Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 25 tháng 01 năm 2025,
Khi ngân khố quốc gia không "lựa cơm gắp mắm"
Mạnh Bôn - 23/07/2013 07:09
 
“Không điều chỉnh cân đối thu - chi ngân sách nhà nước năm 2013”. Mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ vỏn vẹn có 13 từ, nhưng lại khiến cả ngành tài chính đau đầu với bài toán làm sao thu đủ 816.000 tỷ đồng trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh được đánh giá là “chưa bao giờ khó khăn như năm nay”.

Mệnh lệnh của Thủ tướng được đưa ra khi thu ngân sách 6 tháng đầu năm mới đạt 43,7% kế hoạch, khi số nguồn thu quan trọng nhất, cơ bản nhất chỉ đạt 43,3% dự toán (mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây) và đặc biệt là có tới 42/63 địa phương không bảo đảm tiến độ thu theo dự toán.

Cần rút ra bài học về việc xây dựng dự toán không sát thực tế,
chưa thực sự khoa học, dự báo quá xa thực tiễn.

Loại bỏ nguyên nhân do hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó, việc thu ngân sách chưa như dự toán năm nay có thể là “bài học để đời” cho ngành tài chính khi xây dựng kế hoạch vì lý do sau:

Thứ nhất, việc xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm sau bắt đầu triển khai từ tháng 7 năm trước, được thực hiện bằng cách ước tính số thực thu đạt được của năm xây dựng dự toán cộng thêm phần gia tăng từ dự kiến tăng trưởng kinh tế, cùng số thu liên quan đến đất đai.

Thế nhưng, diễn biến thị trường bất động sản không như dự kiến đã khiến các khoản thu liên quan đến đất giảm quá mạnh, riêng số thu tiền sử dụng đất hụt 2/3 so với dự toán.

Thứ hai, khi xây dựng kế hoạch thu ngân sách, Bộ Tài chính cũng không thể lường trước những thay đổi về một số quy định liên quan tới miễn, giảm, gia hạn thuế, giảm tiền thuê đất, cũng như tác động của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp và Luật thuế Giá trị gia tăng sửa đổi được Quốc hội thông qua nhằm giảm mức đóng góp của xã hội vào ngân sách, với tổng số tiền lên tới 17.613 tỷ đồng.

Cân đối thu - chi của quốc gia không đơn giản như trong gia đình, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nếu thu ít thì chi ít trên tinh thần “liệu cơm gắp mắm”. Dựa trên số thu dự toán mà Bộ Tài chính đề xuất, Chính phủ, Quốc hội đã cân nhắc, tính toán chi tiết từng khoản chi, mà khoản nào cũng thực hiện trên tinh thần tiết kiệm tối đa.

Đặc biệt, trong chi ngân sách có những khoản không thể cắt giảm như chi lương, trả nợ vay trong và ngoài nước, chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên…

Nếu không thu đủ dự toán sẽ phá vỡ toàn bộ cân đối thu – chi, vì các khoản chi đều được giới hạn bởi mức bội chi 4,8% GDP đã được Quốc hội khống chế.

“Không điều chỉnh cân đối thu - chi”, mệnh lệnh đã được phát đi và ngành tài chính sẽ phải gồng mình để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này.

Thu ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm có thể sẽ khả quan hơn khi 2 tháng trở lại đây, số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại thị trường đều tăng; số doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động giảm; hàng chục ngàn tỷ đồng tiền thuế gia hạn năm 2012 và 6 tháng đầu năm nay sẽ được doanh nghiệp hoàn trả vào cuối năm 2013.

Song bài học về việc xây dựng dự toán không sát thực tế, chưa thực sự khoa học, dự báo quá xa thực tiễn cần phải được rút ra khi lập dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.

Nếu không, điều này sẽ ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia, an sinh xã hội, làm tăng bội chi, nợ công, lạm phát và tác động trực tiếp tới sự ổn định của nền kinh tế.

Rà soát các khoản có thể tăng thu
Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đầu tư về tình hình ngân sách nhà nước năm 2013, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, để bảo đảm cân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư