Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Khẩu vị mới trong đầu tư sang Lào
Hà Nguyễn - 18/12/2017 08:28
 
Hàng loạt “đại gia” Việt Nam đang tiếp tục rót vốn đầu tư sang Lào, thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trên nhiều lĩnh vực, theo “khẩu vị” mới .
TIN LIÊN QUAN

KTDT Trái ngọt tỷ USD

Một con số rất đáng chú ý vừa được Tổng công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) công bố. Đó là lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, Viettel Global đạt xấp xỉ 13.000 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 19% (tương đương 2.000 tỷ đồng) so với cùng kỳ và đạt 2.933 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng mạnh so với con số 1.250 tỷ đồng năm 2016.

Đóng góp lớn cho con số này chính là liên doanh Star Telecom, đơn vị sở hữu thương hiệu Unitel, mạng viễn thông hiện nắm giữ hơn 50% thị phần viễn thông Lào. Trong liên doanh này, Viettel sở hữu 49% cổ phần.

Viettel đang năm 49% cổ phần trong liên doanh Star Telecom, đơn vị sở hữu thương hiệu Unitel, mạng viễn thông chiếm 50% thị phần viễn thông Lào.
Viettel đang năm 49% cổ phần trong liên doanh Star Telecom, đơn vị sở hữu thương hiệu Unitel, mạng viễn thông chiếm 50% thị phần viễn thông Lào.

Thông tin từ Star Telecom cho biết, với tổng số thuê bao hiện đạt trên 2,8 triệu, năm 2017, Unitel đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 10%, đạt mức 175 triệu USD, tương đương gần 4.000 tỷ đồng. Đây là một thành quả rất đáng ghi nhận sau 8 năm Viettel đầu tư sang Lào, kể từ năm 2009. Năm ngoái, Unitel đạt doanh thu 160 triệu USD và nếu tính lũy kế, đã cán mốc doanh thu trên 1 tỷ USD.

Không chỉ Unitel, nhiều dự án đầu tư khác của các doanh nghiệp Việt Nam khác cũng đã thu trái ngọt ở thị trường Lào. Chẳng hạn, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai từ lâu đã đầu tư hàng loạt dự án trồng cao su, cọ dầu ở Lào. Năm 2015, tập đoàn này cũng đã đưa sân bay ở Attapeu vào hoạt động và đang đầu tư sân bay Nọng Khang tại tỉnh Hủa Phăn, với vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD…

Bên cạnh đó, còn có thể kể hàng loạt dự án quy mô lớn khác, như Dự án Thủy điện Xekamản3 của Công ty cổ phần Điện Việt - Lào đã đi vào hoạt động; hay Dự án Thủy điện Xekamản1, Dự án Đường dây tải điện từ Xekamản về Pleiku...; rồi Dự án 522 triệu USD chế biến muối mỏ ka-li tại tỉnh Khăm-muộn; các dự án trồng cây cao su và cây công nghiệp tại Lào, với tổng diện tích hiện đã lên tới 70.000 ha...

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, luồng vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đã liên tục tăng trong giai đoạn 2011 - 2015, cả về số lượng dự án và tổng vốn đăng ký. Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký đầu tư sang Lào trên 5 tỷ USD.

“Nhiều dự án đầu tư đã phát huy hiệu quả, sản xuất - kinh doanh có lãi, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của hai nước, tạo công ăn việc làm và làm tốt công tác an sinh xã hội tại Lào”, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.

Số liệu ước tính, năm 2017, khi nhiều dự án được hoàn thành và đi vào hoạt động, sẽ góp phần tăng thu ngân sách cho Lào khoảng 350 - 400 triệu USD, tạo việc làm cho trên 40.000 lao động.

Khẩu vị mới và cơ hội rộng mở

Có một điều rất dễ nhận thấy, đó là nếu như trước đây, hầu hết các dự án đầu tư sang Lào đều tập trung trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy điện, viễn thông, thì nay dường như đã có một khẩu vị đầu tư mới.

Nếu như trước đây, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào đều ít nhiều có phần vốn nhà nước, thì nay ngày càng nhiều nhà đầu tư tư nhân đã dốc vốn sang thị trường này.

Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký đầu tư sang Lào trên 5 tỷ USD.

Cuối tháng 4/2017, BIM Group, một tập đoàn tư nhân nổi tiếng của Việt Nam đã khánh thành dự án khách sạn 5 sao đầu tiên tại Lào - Crowne Plaza Vientiane. Khách sạn 5 sao này có gần 200 phòng khách sạn nằm trên khu vực chính rộng 20.000 m2, trong khuôn viên Tổ hợp Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê cao cấp Royal Square do Tập đoàn triển khai xây dựng.

Cùng với BIM, Mường Thanh cũng đã đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao Mường Thanh Luxury Vientiane có tổng vốn đầu tư khoảng 40 triệu USD tại Thủ đô Vientian (Lào). Như vậy, theo chân Hoàng Anh Gia Lai, lần lượt các “ông lớn” Việt Nam đã lựa chọn Lào là điểm dừng chân trong kế hoạch mở rộng thị trường ra nước ngoài.

Con số còn có thể lớn hơn nữa trong tương lai. Bởi một kết quả khảo sát được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hồi đầu năm cho thấy, Lào đứng đầu trong danh sách các địa điểm hấp dẫn đầu tư với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Đã có 66 doanh nghiệp trong số 222 doanh nghiệp tham gia khảo sát trả lời rằng, họ sẽ chọn Lào. Các tiêu chí lựa chọn chính là cơ hội kinh doanh, quy mô thị trường và chất lượng điều hành.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Volachith, bắt đầu từ ngày mai (19/12) đến 21/12/2017, cũng được cho là sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác Việt - Lào trên cả hai phương diện ngoại giao và kinh tế, mở ra những cơ hội mới cho đầu tư của Việt Nam sang thị trường này.

Thực tế trong thời gian qua, quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào liên tục được đẩy mạnh thông qua các chuyến thăm cấp cao. Trong các cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo cấp cao, luôn có các khẳng định về việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên hợp tác đầu tư kinh doanh, đặc biệt là cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào. Những cam kết ấy đã và đang mở rộng hơn nữa cơ hội cho dòng vốn đầu tư từ Việt Nam chảy mạnh sang Lào.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư