Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Khi cổ phiếu SMC và NKG lao dốc, liệu SMC có bổ sung tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 200 tỷ đồng
Duy Bắc - 10/11/2022 08:29
 
Cổ phiếu thế chấp cho việc phát hành trái phiếu của CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) suy giảm, điều này nhiều khả năng sẽ buộc Công ty phải sớm bổ sung tài sản đảm bảo.

Lô trái phiếu 200 tỷ đồng thế chấp bằng 9,1 triệu cổ phiếu NKG và 4 triệu cổ phiếu SMC

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, Đầu tư Thương mại SMC đang có một lô trái phiếu mã SMCH2124001 phát hành ngày 30/7/2021, kỳ hạn 3 năm với mệnh giá là 200 tỷ đồng. Trong đó, tài sản đảm bảo là cổ phiếu CTCP Thép Nam Kim (mã NKG) và cổ phiếu SMC.

Theo tìm hiểu, Đầu tư Thương mại SMC đã phát hành lô trái phiếu 200 tỷ đồng với lãi suất 8,2%/năm, ngày đáo hạn là 2/8/2024 với mục đích huy động vốn bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, tài sản đảm bảo là 9,1 triệu cổ phiếu NKG và 4 triệu cổ phiếu SMC của bà Nguyễn Cẩm Vân, mẹ ruột bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi, Phó Chủ tịch HĐQT tại Đầu tư Thương mại SMC.

Được biết, ngày 30/7/2021, cổ phiếu NKG giao dịch vùng giá 22.590 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu SMC giao dịch vùng giá 35.900 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, tính tới ngày 9/11/2022, cổ phiếu NKG đã giảm 57% về 9.720 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu SMC giảm 76,1% về 8.580 đồng/cổ phiếu so với thời điểm phát hành lô trái phiếu có mệnh giá 200 tỷ đồng.

Được biết, từ thời điểm phát hành trái phiếu tới nay, Thép Nam Kim thực hiện trả cổ tức 30%. Trong đó, 10% bằng tiền và 20% bằng cổ phiếu. Như vậy, nếu tính tất cả lợi tức từ 9,1 triệu cổ phiếu làm tài sản đảm bảo, số lượng cổ phiếu này sẽ nhận thêm 9,1 tỷ đồng cổ tức tiền mặt và 1,82 triệu cổ phiếu trả cổ tức.

Ước tính với giá thị trường của cổ phiếu NKG là 9.720 đồng/cổ phiếu, giá trị tài sản đảm bảo của 9,1 triệu cổ phiếu này (bao gồm cả cổ tức tiền mặt và cổ phiếu) là khoảng 115,24 tỷ đồng.

Tương tự như vậy, kể từ thời điểm phát hành, Đầu tư Thương mại SMC đã trả 10% cổ tức tiền mặt và 20% cổ tức bằng cổ phiếu. Trong đó, với việc sở hữu 4 triệu cổ phiếu làm tài sản đảm bảo, lợi tức mang lại là 4 tỷ đồng cổ tức tiền mặt và nhận thêm 800.000 cổ phiếu mới, nâng tổng cổ phiếu là 4,8 triệu.

Như vậy, tính cả lợi tức tiền mặt và cổ phiếu, việc sở hữu 4 triệu cổ phiếu SMC làm tài sản đảm bảo này sẽ tương đương với giá thị trường là 45,18 tỷ đồng.

Nếu cộng tất cả giá trị của việc sở hữu 9,1 triệu cổ phiếu NKG và 4 triệu cổ phiếu SMC, giá trị tương đương khoảng 160,4 tỷ đồng, thấp hơn giá trị khoản trái phiếu trị giá 200 tỷ đồng.

Nhiều khả năng, Đầu tư Thương mại SMC sẽ phải bổ sung tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu trị giá 200 tỷ đồng phát hành ngày 30/7/2021.

Kinh doanh dưới giá vốn, SMC báo lỗ 219,41 tỷ đồng trong quý III/2022

Trong quý III/2022, Đầu tư Thương mại SMC ghi nhận doanh thu đạt 5.672,05 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 219,41 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 128,85 tỷ đồng, tức giảm 348,26 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý Công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp âm.

Cụ thể, trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 301,07 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương ứng giảm về 66,61 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 15,2% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 4,8 tỷ đồng lên 36,35 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 95,9%, tương ứng tăng thêm 42,1 tỷ đồng lên 86,01 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 83%, tương ứng tăng thêm 47,98 tỷ đồng lên 105,76 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, Công ty bất ngờ ghi nhận lỗ 219,41 tỷ đồng trong quý III, nguyên nhân chủ yếu do kinh doanh dưới giá vốn và chi phí tài chính tăng cao.

Công ty cho biết trong quý III sản lượng thép bán ra tăng 64% đã giúp doanh thu tăng 37%. Tuy nhiên, do giá cả thị trường vẫn tiếp tục giảm nhanh trong quý III liên quan đến hàng hoá thép dẹt, làm lợi nhuận biên thấp so với mức tăng chi phí của hoạt động kinh doanh, vì vậy lợi nhuận gộp ghi nhận âm, hay nói đúng hơn là kinh doanh dưới giá vốn.

Điểm đáng lưu ý, đây là quý lỗ đầu tiên trong 10 quý liên tiếp. Được biết, quý lỗ gần nhất là quý IV/2019, Công ty ghi nhận lỗ 5,77 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 18.948,59 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 93,67 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 868,99 tỷ đồng. Như vậy, việc ghi lỗ trong quý III đã xoá toàn bộ lãi trong 6 tháng đầu năm.

Năm 2022, Đầu tư Thương mại SMC đặt mục tiêu doanh thu là 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 300 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 7% và 67% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm với việc ghi nhận lỗ, Công ty còn cách rất xa kế hoạch có lãi.

Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm 2022, Đầu tư Thương mại SMC ghi nhận dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm 668,3 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 1.537 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 236,8 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 580,4 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Như vậy, Công ty tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt.

Được biết, đây không phải năm đầu tiên dòng tiền âm, trước đó năm 2021, Công ty cũng đã ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 752,28 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/11, cổ phiếu SMC tăng 210 đồng lên 8.580 đồng/cổ phiếu.

Đầu tư Thương mại SMC: Quý II/2022, lợi nhuận giảm 91,9% về 42,45 tỷ đồng
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC - sàn HoSE) ghi nhận lợi nhuận quý II/2022 giảm mạnh do giá thép tiếp tục giảm mạnh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư