ trước ngày 10/4 để tổng hợp báo cáo.

Bộ Xây dựng đặc biệt thúc đẩy hoàn thiện thủ tục cho các dự án lớn như La Sơn - Hòa Liên, Dầu Giây - Tân Phú, Mỹ An - Cao Lãnh, cầu Ninh Cường, cùng các dự án mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn, TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Bộ cũng chuẩn bị hồ sơ để trình Quốc hội chủ trương đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku vào kỳ họp tháng 5/2025.

Vụ Kế hoạch - Tài chính được giao nhiệm vụ giám sát chặt tiến độ giải ngân và tham mưu xử lý trách nhiệm nếu các đơn vị để xảy ra tình trạng giải ngân chậm.

Xây dựng Đài kiểm soát không lưu 138 tỷ đồng tại sân bay Đồng Hới - Quảng Bình

UBND tỉnh Quảng Bình vừa phê duyệt chủ trương đầu tư và chấp thuận Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm nhà đầu tư dự án Đài kiểm soát không lưu Đồng Hới và các hạng mục phụ trợ. Mục tiêu của dự án là xây dựng một đài kiểm soát không lưu hiện đại, có kiến trúc ấn tượng, đáp ứng tiêu chuẩn điều hành bay an toàn, hiệu quả tại Cảng hàng không Đồng Hới.

Cảng hàng không Đồng Hới đang được nâng cấp, mở rộng.
Cảng hàng không Đồng Hới đang được nâng cấp, mở rộng.

Dự án được thực hiện tại xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới, trên diện tích 7.600 m². Các hạng mục chính bao gồm đài kiểm soát cao 27 m, nhà điều hành bay nhiều tầng và các công trình phụ trợ đồng bộ. Tổng vốn đầu tư là 138 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành trong quý III/2026, sau khi hoàn tất thủ tục giao và cho thuê đất vào quý IV/2025.

UBND tỉnh yêu cầu nhà đầu tư hoàn thành ký quỹ và các thủ tục đúng thời hạn, nếu không sẽ mất hiệu lực chấp thuận đầu tư mà không được bồi thường.

Cùng với dự án này, tại Cảng hàng không Đồng Hới còn đang triển khai Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay, do ACV làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn hơn 1.863 tỷ đồng, công suất 3 triệu khách/năm, góp phần nâng cấp toàn diện hạ tầng hàng không của tỉnh.

LEGO chính thức khánh thành dự án 1,3 tỷ USD tại Bình Dương

Chiều 9/4, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) chính thức khánh thành nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em trị giá 1,3 tỷ USD tại Khu công nghiệp VSIP III, tỉnh Bình Dương. Đây là nhà máy thứ sáu toàn cầu của LEGO và cũng là nhà máy thân thiện với môi trường nhất của tập đoàn tính đến hiện tại. Với diện tích 44 ha, dự án gồm 5 tòa nhà chính và tổng diện tích xây dựng 150.000 m².

Phó thủ tướng Mai Văn Chính cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương và lãnh đạo Tập đoàn LEGO thực hiện nghi thức khánh thành Dự án.
Phó thủ tướng Mai Văn Chính cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương và lãnh đạo Tập đoàn LEGO thực hiện nghi thức khánh thành dự án.

LEGO cam kết vận hành hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo từ đầu năm 2026, trong đó có hệ thống 12.400 tấm pin mặt trời áp mái và trung tâm năng lượng tích hợp lưu trữ bằng pin quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Nhà máy cũng là nơi đầu tiên sản xuất túi đóng gói bằng giấy thay cho túi nhựa, thể hiện hướng đi phát triển bền vững.

Tại lễ khánh thành, Phó thủ tướng Mai Văn Chính nhấn mạnh đây là kết quả cam kết giữa Việt Nam và LEGO tại COP26, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, xanh và bền vững. Cuối năm nay, LEGO cũng sẽ đưa vào hoạt động trung tâm phân phối tại tỉnh Đồng Nai, hoàn thiện chuỗi cung ứng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Khu công nghiệp Becamex Bình Định thu hút dự án 52 triệu USD từ Đan Mạch

Công ty Mascot International A/S (Đan Mạch) vừa được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án sản xuất, gia công may mặc tại Khu công nghiệp Becamex Bình Định, thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.290 tỷ đồng (khoảng 52 triệu USD), quy mô 9,8 ha, với các hoạt động chính gồm sản xuất quần áo, xây dựng kho bãi, trung tâm kiểm soát chất lượng nguyên phụ liệu, xuất nhập khẩu và phân phối bán buôn.

Một Dự án FDI tại Khu công nghiệp Becamex Bình Định vừa hoàn thành xây xong nhà xưởng. Ảnh minh họa.
Một dự án FDI tại Khu công nghiệp Becamex Bình Định vừa hoàn thành xây xong nhà xưởng. Ảnh minh họa.

Dự kiến mỗi năm nhà máy sẽ sản xuất 5 triệu sản phẩm, doanh thu đạt 51,3 triệu USD khi hoạt động ổn định trong 10 năm. Các hạng mục khác như kho bãi và trung tâm kiểm soát chất lượng dự kiến mang lại doanh thu 2,4 triệu USD/năm; kiểm tra kỹ thuật khoảng 2 triệu USD/năm và xuất nhập khẩu, phân phối khoảng 400.000 USD/năm.

Dự án phải hoàn tất thủ tục pháp lý trong tháng 7/2025, xây dựng xong trong tháng 6/2026 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2026. Trong quý I/2025, Bình Định thu hút mạnh đầu tư với 31 dự án mới, trong đó có 4 dự án FDI với tổng vốn khoảng 23 triệu USD, góp phần khẳng định vai trò của tỉnh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Hoàn thành dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vào tháng 7/2026

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có kết luận về tình hình triển khai dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, khẳng định đây là công trình giao thông trọng điểm có ý nghĩa chiến lược đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Dự án sẽ góp phần cụ thể hóa các mục tiêu phát triển đề ra tại Đại hội XIII của Đảng, thúc đẩy kết nối giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Nam Bộ.

Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, ban quản lý và các nhà thầu nhưng cũng chỉ ra một số tồn tại như giải phóng mặt bằng chậm, thiếu vật liệu san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ, đặc biệt ở các dự án thành phần 2, 3, 4. Các địa phương liên quan được yêu cầu phải bàn giao xong mặt bằng trong tháng 4/2025, trong đó Cần Thơ và Sóc Trăng hoàn thành trước ngày 15/4. EVN cũng phải di dời hạ tầng điện để phục vụ thi công.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh chủ động làm việc để đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng, hoàn tất việc cung ứng phục vụ gia tải trước ngày 31/8/2025. Các nhà thầu cần huy động tối đa máy móc, nhân lực, thi công 3 ca liên tục, tranh thủ thời tiết và vật liệu để rút ngắn tiến độ, nâng cao chất lượng công trình.

Dự án có tổng chiều dài 188,2 km, chia thành 4 dự án thành phần do An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng quản lý. Dự kiến toàn tuyến sẽ cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc trên toàn quốc, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đóng góp khoảng 1.200 km.

TP.HCM duyệt chi 5.052 tỷ đồng giải phóng mặt bằng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

UBND TP.HCM đã phê duyệt Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Dự án thành phần 3) thuộc tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài đoạn qua huyện Củ Chi, với tổng mức đầu tư 5.052 tỷ đồng. Dự án có chiều dài 24,7 km, đi qua 11 xã, ảnh hưởng đến hơn 2.100 hộ dân với tổng diện tích thu hồi khoảng 2,2 triệu m², được giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô 6 làn xe, bao gồm cả các đường gom, nút giao và cầu vượt.

TP.HCM tiến hành cắm mốc để chuẩn bị giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Ảnh: Lê Anh
TP.HCM tiến hành cắm mốc để chuẩn bị giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Ảnh: Lê Anh

UBND huyện Củ Chi được giao nhiệm vụ tổ chức lập, phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư trong quý II/2025 và chi trả, bàn giao mặt bằng từ quý III đến quý IV/2025. Người dân bị ảnh hưởng sẽ được bố trí tái định cư tại xã Phạm Văn Cội. Dự kiến, phần đất công sẽ được bàn giao để triển khai hạng mục rà phá bom mìn vào ngày 30/4/2025, đồng thời TP.HCM và Tây Ninh phối hợp để khởi công các giai đoạn tiếp theo.

Tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài dài 51 km, giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/h. Tổng vốn đầu tư dự án là 19.617 tỷ đồng theo hình thức PPP, trong đó nhà đầu tư huy động 9.943 tỷ, phần còn lại từ ngân sách nhà nước. Gói thầu chính xây dựng cao tốc sẽ khởi công vào tháng 1/2026 và thông xe cuối năm 2027.

Đồng Nai và Bình Phước thống nhất khởi công cầu Mã Đà trong tháng 6/2025

Cầu Mã Đà, công trình kết nối giữa tỉnh Đồng Nai và Bình Phước, sẽ chính thức khởi công vào tháng 6/2025 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 12 cùng năm. Dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh Đồng Nai và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực.

Bên cạnh việc xây cầu, tỉnh Đồng Nai cũng lên kế hoạch khởi công tuyến đường nối từ cầu Mã Đà đến đường Vành đai 4 TP.HCM vào tháng 6/2026, hoàn thành năm 2028. Tuyến đường này sẽ đi qua các tỉnh lộ ĐT.753, ĐT.761 và ĐT.767, được quy hoạch với quy mô 8 làn xe, trong đó giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện một lần theo quy mô tối đa.

UBND tỉnh Đồng Nai đã giao các sở, ngành liên quan hoàn tất hồ sơ đầu tư, xác định hướng tuyến, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và xây dựng khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng. Dự án đi qua Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai nên cần sự phối hợp với UNESCO Việt Nam và các cơ quan liên quan để đảm bảo tuân thủ quy định bảo vệ môi trường sinh thái.

Trước đó, lãnh đạo hai tỉnh đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án này, coi đây là bước quan trọng trong kết nối hạ tầng giao thông liên vùng, phục vụ phát triển bền vững khu vực Đông Nam Bộ.

Giao VEC thực hiện Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành vốn 15.030 tỷ đồng

Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ do đây là tuyến kết nối chính yếu giữa TP.HCM và Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tuyến hiện hữu dài 21,92 km với 4 làn xe đã quá tải, cần sớm nâng cấp lên 8 – 10 làn xe để đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng.

Một đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành quy mô 4 làn xe hiện hữu.
Một đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành quy mô 4 làn xe hiện hữu.

Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương đề xuất phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc này, bao gồm cả việc áp dụng các cơ chế đặc thù theo quy định mới về đầu tư công, xây dựng và ngân sách. Mục tiêu là hoàn thiện thủ tục sớm để Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) triển khai dự án và hoàn thành vào năm 2026.

Dự án có tổng vốn đầu tư 15.030 tỷ đồng, phạm vi từ Vành đai 2 đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Trong đó, đoạn từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 sẽ mở rộng lên 8 làn xe, còn đoạn từ Vành đai 3 đến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu mở rộng lên 10 làn xe. Chính phủ yêu cầu báo cáo phương án đầu tư trước ngày 15/4/2025.

Hà Nội đầu tư hơn 500 tỷ đồng xây nhà máy xử lý nước thải Sơn Tây

UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải tại thị xã Sơn Tây, với tổng mức đầu tư gần 501 tỷ đồng. Mục tiêu dự án là xây dựng hệ thống xử lý nước thải đồng bộ cho khoảng 400 ha thuộc 7 phường nội thị, gồm: Lê Lợi, Phú Thịnh, Ngô Quyền, Quang Trung, Sơn Lộc, Viên Sơn và Trung Hưng.

Dự án bao gồm các hạng mục như mạng lưới đường cống chính, giếng tràn, tuyến cống bao và trạm xử lý nước thải tập trung. Hệ thống được thiết kế đảm bảo nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường, đồng thời có khả năng mở rộng, kết nối theo quy hoạch thoát nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp được giao làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2024 đến 2027. Chủ đầu tư có trách nhiệm đảm bảo tính chính xác, hợp pháp của hồ sơ, cập nhật đấu nối hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và tối ưu chi phí. UBND thị xã Sơn Tây sẽ tổ chức giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ triển khai dự án theo kế hoạch.

Hà Nội duyệt dự án hầm chui Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng 3.000 tỷ đồng

UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hầm chui tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt kéo dài với đường Phạm Văn Đồng, kết nối tới phố Trần Vỹ. Dự án nhằm giải quyết ùn tắc giao thông tại khu vực, đồng thời cải thiện khả năng kết nối hạ tầng giao thông khu vực phía Tây thành phố.

Hầm chui có tổng chiều dài khoảng 600 m, mặt cắt ngang 22,1 m với 6 làn xe, bao gồm cả làn xe cơ giới và xe thô sơ. Khu vực trước cổng Bộ Công an sẽ được mở rộng lên 4 làn xe cơ giới, cùng hè đường rộng 4,5 m. Dự án cũng bao gồm việc mở rộng, xén hè đường Hoàng Quốc Việt hiện hữu, xây dựng tuyến đường Hoàng Quốc Việt kéo dài với mặt cắt ngang 50 m, và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, đèn tín hiệu, đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị.

Tổng mức đầu tư dự kiến gần 3.000 tỷ đồng, thời gian chuẩn bị từ năm 2025 và thi công từ năm 2026–2028. Dự án được chia làm ba phần với chủ đầu tư là UBND các quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông.

Hà Nội yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ, hoàn thiện hồ sơ đầu tư theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tiết kiệm, đồng bộ và hiệu quả, đặc biệt chú trọng lấy ý kiến Bộ Công an để khớp nối hạ tầng kỹ thuật và giao thông khu vực liên quan.

Thành phố Hải Dương tạm dừng triển khai 14 dự án đầu tư công

TP Hải Dương vừa quyết định tạm dừng 14 dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách với tổng vốn trên 500 tỷ đồng để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính. Trong số này, có 8 dự án do thành phố quyết định đầu tư với tổng mức hơn 496 tỷ đồng và 6 dự án do các phường, xã đầu tư. Việc tạm dừng nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực, tránh lãng phí khi thực hiện tinh gọn bộ máy hành chính theo kế hoạch mới.

TP Hải Dương có 14 Dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách phải tạm dừng để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
TP Hải Dương có 14 dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách phải tạm dừng để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

Quyết định này được thống nhất tại Hội nghị lần thứ 27 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hải Dương khóa XXIII, trong bối cảnh thành phố điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021–2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2025. Trước đó, Sở Tài chính Hải Dương cũng đề nghị tạm dừng các dự án xây dựng, cải tạo trụ sở, nhà văn hóa, trụ sở công an xã… nếu chưa thi công.

Toàn tỉnh Hải Dương cũng có 6 dự án khác bị tạm dừng do kế hoạch đổi mới tổ chức bộ máy chính trị, với tổng vốn hơn 1.600 tỷ đồng, trong đó có dự án xây dựng Khu hành chính tập trung. Dù điều chỉnh đầu tư, trong quý I/2025, tỉnh vẫn giải ngân 1.602,2 tỷ đồng, đạt 15,3% dự toán, trong đó nhiều dự án quan trọng vượt tiến độ.

LEGO chính thức khánh thành dự án 1,3 tỷ USD tại Bình Dương
Chiều 9/4, tại tỉnh Bình Dương Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) chính thức khánh thành nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em trị giá 1,3 tỷ USD. Đây là nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư